Thời sinh viên xa nhớ

Thấy tôi đứng trước cổng nhà, ông cười rất vui, rồi vội lục tìm chìa khóa trong túi. Ông cười lớn “chết thật, không hiểu là chìa khóa để đâu, có khi mình để quên ở trong nhà rồi. Người già đãng trí thế đấy!”. Rất nhanh, tôi thì chưa kịp phản ứng, ông đã trèo lên cổng sắt khá cao để vào bên trong nhà tìm chìa khóa. Thật không thể tin nổi, một người đã ngoài bảy mươi mà vẫn nhanh nhẹn hơn cả thanh niên.

Trong câu chuyện rất vui vẻ hôm ấy, ông kể về thời sinh viên của mình với giọng điệu của một chàng trai trẻ, rất mạch lạc, không chút đãng trí, như ông tự nhận. Với ông, những năm tháng sôi nổi ấy đã giúp ông có được điều kiện cần để bước chân vào con đường khoa học. Thời học phổ thông, Trương Quang Học được mệnh danh là “con cá kình” của trường Kim Sơn, Ninh Bình bởi sự thông minh, nhanh nhẹn, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Năm 1962, ông đăng ký thi vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng kết quả ông lại được phân học khoa Sinh. Sự việc trái khoáy ấy khiến ông buồn bã và có phần chán nản, chểnh mảng việc học hành. Thời ấy, sinh viên Đại học Tổng hợp học tại số 19 Lê Thánh Tông – cơ sở của trường Đại học Đông Dương cũ và ăn ở trong ký túc xá Lò Đúc. Ở ngôi trường danh giá ấy, ông được tiếp xúc với các thầy giỏi, với cơ sở vật chất vào loại hiện đại nhất Việt Nam thời đó. Một số giảng đường của trường Đại học Tổng hợp được xây dựng cũng theo kiến trúc của Pháp, không khí rất trang nghiêm.

Kỳ học đầu tiên năm thứ nhất, Trương Quang Học có nhiều tâm sự, chưa thật yên tâm vì không được học chuyên ngành vật lý mà ông yêu thích với những mơ ước, sự tưởng tượng về lĩnh vực mới mẻ như quang phổ, điện tử… những phòng thí nghiệm hiện đại. Giai đoạn đầu, khi làm quen với sinh vật học ông rất phân tâm, chưa có ý thức tập trung học tập. Nhưng rồi, ông dần thay đổi bởi nhiều lý do. Trước hết là ông được tiếp xúc, nghe các bài giảng của những thầy giáo nổi tiếng, có trình độ chuyên môn cao như Đào Văn Tiến, Đặng Ngọc Thanh, Mai Đình Yên, Phan Kế Lộc, Phạm Thị Trân Châu… Ngoài ra, một số cán bộ được đào tạo ở Liên Xô mới về giảng dạycũng đem lại không khí hào hứng, tăng thêm sự yêu ngành nghề cho sinh viên. Sau năm thứ nhất, sinh viên Trương Quang Học đã có phần yên tâm học tập.

Ngày 2 buổi, sinh viên ở ký túc xá đi bộ lên giảng đường 19 Lê Thánh Tông để học. Cũng như mọi sinh viên ở ký túc xá, Trương Quang Học ngủ giường tầng, ăn cơm bếp tập thể. Thời gian đầu học còn đỡ khó khăn nhưng khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc (năm 1965) thì cuộc sống trở nên ngột ngạt và gian nan hơn. Mỗi tháng sinh viên được Nhà nước cung cấp theo tiêu chuẩn 12 cân gạo, 1 lạng đường, 2 lạng thịt. Ông kể: “Ấn tượng là vô cùng đói. Sáng đi học được nửa cái bánh mì con con. Ăn xong thì 9h thấy đói cồn cào. Chờ đến lúc về ăn cơm, hôm thì được 2 lưng bát cơm, hôm ăn bánh mì, hôm ăn “bánh bao nắp hầm” (bột mì luộc). Dù thế, ăn vẫn ngon miệng bởi dạ dày rỗng, nhưng rồi cái đói trở lại ngay vì không đủ về cả lượng và chất. Nhiều hôm không ngủ trưa được vì đói!”.

