GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), là một trong những nhà khoa học đầu tiên ủng hộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Ông cũng đã dành nhiều thời gian và tâm sức để chia sẻ với các nghiên cứu viên về cuộc đời hoạt động khoa học và giảng dạy của mình. Không những vậy, ông còn tin tưởng trao tặng cho Trung tâm nhiều tài liệu hiện vật quý. Sau khi ông mất, thực hiện di nguyện của ông, gia đình đã trao tặng toàn bộ khối tài liệu lịch sử cuộc đời ông, hơn 12.000 đầu tư liệu cho Trung tâm lưu giữ.
Nhân dịp 85 năm ngày sinh của GS.TS Phạm Đức Dương (21/10/1930 – 21/10/2015), Trung tâm DSCNKHVN tổ chức buổi sinh hoạt khoa học tiếp nhận khối tài liệu đồ sộ trên để tưởng nhớ về một nhà khoa học tài năng và tâm huyết, đồng thời tri ân ông và gia đình về niềm tin đối với Trung tâm.
GS.TS Phạm Đức Dương xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc còn nhỏ, ông được gia đình cho theo học chữ Hán với một thầy đồ trong làng; sau đó học chữ quốc ngữ ở lớp do thầy giáo Bùi Đình Thiện dạy tại làng. Năm 1941, Phạm Đức Dương thi đậu vào trường tiểu học Đông Thái, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Từ thời học trò ấy, ông đã tham gia đoàn hướng đạo sinh do thầy giáo Hoàng Nguyên Cát tổ chức. Trong nạn đói 1944-1945, thấy dân làng nhiều người chết đói, ông cùng với đoàn hướng đạo sinh đi vận động cứu đói. Năm 1945, Phạm Đức Dương đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh và sau đó ông tham gia cách mạng bằng hoạt động cho tổ chức Đoàn thanh niên huyện Đức Thọ.
Năm 1946, Phạm Đức Dương nhập ngũ khi mới 16 tuổi, làm trinh sát ở Trung đoàn 130 Hà Tĩnh, sau chuyển sang Trung đoàn 280. Năm 1947, cả đơn vị hành quân sang Lào với tư cách là quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào. Năm 1957, ông về Hà Nội và học tại trường Phổ thông lao động Trung ương, sau đó học tiếp tại trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Năm 1959, ông thi đậu vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học đến năm cuối, ông được phân công học chuyên ngành ngôn ngữ học. Năm 1963, ông tốt nghiệp đại học và về công tác tại Ban Ngữ âm – Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Năm 1967 được đi thực tập tại Liên Xô, ông đã nỗ lực học tập và xin làm luận án phó tiến sĩ như các nghiên cứu sinh. Được sự ủng hộ và tác động từ phía Liên Xô, ông được ở lại thêm 1 năm làm luận án. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngôn ngữ học với đề tài “Hệ thống thanh điệu và thanh phổ của nguyên âm tiếng Lào hiện đại (tài liệu thực nghiệm)” tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Sau khi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, ông Phạm Đức Dương về nước và công tác tại Viện Ngôn ngữ học. Năm 1973, PTS Phạm Đức Dương được phân công sang Ban Đông Nam Á vừa thành lập, do nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh làm Trưởng ban. Năm 1975, nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh qua đời, PTS Phạm Đức Dương được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Với chủ trương tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ của Ban, ông đã mời được nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau về để trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu… Năm 1983, Viện nghiên cứu Đông Nam Á được thành lập từ Ban Đông Nam Á, do Phạm Đức Dương làm Viện trưởng. Trong hơn 10 năm làm Viện trưởng, ông tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, xây dựng hệ thống chuyên đề và triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu. Viện Đông Nam Á đã tham gia nhiều chương trình nghiên cứu do Đảng và Nhà nước giao cho thực hiện. Ông tổ chức sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á, tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trong đó có những người có uy tín khoa học cao như Nguyễn Từ Chi, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo… Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư Ngôn ngữ học năm 1991.
