GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu (1917-2005) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn theo học một nghề tự do, có thể giúp cho người dân, năm 1937 chàng trai Hoàng Đình Cầu đã quyết định vào học trường Y khoa Đông Dương (nay là trường Đại học Y Hà Nội), sau đó học nội trú bệnh viện và tốt nghiệp y khoa năm 1944.
Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Đình Cầu vừa tham gia công tác đào tạo, vừa phục vụ cứu chữa thương binh không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các mặt trận. Năm 1955, BS Hoàng Đình Cầu được cử đi tu nghiệp về phẫu thuật phổi tại Liên Xô. Về nước năm 1958, ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.
Vận dụng sáng tạo những thành tựu y học mới nhất đương thời trong lĩnh vực mổ phổi, ông là người đi tiên phong trong việc cắt 1 hoặc 2 thùy phổi trong điều trị ung thư phổi; dùng giảm thể nhiệt khi mổ phổi; truyền dung dịch điện giải để tiết kiệm máu; khâu nối một lớp trên ống tiêu hóa; đồng thời áp dụng châm tê trong phẫu thuật ở Việt Nam và thực hiện thành công nhiều ca mổ phức tạp. Ông cũng là người đề xuất phương pháp điều trị miễn dịch không đặc hiệu ung thư phổi bằng BCG chết, dùng chất kích thích miễn dịch LH1 (ASLEM) kết hợp tam thất, vitamin C liều cao sau mổ, nhờ đó nhiều bệnh nhân được kéo dài cuộc sống, có thể tới hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, tiếp nối sự nghiệp của GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), cũng dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học, ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đối với hệ sinh thái và con người Việt Nam, kể cả nhiều năm sau chiến tranh, đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp. Những công trình tiêu biểu như: Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 đến 1971 (1999), Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971 (1999); tập kỷ yếu công trình Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (2000)… GS Hoàng Đình Cầu là người sáng lập Làng Hòa bình ở Việt Nam năm 1991, với sự giúp đỡ của Làng Hòa bình quốc tế Oberhauzen, để chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Là tác giả của trên 50 công trình nghiên cứu, ngoài lĩnh vực phổi, GS Hoàng Đình Cầu còn có nhiều đóng góp về lý luận thuộc các vấn đề: sư phạm trong ngành y tế (giáo dục học), công tác dân số chủ yếu là sinh đẻ có kế hoạch, kinh tế y tế và hạch toán toàn bộ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chiến lược của ngành y tế từ 1995-2000, xây dựng trạm y tế cơ sở, bể khí sinh vật (sinh học – Bioga) và môi trường, bảo hiểm y tế tự nguyện hay bảo hiểm y tế cộng đồng. Những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến như: Tổ chức y tế (1978), Kinh tế y học (1980), Y xã hội học (1982), Quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu (1983), Bể khí sinh vật và xây dựng nông thôn Việt Nam (1983), Kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam (1985), Xây dựng trạm y tế cơ sở (1994)…
Trong công tác đào tạo, GS Hoàng Đình Cầu chú trọng đến việc đào tạo các bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, ông cũng dành nhiều thời gian tham gia việc biên soạn từ điển, tiêu biểu là Từ điển Y học Pháp – Việt xuất bản năm 1963, tái bản năm 1976 và cuốn Từ điển Y học Nga – Việt do nhà xuất bản Ngoại văn Moskva, Liên Xô xuất bản năm 1967, và Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản 1995, đã trở thành tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu y học.
Trong hơn 60 năm công tác, GS Hoàng Đình Cầu đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau: Hiệu trưởng trường Y sĩ Liên khu 3-4 (1949-1954), Giám đốc Sở Y tế Liên khu III (1954-1957), Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1955), Vụ trưởng Vụ Huấn luyện, Bộ Y tế (1960-1970), Chủ nhiệm khoa Ngoại, Viện Chống lao và Bệnh phổi, Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật thực hành, trường Đại học Y Hà Nội (1960-1985), Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989), kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1985-1989), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), Chủ tịch Tổng hội Y – Dược học Việt Nam (1985-2000), Đại biểu Quốc hội khóa IX.
Với những đóng góp cho sự nghiệp y tế, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư năm 1980, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2000), và nhiều huân huy chương. Đồng nghiệp của ông – GS.TS Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng nhận xét: “Giáo sư Hoàng Đình Cầu là một lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam” (1997).
Từ năm 2012, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của GS Hoàng Đình Cầu. Ngay từ những buổi đầu gặp gỡ, gia đình Giáo sư đã rất tin tưởng ủng hộ Trung tâm, chia sẻ những câu chuyện về người chồng, người cha kính yêu của mình. Đồng thời, gia đình cũng gắn bó với các hoạt động của Trung tâm, tham dự các sự kiện do Trung tâm và Bệnh viện Medlatec tổ chức. Sau thời gian dài gia đình sắp xếp, phân loại cẩn thận các tài liệu hiện vật, năm 2017, đúng 100 năm ngày sinh của Giáo sư, gia đình quyết định trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 6.000 đơn vị tài liệu, gồm những bản thảo viết tay về các vấn đề ung thư phổi, châm tê trong mổ phổi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo hiểm y tế ở Việt Nam, nghiên cứu về chất độc da cam (dioxin)…; bản thảo sách, từ điển; thư gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hiện vật khối và ảnh tư liệu về những hoạt động khác nhau. Những tài liệu này không chỉ phản ánh cuộc đời cùng sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý của GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu, mà còn có giá trị để tìm hiểu về lịch sử các chuyên ngành, các cơ quan mà ông từng gắn bó.
Buổi lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức cũng là dịp để các học trò, đồng nghiệp của ông có cơ hội được chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện về người thầy – GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu. Đây cũng là dịp để nhìn nhận lại khối tài liệu to lớn cả về số lượng và giá trị mà GS Hoàng Đình Cầu đã để lại cho các thế hệ sau.
—————-
Kính gửi các Tòa soạn báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin gửi Thông cáo báo chí về lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhận thức về di sản lịch sử cuộc đời của GS Hoàng Đình Cầu nói riêng, các nhà khoa học nói chung và việc phát huy những di sản khoa học trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN
(Đã ký)
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
1. ThS Trần Bích Hạnh
Điện thoại: 0919 761 566 Email: [email protected]
2. CN Lục Tiến Mạnh
Điện thoại: 0942 014 699 Email: luctienmanh@heritist.vn