GS.TSKH Trương Quang Học

Chàng sinh viên Trương Quang Học luôn giữ thói quen dậy sớm từ 4h học ngoại ngữ. Để không ảnh hưởng tới các bạn trong phòng, ông ra đầu nhà, nơi có đèn sáng để ngồi học. Nhưng đó là mùa hè, còn vào mùa đông, ông xuống nhà bếp để học cho ấm. Ông học tiếng Nga và học tên các loài động, thực vật theo tiếng latinh – hệ thống thuật ngữ rất đặc trưng của ngành sinh học. Trước năm 1962, sinh viên chỉ học 3 năm, nhưng từ khóa 7 (1962-1966) là hệ 4 năm. Theo ông, khóa 7 là khóa được đào tạo hoàn thiện nhất kể từ năm 1956, vì thế có tới 11 sinh viên sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường giảng dạy. Khóa 7 còn được gọi vui là “khóa bậy” vì nhiều sinh viên học nổi trội, năng động hoạt bát, và cũng khá “quậy”. Sau này, 7 người trở thành giáo sư: Vũ Quang Côn, Trịnh Tam Kiệt, Đỗ Ngọc Liên, Vũ Văn Vụ, Nguyễn Quốc Khang, Nguyễn Nghĩa Thìn, Trương Quang Học đều là sinh viên khóa 7.

Giáo sư Trương Quang Học vẫn còn nhớ khá rõ về chương trình học thời đó. Năm thứ nhất, sinh viên học các môn cơ sở như toán lý hóa, triết, ngoại ngữ, động thực vật học; năm thứ hai là các môn chuyên sâu hơn như sinh hóa, lý sinh; từ năm thứ ba trở đi, sinh viên được học các chuyên đề và làm niên luận (Niên luận một công trình nghiên cứu nho nhỏ, phù hợp với năng lực, và chủ yếu là rèn luyện, tập dượt kỹ năng nghiên cứu của sinh viên). Đây cũng là bài tập quan trọng để đánh giá tốt nghiệp. Có lẽ, niềm đam mê với sinh vật học của chàng sinh viên Trương Quang Học cũng bắt đầu từ khi ấy. Năm cuối, sinh viên tập trung vào môn chuyên ngành và làm khóa luận tốt nghiệp.

Trước khi làm niên luận, sinh viên phải chọn chuyên ngành. Ở khoa Sinh có nhiều ngành nhỏ như: vi sinh, động vật, thực vật, mô phôi, tế bào, sinh hóa…. Trương Quang Học chọn côn trùng học với hai lý do. Thứ nhất là ông nghe theo lời khuyên của một người đồng hương học trước 3 khóa, khi cho rằng ngành côn trùng học rất hay và có ý nghĩa thực tiễn. Thứ hai, do ông ngưỡng mộ thầy Phạm Bình Quyền, là người được đào tạo ở Liên Xô, giảng dạy hấp dẫn và lôi cuốn. Khi ông chọn chuyên ngành côn trùng học thì thầy Phạm Bình Quyền nhận hướng dẫn làm niên luận. Theo những giảng giải như thôi miên về Côn trùng học của thầy Quyền, rằng trong côn trùng học có những côn trùng có lợi, có ý nghĩa thực tế như cánh kiến đỏ – loại côn trùng ký sinh ở các loại cây, đặc biệt là cây họ đậu. Sau khi ký sinh, cánh kiến đỏ tiết ra bên ngoài một loại vỏ, gọi là nhựa cánh kiến. Từ nhựa cánh kiến, người ta chế ra nhiều sản phẩm khác nhau như sơn, vecni cao cấp… đã khiến sinh viên Trương Quang Học lập tức bắt tay vào lĩnh vực côn trùng học, mà trước tiên là niên luận năm thứ 3.