Năm 1995, GS.TS Phạm Đức Dương thôi công tác quản lý ở Viện và đến năm 2000 ông nghỉ hưu ở tuổi 70. Sau đó, ông cùng các đồng nghiệp xây dựng Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á Việt Nam (SEARAV) với hàng chục viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc, đồng thời ông là Chủ tịch sáng lập của Hội. Ngày 8-12-2013, ông qua đời tại Hà Nội.
GS.TS Phạm Đức Dương đã dành cả cuộc đời mình tận tâm phục vụ cách mạng và cống hiến cho công tác khoa học. Ông có nhiều đóng góp trên cả ba phương diện: nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học và đào tạo cán bộ khoa học.
Về nghiên cứu khoa học, GS Phạm Đức Dương đi từ nghiên cứu ngôn ngữ học tộc người đến nghiên cứu Đông Nam Á học, nhưng đích đến của ông là văn hóa học. Dù hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ học của ông không kéo dài nhưng là nền tảng cho các nghiên cứu khoa học sau này. Cả khi tiếp cận văn hóa, lịch sử các nước trong khu vực, ông cũng không xa rời nền tảng và phương pháp ngôn ngữ học. GS Phạm Đức Dương là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 cuốn sách chuyên khảo về ngôn ngữ học và Đông Nam Á học, là tác giả của hơn 200 bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí hay tại các hội thảo khoa học. Giai đoạn sau, ông tập trung vào nghiên cứu về văn hóa học, giáo trình của ông được một số trường đại học ở miền Nam sử dụng chính trong chương trình đào tạo của nhà trường.
Về quản lý khoa học, GS Phạm Đức Dương có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Ông chính là kiến trúc sư chính trong hơn 20 năm đầu xây dựng Viện. Ông đã tập hợp được nhiều chuyên gia của những lĩnh vực khác nhau cùng tham gia nghiên cứu và đào tạo cán bộ trẻ cho Viện. Viện trưởng Phạm Đức Dương được kính trọng về tấm lòng và cách thức ứng xử đối với các trí thức, về cái tâm của một nhà quản lý khoa học. Với quan điểm phân biệt giữa người quản lý khoa học và chuyên gia nghiên cứu khoa học, ông xem quản lý khoa học là “người giúp việc” cho các chuyên gia nghiên cứu, do đó ôngchú trọng tạo điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia tập trung vào nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, ông đã giúp đỡ nhiều trí thức đương thời có điều kiện để tập trung nghiên cứu như học giả Phan Ngọc, nhà dân tộc học Từ Chi, PGS Cao Xuân Phổ…
Về giảng dạy, GS Phạm Đức Dương đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trong lĩnh vực ngôn ngữ học, Đông Nam Á học và văn hóa học. Ông tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở nhiều trường và viện nghiên cứu trong nước. Ông là người hướng dẫn khoa học cho nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hướng dẫn hàng chục học viên cao học. Đặc biệt, ông dành phần lớn không gian trong ngôi nhà riêng khá chật hẹp (ở khu tập thể Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngõ 35, phố Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội) để làm thư viện gia đình và mở cửa cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, những ai say mê khoa học đến đọc sách và trao đổi về học thuật.
Bộ sưu tập tài liệu lịch sử cuộc đời GS.TS Phạm Đức Dương là một khối tài liệu lớn và quý,với hơn 12.000 tài liệu, gồm các sổ ghi chép thực địa, bản thảo, thư từ, phiếu điều tra ngôn ngữ, bài viết, ảnh tư liệu, sách báo, tạp chí… Những tài liệu này không chỉ thể hiện về cuộc đời và sự nghiệp của GS Phạm Đức Dương, mà còn có nhiều giá trị để tìm hiểu về lịch sử xây dựng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, về ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam, hay về nhiều nhà khoa học có quan hệ với GS Phạm Đức Dương như Phan Ngọc, Từ Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Bích Hà…
Buổi sinh hoạt khoa học này là dịp để các đồng nghiệp, bạn bè và học trò của GS Phạm Đức Dương cùng chia sẻ những kỷ niệm về ông, trao đổi về những đóng góp của ông cho Viện Đông Nam Á, cho nền khoa học của đất nước. Đây cũng là dịp để nhìn nhận lại khối tài liệu to lớn cả về số lượng và giá trị mà GS Phạm Đức Dương đã để lại cho các thế hệ sau.