Thiếu tướng Phạm Như Vưu trong một buổi làm việc với các nghiên cứu viên Trung tâm
Kính gửi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Trước hết xin trân trọng gửi lời chào mừng và cám ơn Trung tâm, nhóm cán bộ: chị Trần Bích Hạnh, anh Trần Ngọc Ánh, anh Nguyễn Thanh Hóa đã dành cả năm trời cộng tác bền bỉ, cởi mở và thân tình để xã hội hóa di sản khiêm tốn của tôi, tuy tôi chỉ là chuyên gia về Kỹ thuật và Công nghiệp Quốc phòng.
Sự ra đời của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam như một tất yếu lịch sử trong trào lưu sưu tầm và phát hiện di sản lịch sử của đất nước. Việc xã hội hóa di sản các nhà khoa học là cần thiết, vì di sản lưu giữ trong gia đình ít có tác dụng xã hội và có thể không trường tồn với thăng trầm của thời thế.
Tôi rất vui mừng và hoan nghênh Trung tâm đã phát hiện ra đoàn cán bộ 21 người được Bác Hồ cử đi học ở Liên Xô năm 1951, để chuẩn bị cho kết thúc chiến tranh và xây dựng đất nước. Sự kiện này không tìm thấy trong lưu trữ quốc gia cũng như trên báo chí (trừ báo Xưa và Nay). Trung tâm đã bỏ ra nhiều công sức đi khắp nước để tìm hiểu và tiếp cận các gia đình, vận động để tiếp thu di sản của đủ 21 người.
Chúc Trung tâm xây dựng được cơ sở vật chất để lưu giữ được di sản của hầu hết các nhà khoa học lớn của Việt nam, để các thế hệ hiện nay và mai sau có thể tìm thấy ở đó các kinh nghiệm phong phú, những suy nghĩ khôn ngoan táo bạo cho hoạt động khoa học.
Chào thân ái,
Hà Nội, ngày 21-6-2012
Thiếu tướng Phạm Như Vưu
Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng