Chứng kiến cảnh bà nội mất, rồi ba em ruột (2 trai, 1 gái) lần lượt ra đi một cách đột ngột, Nguyễn Võ Kỳ Anh nung nấu sẽ theo học ngành Y chỉ với một mong muốn là để trị bệnh cứu người, được chăm sóc những người thân trong gia đình. Với tính cách của mình, Kỳ Anh nghĩ chắc chắn ông sẽ là người thầy thuốc biết tôn trọng mọi người và thương yêu bệnh nhân.
Cuối tháng 7-1956, Kỳ Anh cùng mấy bạn học trường cấp III Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) khăn gói đi ra bến xe Vinh bắt xe ra Hà Nội để chuẩn bị thi đại học. Ông nhớ: “Tôi chuẩn bị hành trang lên đường với hai bộ quần áo, một áo len cộc tay, một chăn đơn và đôi dép cao su cùng mấy quyển sách vở để ôn thi đại học. Trong lòng vui vô kể vì sắp được thấy thủ đô, nơi Bác Hồ ở và sẽ được bước vào cổng trường đại học”[1].
Xe khách đi qua nhiều phà ở Thanh Hóa, Ninh Bình nên hơn hai ngày mới đến bến xe Kim Liên. Ba giờ sáng đến nơi, mấy anh em phải chọn cho mình chiếc ghế đá để ngả lưng bên bờ hồ Ha-le.
Lần đầu đến Hà Nội, Kỳ Anh cùng các bạn tự thưởng cho mình một chuyến tham quan hồ Hoàn Kiếm. Đi qua phố Trần Hưng Đạo, Dã Tượng đến Lý Thường Kiệt, Kỳ Anh nhìn thấy trên sảnh tầng hai của trụ sở Tòa án Tối cao có người giống bố mình quá. Ông kể: “Tôi chạy lại cổng ngó vào, vừa lúc đó ba cũng nhận ra tôi. Ba tôi chạy ra cổng, vừa thở gấp vừa hỏi tôi “con đi đường có mệt không” và được biết ba cũng vừa ra Hà Nội họp sau khi tôi đi một ngày. Ba tôi bận họp, hẹn tôi chiều quay trở lại”. Sau cuộc hội ngộ bất ngờ này, cả nhóm chúng tôi lại tiếp tục đi ra hồ Hoàn Kiếm chơi, rồi thưởng thức những chiếc bánh mì lót dạ buổi trưa. Gặp được bố quả là may mắn. Kỳ Anh được bố dẫn đến nhà ông Hà Văn Đại ở phố Nguyễn Thượng Hiền để xin cho con ở nhờ trong lúc chờ thi đại học. Ông Đại trước đó từng làm Chánh án Tòa án Hà Tĩnh, cùng cơ quan với bố ông nên sẵn sàng giúp đỡ. Hai cha con vui mừng khôn xiết. Được ở gần hồ Ha-le, mỗi sáng Kỳ Anh chăm chỉ dậy sớm tập thể dục và chạy quanh hồ hai vòng, được sinh hoạt, ăn uống cùng gia đình nên sức khỏe Kỳ Anh khá hơn.
Cuối tháng 8, Kỳ Anh thi đại học tại giảng đường trường Đại học Y Hà Nội, kỳ thi này có vài trăm học sinh dự thi. Sau khi thi xong 3 môn Lý – Hóa – Sinh (PCB), trong lúc chờ kết quả thi, Kỳ Anh không muốn trở về quê mà định ở lại Hà Nội tìm việc làm, nhưng rất tiếc, Kỳ Anh không tìm được việc. Đầu tháng 9, Kỳ Anh biết kết quả đã đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Trong ngày tựu trường, sinh viên tập trung tại đại giảng đường. Ông hồi tưởng lại tâm trạng mình lúc đó: “Không thể tả được sự sung sướng và niềm tự hào của chúng tôi – những học trò nghèo ở vùng tự do Khu IV mới tốt nghiệp phổ thông trung học (Hệ 9 năm), thậm chí có một số bạn mới học hết lớp 6, 7, 8 được đào tạo cấp tốc theo chương trình phổ thông rút gọn tại trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương trong thời gian một năm, nay cùng được ngồi học chung với các anh chị Hà thành đã đỗ tú tài I, tú tài II, dự bị đại học,… và các cán bộ, sĩ quan quân đội chuyển ngành”.
