Tuổi xuân và những kỳ thi
Sinh ra và trưởng thành tại làng Chánh Hảo, xã Quảng Đông huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, năm 1959, khi tròn 20 tuổi Nguyễn Văn Phơn tốt nghiệp lớp 10 trường phổ thông cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa. Với lực học tốt, ông đăng ký và thi đỗ vào khoa Toán – Lý, trường Đại học Sư phạm Vinh với số điểm 24,5, trong đó môn vật lý đạt điểm cao nhất (9 điểm). Háo hức đợi giấy báo nhập học theo nguyện vọng, nhưng ông lại nhận được giấy báo của Ban tuyển sinh tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, ông đã được chọn đi học ngoại ngữ ở Hà Nội, để chuẩn bị được đào tạo ở nước ngoài.
Tháng 9-1960, Nguyễn Văn Phơn sang Liên Xô, bắt đầu học ngành Địa vật lý ở trường Đại học Địa chất thăm dò Moskva (MGRI). Khi đó, ông được phân vào học lớp địa vật lý RF-60-2 (trong đó RF là ký hiệu của ngành địa vật lý; 60 – khóa học bắt đầu năm 1960; 2 – lớp số 2, lớp đào tạo tìm kiếm khoáng sản thường (lớp 1 là lớp đặc biệt, thăm dò các khoáng sản hiếm và không đào tạo sinh viên nước ngoài). Buổi lên lớp đầu tiên thật hết sức khó khăn, vì vốn tiếng Nga học ở Việt Nam chỉ giúp ông ghi lại các bài giảng thầy viết trên bảng, còn những giờ thầy thuyết giảng, thì không thể ghi bài được, vì “chả hiểu thầy nói gì”.
Ở trường MGRI, chương trình đào tạo kỹ sư là 5 năm, mỗi học kỳ kéo dài 12-14 tuần, sinh viên phải qua kiểm tra kiến thức 3-4 môn vấn đáp và 2-3 môn thi viết. Cuối năm học, những sinh viên có 3/4 số môn thi đạt điểm 5 và các môn còn lại không bị điểm 3, sẽ được tuyên dương là tiên tiến. Tổng kết cả khóa học, sinh viên nào có ít nhất 3 lần đạt tiên tiến, không có điểm 3 và bảo vệ đồ án đạt điểm tuyệt đối, thì được nhận bằng tốt nghiệp có thêm dòng chữ in mầu đỏ “C Otlitrem”, mà sinh viên Việt Nam rất tự hào khi được nhận tấm bằng đỏ này. Chàng sinh viên Nguyễn Văn Phơn không có cơ hội nhận bằng đỏ vì có 3/28 số môn bị điểm 3. PGS.TS Nguyễn Văn Phơn cho biết: Chương trình học của trường khi đó, vừa khuyến khích tinh thần, vừa đánh giá chính xác kết quả học tập và năng lực chuyên môn của sinh viên. 5 năm học là 9 kỳ thi, một kỳ tốt nghiệp. Đấy thực sự là áp lực đối với mục đích học tập: Học lấy kiến thức chuyên môn để phục vụ đất nước”[1].
Sinh viên Nguyễn Văn Phơn khi học tại Trường Đại học Địa chất thăm dò Moskva, Liên Xô
Vào giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ở Liên Xô đã có sự cải cách đào tạo đại học đối với một số trường kỹ thuật công nghiệp, trường MGRI nằm trong số đó. Riêng khóa đào tạo 1960-1965 phải học thêm 1 học kỳ và kết thúc vào tháng 2-1966, chứ không phải tháng 8-1965 như dự kiến. Dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Tarkhov – trưởng bộ môn địa vật lý tổng hợp, Nguyễn Văn Phơn có 12 tuần để làm đồ án tốt nghiệp về một phương pháp thăm dò địa vật lý giếng khoan (một dạng khác của phương pháp trường chuyển, đo vẽ trong giếng khoan thăm dò quặng). Đây là một phương pháp mới được các nhà địa vật lý ở Leningrad đề xuất và chế tạo thành công máy CAFI-3M. Máy được đem thử nghiệm ở vùng Zabaikal, nơi sinh viên Nguyễn Văn Phơn thực tập. Tại đây, ông được thực hành phương pháp mới đó và trực tiếp đo số liệu bằng máy CAFI-3M trên mô hình địa chất thực tế, nên ông nắm vững cả lý thuyết và thực hành. Ngày 25-2-1966, ông bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp trước hội đồng xét tốt nghiệp của khoa Địa vật lý, trường MGRI, kết quả đạt điểm tuyệt đối (điểm 5).
