Chuyện đời, chuyện nghề của một người thầy đang giữ cương vị “thuyền trưởng” ở đơn vị chiến đấu cho tôi thấy sự say mê trong lĩnh vực khoa học hình sự cũng như công tác “trồng người” của ông.
1. Bận rộn. Đó là cảm nhận của tôi khi ngồi tại phòng làm việc của Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền tại đại bản doanh ở 99 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội. Cũng tại đây, tôi thấy khá nhiều sĩ quan Cảnh sát đến báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng và hầu hết họ đều gọi ông là thầy.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2014 cho Thiếu tướng Ngô Sĩ Hiền.
Thấy tôi băn khoăn, ông giải thích: Tôi đã có 30 năm đứng trên bục giảng tại Học viện CSND. Năm 2013, tôi nhận nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Khoa học hình sự. Ở cương vị mới, tôi vẫn chưa thôi đảm nhiệm vai trò người thầy. Hiện tại, tôi đang kiêm nhiệm Trưởng bộ môn Quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của Học viện CSND và Trưởng môn Kỹ thuật điều tra hình sự của Trường Đại học CSND, đang hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sỹ và 5 học viên làm luận văn Thạc sỹ.
Học tại Trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND), năm 1977, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, ông được giữ lại trường để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ công tác giảng dạy, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền đã có 37 năm gắn bó với mái trường này. Rất nhiều thế hệ sinh viên của trường đã học thầy Hiền các môn Kỹ thuật hình sự, Kỹ thuật điều tra hình sự, quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ông cũng từng hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và 30 học viên Cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Không chỉ đứng trên giảng đường của Học viện CSND, ông còn được mời thỉnh giảng tại Học viện ANND, Cao đẳng CSND, Học viện Tư pháp, Đại học Kiểm sát Hà Nội…
Trong công tác đào tạo, ông còn đặc biệt chú ý đến công tác nghiên cứu, viết giáo trình, tài liệu chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn… với tổng số 24 đầu sách đã xuất bản tại Nhà xuất bản CAND, Học viện CSND. Những cuốn sách chuyên khảo mà ông làm chủ biên đáng chú ý là: Khoa học hình sự Việt Nam, tập 2 “Kỹ thuật hình sự”; Nghiên cứu dấu vết súng đạn trong điều tra hình sự; Kỹ thuật phòng chống tội phạm những vấn đề lý luận và thực tiễn… Những cuốn giáo trình do ông biên soạn như: Giám định ADN; Giám định các chất ma tuý, Nhiếp ảnh và quay phim hình sự; Pháp y hình sự… là những cuốn sách đang được các giảng viên, sinh viên sử dụng làm tài liệu giảng dạy và học tập tại các trường Công an nhân dân.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng được ông chú trọng. Ông đã làm chủ nhiệm 3 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp cơ sở, đã tham gia chính nghiên cứu 2 đề tài cấp bộ. Hiện tại, ông đang nghiên cứu đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật 2D, 3D trong vẽ sơ đồ hiện trường vụ án”.
Dự kiến, đề tài này sẽ nghiệm thu sau Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ông cho biết, sau khi nghiệm thu, sẽ mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật hình sự, cán bộ điều tra Công an các tỉnh/thành. Tính ưu việt của việc áp dụng kỹ thuật 3D vào vẽ sơ đồ hiện trường là: tái hiện hiện trường một cách chính xác, sinh động, nhanh chóng. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho các điều tra viên, kiểm sát viên trong thực hiện các biện pháp tố tụng.
2. Khoa học hình sự là lĩnh vực đòi hỏi tính chính xác, độ tin cậy cao. Khi được lãnh đạo Bộ Công an giao trọng trách là Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền đã cùng với Đảng uỷ, lãnh đạo đơn vị kiện toàn tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến và đổi mới các hoạt động của Viện. Đi sâu, đi sát xuống nhiều địa phương để kiểm tra và hướng dẫn, chỉ đạo thực tiễn về kỹ thuật hình sự. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự và pháp y cho lực lượng kỹ thuật hình sự toàn quốc, coi trọng việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giảm thiểu lý thuyết; Tư vấn cho Bộ Công an ban hành các quy trình về giám định tư pháp kỹ thuật hình sự, các thông tư hướng dẫn thực hiện luật giám định tư pháp…
Năm 2014, cán bộ chiến sỹ Viện Khoa học hình sự đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, đã góp phần không nhỏ cùng lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điển hình là tham gia khám nghiệm hàng trăm hiện trường các vụ phá hoại ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng… Trực tiếp giám định và có kết luận chính xác, cung cấp chứng cứ khoa học để giải quyết nhiều vụ án lớn như: vụ thẩm mỹ viện Cát Tường; vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn, vụ sập cầu treo Chu Va 6…
Từng là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về nghiệp vụ kỹ thuật điều tra hình sự, nay lại ở cương vị người đứng đầu cơ quan về kỹ thuật hình sự, ông hào hứng khẳng định, công việc kỹ thuật hình sự vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất thú vị. Lấy ví dụ việc giám định để làm rõ nguyên nhân khiến hơn 700 công nhân ở Nhà máy Hongfu (Thanh Hoá) đồng loạt ngất xỉu hồi tháng 5/2014, ông cho biết, việc nhanh chóng tìm ra câu trả lời không chỉ giúp nhà máy ổn định sản xuất mà còn góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.
Khi xảy ra tình trạng công nhân ngất xỉu hàng loạt, có thông tin cho rằng, họ bị đầu độc. Thế nhưng, khi các giám định viên hóa học vào cuộc đã xác định: không gian chật hẹp, bí, không khí lưu thông kém, cộng việc sử dụng nhiều keo dán giày đã khiến khí độc tích tụ. Ngay sau khi xác định nguyên nhân, nhà máy đã bố trí lại không gian làm việc, khí độc từ keo dán giày được khuyếch tán, tình trạng ngất xỉu của công nhân được giải quyết.
Không chỉ chỉ đạo nghiệp vụ ở Viện Khoa học hình sự, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền còn rất coi trọng công tác đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác Kỹ thuật hình sự trong toàn quốc.
Ông quan niệm, thực tiễn gắn với đào tạo sẽ giúp chúng ta có đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự giỏi. Đây chính là nỗ lực để lực lượng Cảnh sát kỹ thuật hình sự hoàn thành tốt hơn nữa vai trò phòng, chống tội phạm. Và ông đang phấn đấu làm tốt vai trò người chỉ huy, người thầy ở Viện Khoa học hình sự.
Cao Hồng
Nguồn: www.cand.com.vn