Thời bấy giờ, sinh viên nội thành đến trường rất chỉnh tề, nữ sinh viên thì mặc áo dài trắng, đi xe đạp, đội nón lá; nam giới thì mặc comple, đi giày tây, đội mũ phớt rất lịch sự. Còn đại bộ phận sinh viên ở các tỉnh về chỉ quần nâu, áo vải và dép cao su. Đi đâu cũng phải cầm theo chiếc kẹp để xỏ quai dép. Một sự hòa trộn rất đặc biệt!
Được vào ở tại Đông Dương học xá (nay là khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và được cấp học bổng 22 đồng/tháng, Kỳ Anh mừng lắm vì sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình. Mỗi tháng, ông nộp cho nhà ăn tập thể 15 đồng, số còn lại để đi tàu điện, mua sắm đồ dùng học tập… Hàng ngày, sau khi tập thể dục và vệ sinh cá nhân, ông ra phố Bạch Mai nhảy tàu điện lên phố Huế, Hàng Bài rồi theo đường Lý Thường Kiệt đi bộ đến trường hoặc đến phố Nguyễn Công Trứ đi về Viện Giải phẫu ở Vườn hoa Pasteur.
Lớp sinh viên y khoa vào trường năm 1956 có hơn 300 sinh viên, chia làm 12 tổ. Trong những năm đầu, sinh viên học các môn cơ sở, với các thầy cô: Nguyễn Tấn Gi Trọng (môn Sinh lý), Đỗ Xuân Hợp (môn Giải phẫu), Trần Thị Ân (môn Sinh hóa), Hoàng Tích Mịnh (môn Vệ sinh), Nguyễn Ngọc Doãn (Dược lý)… Ngoài giờ học lý thuyết, sinh viên còn có các buổi thực hành ở các phòng thí nghiệm. Sinh viên Kỳ Anh ấn tượng nhất khi thực hành môn Giải phẫu. Ông kể: “Tôi còn nhớ ngày đầu tiên vào học thực hành giải phẫu trên xác người, chúng tôi nhìn thấy từ xác trẻ hài nhi đến mọi lứa tuổi, cả nam nữ được ngâm trong các bình, bể chứa formol mà không cầm được nước mắt. Có những đêm nằm mơ về những buổi thực hành đó mà nhiều bữa cơm tôi không dám ăn thịt… Nhưng rồi sau nhiều buổi học và được tiếp xúc thường xuyên với xác người, tôi quen dần. Đến năm thứ ba, thứ tư khi đi thực tập ở bệnh viện, được vào nhà đại thể theo dõi mổ tử thi bệnh nhân tử vong trong ca trực, nỗi sợ hãi của tôi không còn nữa. Những người làm ở nhà xác cũng rất cẩn trọng chu đáo, trước khi đưa xác vào ướp để làm giáo cụ cho sinh viên học tập, họ đều có hương hoa, khấn bái theo tập tục”.
Theo chương trình hàng năm, mỗi năm học, sinh viên có hai tuần tham gia lao động thực tế, ăn ở cùng nhân dân nhiều địa phương,như tại mỏ than Hồng Quảng (Quảng Ninh), gặt mùa tại Thanh Hà (Hải Dương), đào đất làm công viên Bảy Mẫu (sau này là Công viên Thống nhất)… Đó là dịp để rèn luyện thực tế, xây dựng lập trường, tư tưởng, đạo đức. Lần đầu tiên được ăn đặc sản rươi đủ món trong dịp đi lao động ở Thanh Hà (Hải Dương) là kỷ niệm ông nhớ nhất trong những lần đi thực tế địa phương.
Sinh viên khóa 1956-1961 tham gia nạo vét Hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất
Để có thêm chi phí sinh hoạt, Kỳ Anh tham gia dạy bổ túc ở trường Lê Ngọc Hân, phố Lò Đúc, vào buổi tối. Ông dạy hai môn Văn và Sinh, mỗi tuần 2 buổi. Học sinh là cán bộ công nhân Nhà máy Rượu, các cán bộ chiến sĩ quân y Viện Quân y 108 và nhân viên các cửa hàng mậu dịch… "Để đến trường đúng giờ dạy mỗi tối, thường sau khi học xong buổi học ở Lê Thánh Tông hoặc Viện Giải phẫu, chúng tôi ghé quán nước vỉa hè, ăn vài quả chuối hay vài cái kẹo lạc và uống ly trà lót dạ chờ đến 7 giờ tối là lên bục giảng. Hơn 10 giờ đêm, các “thầy giáo sinh viên” mới về đến Ký túc xá và ăn bữa tối. Tuy đói nhưng vui vì vừa được học bổng, vừa có tiền dạy học thêm. Thi thoảng tôi cũng dành dụm được ít tiền gửi về cho mẹ để mua thêm thức ăn cho các em”- PGS Kỳ Anh chia sẻ.