Trước đó, một nhóm cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp từng nghiên cứu về cánh kiến đỏ, nhưng chỉ nghiên cứu nuôi trồng để sản xuất. Theo định hướng của thầy Quyền, sinh viên Học nghiên cứu về sinh học, sinh thái của loài cánh kiến đỏ mà ở Việt Nam chưa từng công bố số liệu. Ông thực hiện nghiên cứu đó ở hai nơi, một là trồng cây đậu thiều ở ngay trong khuôn viên của ký túc xá, sau đó lấy cánh kiến đỏ về thả trên cây đậu thiều để nghiên cứu quá trình phát triển của nó từ đầu đến khi thu hoạch. Đồng thời ông phải ra ngoại thành Hà Nội, đến những nơi trồng cánh kiến để theo dõi quá trình phát triển ngoài thực địa. Đồng thời với nghiên cứu ở thực địa, Trương Quang Học còn tìm, tham khảo những tài liệu về cánh kiến đỏ. Hồi đó, nhiều tài liệu của Trung Quốc nghiên cứu khá kỹ về vấn đề này. Ông nhờ một số người dịch những tài liệu đó ra tiếng Việt để đọc.

Ông phải thu thập tất cả những tiêu bản của cánh kiến, nghiên cứu quá trình phát triển của nó ở ngay trong ký túc xá. Ông rất say sưa với công việc, dù nắng hay mưa vẫn đội nón, mặc áo mưa ra thực địa để quan sát, ghi chép. Ông chia sẻ: “Qua việc làm niên luận năm thứ ba tôi thấy rằng để làm nghiên cứu cơ bản thì phải có sự say sưa. Nhưng bản thân sự nghiên cứu khoa học nó tạo ra sự say sưa cho người làm chứ không phải tuyên truyền. Ai phải tuyên truyền, vận động mới say sưa thì không có nhiều đóng góp”. Niên luận Nghiên cứu sinh học sinh thái của cánh kiến đỏ Laccifer lacca được ông hoàn thành với khoảng 300 trang. Trong đó, ông đã tập hợp tất cả số liệu thu thập được, mô tả rất kỹ trên từng mẫu vật làm trong phòng thí nghiệm, cũng như mẫu vật ở ngoài thực địa. Ông tâm sự: “Tôi nghĩ đó là công trình nghiên cứu khá hoàn hảo về cánh kiến đỏ lúc ấy. Đấy là công trình đầu tay của tôi, được đánh giá điểm cao nhất là điểm 5. Nghiên cứu ấy không những trong phòng thí nghiệm, tức là bằng kính hiển vi, vẽ, chụp ảnh, mà còn bằng thực nghiệm ngoài thực địa. Tức là công sức bỏ ra rất lớn. Ý nghĩa lớn hơn là nó đã đào tạo chúng tôi thành những nhà khoa học mà đến tận bây giờ vẫn còn giữ được tác phong làm việc nghiêm túc như vậy”.

Đào tạo năm thứ 4 khi ấy rất bài bản, trước khi làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên phải học một số chuyên đề. Mỗi chuyên đề đều được khoa mời một chuyên gia về giảng dạy. Ví dụ côn trùng nông nghiệp thì mời thầy Khôi ở Đại học Nông nghiệp và thầy Cung ở Bộ Nông nghiệp về dạy. Môn côn trùng y học do thầy Trịnh Văn Bảo ở đại học Y sang dạy. Trong côn trùng học có nhiều loài khác nhau, như côn trùng nông nghiệp, lâm nghiệp…Ngoài ra còn có côn trùng thuộc lĩnh vực y học, gây bệnh cho người, ví dụ sốt rét, dịch hạch. Lúc đó, ở bộ môn chưa có ai nghiên cứu về côn trùng y học nên có hướng gửi ông sang trường Đại học Y Hà Nội để thực hiện nghiên cứu. Ông đến gặp thầy Trịnh Văn Bảo, một cán bộ đã tốt nghiệp khóa 1 khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp.

Khi ấy, trường Đại học Y đang sơ tán ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trương Quang học sơ tán theo trường Y để làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: Nghiên cứu khu hệ muỗi ở sinh cảnh điển hình. Ông tiến hành nghiên cứu ở ba tỉnh là Hà Nội, Thái Nguyên và Quảng Ninh. Ông đến từng địa phương để thu mẫu vật, bảo quản cẩn thận mẫu vật mang về phòng thí nghiệm phân tích, đánh giá kết quả phục vụ việc viết khóa luận. Hành trang của mỗi chuyến đi luôn là chiếc ba lô cũ đựng những vật dụng cần thiết và một ít tiền cho sinh hoạt hàng ngày.