Cuộc sống nơi xứ người
Lúc mới sang Moskva, những tháng đầu ông được cấp học bổng 500 rúp/tháng. Sang năm 1961 Liên Xô đổi tiền, học bổng chỉ còn 50 rúp/tháng. Khi đó, nhà nước Liên Xô có quy định, chỉ đổi các đồng bạc giấy có mệnh giá lớn, cứ 10 rúp cũ lấy 1 rúp mới. Các đồng tiền xu bằng kim loại có mệnh giá thấp 1, 2 và 3 kopek (xu) thì giữ nguyên giá trị như ghi trên đồng tiền. May mắn là trước đó, trong chi tiêu hàng ngày ông có thói quen cất các đồng xu nhỏ vào trong ống cắm bút. Khi đổ ra cộng số tiền xu ông có khoảng 30 rúp cũ và đổi thành 30 rúp mới, bằng hơn nửa tháng học bổng của ông tại trường. Ông chia sẻ: Lúc đổi được tiền là sung sướng lắm, như kiểu “trúng số” vậy. Cầm được tiền là tôi mua ngay cho mình chiếc đồng hồ đeo tay giá 15 rúp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có một chiếc đồng hồ. Khi ngồi học trong lớp, cứ thỉnh thoảng tôi lại vạch tay áo nhìn đồng hồ, oai ra phết[2].
Với học bổng 50 rúp/tháng, so với giá sinh hoạt ở Moskva khi đó thì cuộc sống của ông khá eo hẹp vào dịp năm cuối. Vì ngoài ăn uống, sinh hoạt ông vẫn cần chi phí để chi tiêu các khoản khác như giấy, bút, mực can và bảng vẽ để làm đồ án môn học và báo cáo tốt nghiệp nên số tiền trên là không đủ. Khi đó, những sinh viên các trường đào tạo nghề như khai thác mỏ, xây dựng, thăm dò địa chất… trong các tháng hè sẽ được đi thực tập sản xuất ở các hầm mỏ, công trường xây dựng hay đoàn địa chất và có thêm thu nhập ngoài học bổng. Hai năm liền, hè năm 1964 và 1965, sinh viên Nguyễn Văn Phơn đều đi thực tập tại các đoàn địa chất – địa vật lý ở vùng Viễn Đông Liên Xô và được trả lương như một cán bộ kỹ thật trung cấp, 200-250 rúp/tháng. Với khoản lương phụ cấp ấy, trừ tiền ăn mỗi tháng ông còn có thể lĩnh được 100 đến 150 rúp.
Sinh viên Nguyễn Văn Phơn khi đi thực địa ở vùng Viễn Đông Liên Xô |
Năm 1964, khi tổng kết kế hoạch sản xuất, đoàn Địa vật lý nơi ông thực tập trong các tháng hè, được thưởng vì đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Sinh viên Nguyễn Văn Phơn cũng được chia thưởng 125 rúp, như một cán bộ kỹ thuật có đóng góp trong mùa thực địa năm đó. Ông được nhận tiền thưởng vào ngày đầu tháng 2-1965, đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với số tiền này ông mua một chiếc đài điện tử có quay đĩa nhạc để mang về Việt Nam cho gia đình.
Trở về đất mẹ
Ngày 5-3-1966, một tuần sau lễ tốt nghiệp, ông rời Moskva về Việt Nam. Trong hồi ký của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Phơn đã viết: Bao ngày mong mỏi ngày về, vậy mà khi phải rời thành phố Moskva tráng lệ, nơi mà hơn 6 năm qua tôi đã sống học tập, được người dân xứ này cưu mang, trường đại học dạy dỗ rèn dũa thành những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao lại xúc động đến thế. Nhớ những ngày tháng vùi đầu vào bài vở học tập, nhưng lòng cứ nhớ về quê mẹ. Ở quê nhà, đồng bào mình đang phải đương đầu trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ. Hôm nay, tôi phải xa thành phố Moskva anh hùng, xa trường, xa các bạn cùng lớp thân ái tốt bụng, xa những bà mẹ Nga hiền hậu nhân từ, xa các cảnh vật nơi đây, xa nước Nga vĩ đại…mà lòng thấy bùi ngùi luyến tiếc. Quả thật nơi đây, đối với chúng tôi “Đất đã hóa tâm hồn”.
Về nước, ông được Bộ Đại học và Trung học phân công về khoa Mỏ – Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội[3]. Năm 1966, trường Đại học Mỏ – Địa chất ra đời, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm bộ môn Địa vật lý, thuộc khoa Địa chất. Ông gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Mỏ – Địa chất đến khi nghỉ hưu. Với PGS.TS Nguyễn Văn Phơn, 5 năm sống và học tập ở Liên Xô là những năm tháng ông đã nỗ lực trong học tập nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn. Chính trường Đại học thăm dò địa chất Moskva (MGRI) đã đào tạo ông thành một kỹ sư có kiến thức và vững tay nghề. Khi nhắc lại những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ, ông chia sẻ: Tôi rất tự hào khi được đào tạo ở một ngôi trường danh giá như vậy. Sinh viên của trường MGRI đi thực tập hay sau khi tốt nghiệp, đến đâu cũng được xã hội đón nhận và tin tưởng giao cho những công việc thích hợp. Ở những nơi tôi đã đến thực tập, các lãnh đạo và những kỹ sư địa vật lý ở đó đều nhắc đến trường MGRI bằng những lời khen ngợi về thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của thầy trò nhà trường[4].
Nguyễn Thúy Tiềm
__________________________
[1] Hồi ký (bản đánh máy vi tính) của PGS.TS Nguyễn Văn Phơn, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[2] Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Văn Phơn, đã dẫn.
[3] Ngày 15-11-1966 công bố quyết định tách khoa Mỏ-Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề thành lập Trường Đại học Mỏ-Địa chất.
[4] Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Văn Phơn, đã dẫn.