Đến năm thứ tư, sinh viên bắt đầu học luân khoa các khoa lâm sàng. Được học với các thầy dạy nổi tiếng như: thầy Đặng Văn Chung (Nội khoa), Tôn Thất Tùng (Ngoại Khoa), Đinh Văn Thắng (Sản khoa), Vưu Hữu Chánh (Nhi khoa), Trần Hữu Tước (Tai Mũi Họng), Nguyễn Xuân Nguyên (Nhãn khoa), Đặng Vũ Hỷ (Da liễu)… và các bác sĩ giỏi của các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bạch Mai, Việt – Đức. Sinh viên học được ở các thầy không chỉ về chuyên môn, tay nghề, mà còn cả y đức, tác phong của người thầy thuốc. Mỗi thầy một phong cách, đã để lại trong ông những ấn tượng riêng: “Thầy Đặng Văn Chung là người nhẹ nhàng, cẩn trọng. Thầy Tôn Thất Tùng say sưa nghiên cứu, nói chuyện thoải mái. Thầy Vưu Hữu Chánh có kiến thức sâu về nhi khoa, vui tính. Còn ở thầy Chu Văn Tường, tôi học được cách chẩn đoán lâm sàng thông qua “nhìn, sờ, gõ, nghe”, tập hợp các hội chứng để phân biệt bệnh; xác định bệnh bằng cách khai thác tiền sử bệnh nhân, giác quan của người bác sĩ”.
Đến năm học thứ năm, nhà trường xét duyệt nguyện vọng đã đăng ký của sinh viên và phân học chuyên khoa. Sinh viên Kỳ Anh đăng ký chuyên khoa Nhi và ông là một trong 25 người được phân học chuyên khoa này. Hồi đó Bộ môn Nhi của trường Đại học Y khoa đặt tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, ông thấy nhiều trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất nhiều. Nguyên nhân là do khi cắt dây rốn vệ sinh không được đảm bảo dẫn đến nhiễm trùng uốn ván. Trẻ em bị uốn ván rốn rất nguy hiểm, thường lên cơn ngưng thở, phải cấp cứu ngay. Ngoài ra còn có những trường hợp trẻ bị xuất huyết màng não rất thương tâm.
Chính trong thời gian này ông nhận ra nhiều điều: “Trẻ em rất hay khóc khi đến bác sĩ, nên trước khi thăm khám cần phải hỏi han dỗ dành để trẻ cảm thấy thân thiện, dễ gần. Khi khám xong cũng cần trò chuyện với trẻ hẹn lần sau lại đến thăm khám. Với người nhà của bệnh nhi cũng phải khéo léo để khai thác tiền sử, diễn biến của bệnh lúc ở nhà hết sức cẩn trọng, không thể “ra lệnh” được. Một tuần, sinh viên trực tại bệnh viện 2-3 buổi. Trong các ca trực tại viện, những trường hợp tử vong, người trực chính phải ghi chép lại toàn bộ diễn biến của bệnh nhân vào sổ giao ban để báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng ngày hôm sau. Sau giao ban, với những ca bệnh chưa rõ nguyên nhân, nếu được gia đình đồng ý sẽ tiến hành mổ tử thi ở phòng Đại thể để xác định nguyên nhân tử vong, nhờ đó mà rút ra được những bài học kinh nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, 2020
Thời kỳ đó, những sinh viên chuyên khoa Nhi còn được hai vợ chồng Giáo sư Mazurin của Liên Xô trực tiếp đào tạo theo chương trình và sách giáo khoa Nhi của Liên Xô thời đó. Chương trình có hai phần nội dung là Nhi khoa cơ sở và Nhi khoa bệnh học. Về Nhi khoa cơ sở, sinh viên được học về đặc điểm phát triển thể chất, sinh lý, tâm lý lứa tuổi, chế độ dinh dưỡng, thực đơn và chế độ sinh hoạt của trẻ em khỏe mạnh. Về Nhi khoa bệnh học, các giáo sư đã giảng cho sinh viên nghe về các bệnh tật mà trẻ em có thể bị mắc phải do nhiễm khuẩn hoặc không lây nhiễm, bệnh cấp tính hay mạn tính, bệnh do di truyền hay bẩm sinh,… Mỗi bệnh, sinh viên được học kỹ về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh, cách phát hiện các triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh,… rất tỉ mỉ, chi tiết. Ngoài hai chuyên gia còn có các cán bộ giảng dạy thuộc biên chế nhà trường và khoa Nhi bệnh viện gồm: thầy Vưu Hữu Chánh, Chu Văn Tường, Hoàng Phúc Tường, Nguyễn Văn Thành và các bác sĩ Nguyễn Cước, Nguyễn Phúc Nghị hướng dẫn sinh viên học thực hành trên người bệnh cụ thể tại bệnh phòng. Ông cho biết: “Nhờ được học tập một cách bài bản về lý thuyết và thực hành trong suốt năm học chuyên khoa mà lứa thầy thuốc Nhi khoa chúng tôi có thể tự hào đã đóng góp không nhỏ sự phát triển của ngành Nhi khoa Việt Nam trong thời gian qua”.
Để đào tạo ra những thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”, theo chủ trương của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, sinh viên phải đi thực tập tốt nghiệp 6 tháng trước khi ra trường. Kỳ Anh cùng 4 y sĩ chuyên khoa nhi được phân về thực tập tại Sở Y tế Quảng Bình. Ông tranh thủ ghé về thăm nhà một ngày, rồi lại tiếp tục lên đường. Điểm đầu tiên đoàn đến là ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, thực tập trong thời gian 15 ngày. Sau đó, mỗi người được phân về một xã khác nhau. Ông được phân về xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi đây có Hợp tác xã Đại Phong, lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp của cả nước và nổi tiếng trong phong trào thi đua yêu nước “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải”.
Nhiệm vụ của ông thời gian ở đây là giúp Trạm y tế xã xây dựng y tế cơ sở và xây dựng mạng lưới nhà trẻ cho toàn xã. Hàng ngày, ông đi cùng cán bộ địa phương đến các đội sản xuất thăm khám bệnh nhân và vận động chị em phụ nữ gửi con vào nhà trẻ để yên tâm tham gia lao động sản xuất. Qua những buổi nói chuyện, Kỳ Anh đã thuyết phục được nhiều gia đình có con nhỏ gửi con đến nhà trẻ. Ông cũng bắt đầu viết đề tài nghiên cứu Chế độ sinh hoạt của trẻ nhỏ dưới 3 tuổi tại nhà trẻ nông thôn, nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch nuôi dạy trẻ với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hàng ngày hợp lý, được các bà mẹ và Hội Phụ nữ xã hưởng ứng thực hiện. “Với việc tổ chức nhà trẻ ở đây, tôi phát hiện ra là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không chỉ có nhu cầu ăn ngủ và vệ sinh tốt mà còn phải cho trẻ được chơi, được tương tác, giao tiếp với bạn và người lớn để phát triển ngôn ngữ và tình cảm, nhận thức… Vì thế, trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, tôi đưa nhiều trò chơi và chuyện kể, được các bé thích thú, hào hứng tham gia”- PGS Kỳ Anh nhớ lại.
Sáu tháng thực tập tại Quảng Bình trôi qua nhanh chóng. Kỳ Anh cùng các bạn kết thúc đợt thực tập trở về Hà Nội. Cả lớp chuẩn bị cho thi tốt nghiệp. 25 sinh viên chuyên khoa Nhi trong đó có Kỳ Anh thi tốt nghiệp bằng cách bốc thăm các bệnh nhân, trả lời cả phần lý thuyết và thực hành trên chính bệnh nhân đó. Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ, hầu hết sinh viên trong khóa đều thi đỗ tốt nghiệp và được cấp bằng.
Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, bác sĩ Kỳ Anh không khỏi xúc động. Với những kiến thức và kỹ năng thực hành được học trong 6 năm là hành trang để ông sẽ bước sang một giai đoạn mới, hiện thực hóa ước mơ của mình trở thành bác sĩ điều trị và giảng dạy về Nhi khoa, với một trái tim ấm nóng và một cái đầu lạnh. Mặc dù, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh chỉ có 10 năm làm việc đúng với nghề mà mình đã được đào tạo, rồi chuyển sang một lĩnh vực mới về giáo dục trẻ em, nhưng những ngày tháng được học tập và làm việc của một bác sĩ nhi khoa thời ấy mãi là những ký ức đẹp trong cuộc đời ông.
Hoàng Thị Liêm
__________________________
[1] Ghi âm PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 21-8-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Những trích dẫn khác trong bài đều lấy từ nguồn này.