Ở Quảng Ninh, ông thực hiện nghiên cứu ở Hòn Gai, Hoành Bồ và Quảng Yên. Di chuyển giữa ba nơi đó ông thường đi bộ, thỉnh thoảng giữa đường gặp xe thì đi nhờ. Ông nhớ lại: “Ở thị xã Hòn Gai, tôi ở nhờ Ủy ban huyện. Nhiều đêm tôi ngồi xắn quần để muỗi đốt, rồi chụp lại. Không những bắt muỗi mà phải bắt bọ gậy ở các chum vại … Muỗi trưởng thành thì mình làm tiêu bản theo một kiểu, bọ gậy theo một kiểu, sau đó điều tra, hỏi chuyện nhân dân xem tình hình bệnh tật như thế nào. Nhiều khi phải nghiên cứu suốt 24 tiếng hoạt động của nó. Thí dụ ở Bưởi, tôi phải thức suốt 12 tiếng, bắt muỗi theo giờ để có số liệu về số cá thể theo từng giờ, biết được giờ hoạt động, biết được tập tính của đối tượng nghiên cứu”.

Tổng hợp kết quả thu thập mẫu và nghiên cứu, trong bản khóa luận dầy khoảng 500 trang của mình, sinh viên Trương Quang Học đã phát hiện và thống kê 70 loài muỗi ở những khu vực khác nhau. Ngoài tìm ra tập tính, mật độ phân bố, số lượng ngày đêm của muỗi, ông còn vẽ các mẫu muỗi từ ấu trùng tới con trưởng thành.

Nói về động lực để vượt qua những khó khăn, GS Trương Quang Học cho biết: “Thế hệ chúng tôi sinh ra cùng Cách mạng tháng Tám. Chúng tôi có suy nghĩ của thời đại mới, làm việc vì cái chung. Chúng tôi tự hào vì được đào tạo trong môi trường như vậy. Chúng tôi chăm chỉ, kiên trì, đam mê và những điều đó quyết định cho sự thành công trong công việc và nghiên cứu khoa học”. Trong thời gian học đại học, Trương Quang Học ấn tượng nhất với hai thầy giáo là Trịnh Văn Bảo và Phạm Bình Quyền. Thầy Trịnh Văn Bảo học khóa 1, nhưng là học sinh Hà Nội nên không được ưu tiên đi học nước ngoài như những cán bộ khác. Thầy Bảo rất giỏi tiếng Pháp, Anh, sống giản dị, vui vẻ và thân thiện với học trò. Thầy chỉ bảo cho sinh viên Học từng ly, từng tí, có lúc thầy dịch tiếng Pháp cho ông nghe. Thầy còn hướng dẫn cho ông sử dụng tất cả các phương tiện, dụng cụ ở phòng thí nghiệm của bộ môn Sinh học, trường Đại học Y Hà Nội.

Người có ảnh hưởng nhất tới Trương Quang Học là thầy Phạm Bình Quyền – thầy giáo hướng dẫn khóa luận cho ông, người đã truyền hứng thú cho ông. Ông nhớ lại: “Thầy mang hình ảnh rất đẹp của một nhà khoa học, đẹp cả về trí tuệ. Thầy rất tận tình với sinh viên. Khi làm niên luận, cần hóa chất các thầy ở bộ môn sẵn sang cung cấp cho tôi. Cần chụp ảnh thì thầy dẫn tôi sang phòng ảnh. Chính nhờ sự nhiệt tình của thầy Quyền mà tôi có khóa luận về cánh kiến đỏ. Lần đầu tiên tôi làm tất cả những kỹ thuật hiển vi, kể cả kỹ thuật lát cắt trên đối tượng nghiên cứu nhỏ như vậy”.

Ông thường nhấn mạnh: “Công lao lớn nhất của thầy là đã đẩy tôi xuống nước khi tôi còn phân vân rụt rè trên bờ, để tôi tự bơi. Thầy làm thế là vì thầy có ý đồ đào tạo tôi, muốn tôi gánh vác nhiệm vụ. Thầy cũng hiểu tôi là người nhút nhát, nếu không đẩy xuống nước thì không dám bơi”.

Cũng bởi đam mê khoa học mà ông đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên trong khoa học. Ở tuổi hiếm mà bước chân ông vẫn miệt mài trên khắp mọi miền Tổ quốc, để viết tiếp sự đam mê của mình.

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam