Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên mạnh mẽ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: GS Ngô Bảo Châu là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTX)

Tại buổi lễ, Thủ tướng đã nhắc lại sự kiện ngày 19/8 vừa qua tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu – người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam đã vinh dự được nhận huy chương Fields, giải thưởng cao quý nhất của toán học thế giới, đưa Việt Nam ta trở thành một nước đang phát triển nhận giải thưởng danh giá này…

Sự kiện này, càng nhân thêm niềm vui của đất nước ta khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang vui mừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng tám thành công và Quốc khánh 2/9, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Ngô Bảo Châu. (Ảnh: TTXVN)
 

Mặc dù phải đến 20 giờ lễ vinh danh GS Ngô Bảo Châu mới chính thức bắt đầu, nhưng trước đó hơn 2 giờ đồng hồ, không khí xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã nóng lên. Hàng trăm học sinh, sinh viên đã tập trung rất đông trước cửa với hy vọng được “diện kiến” GS Ngô Bảo Châu.

Em Nguyễn Văn Hưng, Trường phổ thông trung học Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội phấn khởi: “Em đến từ 6 rưỡi để mong có được chỗ gần sân khấu để nhìn giáo sư thật rõ.”

Em Ngô Văn Sở, SV Trường ĐH Quốc gia Hà Nội sốt ruột đứng đợi ở đầu đường Phạm Hùng cùng nhóm bạn. “Tối nay em muốn được tận mắt nhìn thấy thiên tài toán học của nước ta và nghe những chia sẻ của giáo sư,” Sở nói.

Khoảng 19 giờ 15 phút, ban tổ chức buộc phải hạn chế khách mời. Rất nhiều người không thể vào được bên trong đã buồn bã ra về.

Bên trong, toàn bộ hội trường cũng đã được “phủ kín” bởi gần 4.000 SV, HS và khách mời. (Theo TTXVN)

Chính phủ đánh giá cao thời gian qua, mặc dù phải tập trung việc nghiên cứu giảng dạy ở nước ngoài nhưng GS Ngô Bảo Châu vẫn dành nhiều thời gian tham gia giảng dạy toán học tại Việt Nam, làm cầu nối giao lưu học hỏi giữa các nhà toán học Việt Nam, nghiên cứu trẻ Việt Nam với các nhà toán học thế giới. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho GS Ngô Bảo Châu thực hiện ý nguyện của mình và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển nền toán học nước nhà.

Thủ tướng mong muốn, Việt Nam cần có nhiều GS Ngô Bảo Châu và nước ta cần có xã hội học tập. Tất cả mọi người đều có cơ hội vươn lên tri thức hiện đại và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình. Chúng ta còn cần một nền kinh tế với nguồn nhân lực chất lượng ngày càng được nâng cao với cơ chế trọng dụng nhân tài được tôn trọng và thực thi đầy đủ. Niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên mạnh mẽ trong thế hệ trẻ Việt Nam ở mỗi người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.

          Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Bích Ngọc)

Tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết: “Tôi thực sự xúc động khi được Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo, trong trưa nay gia đình GS Ngô Bảo Châu đã đến kính viếng và thắp hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa qua, Chính phủ đã giao cơ quan chức năng khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có bằng khen cao quý của nhà nước cho GS Ngô Bảo Châu”.

Thay mặt trường học nơi GS Ngô Bảo Châu đã học như Trường THCS Trưng Vương, khối chuyên Toán – ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên Hà Khương Duy (đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2009) đã bày tỏ niềm vui, sự ngưỡng mộ đối với GS Ngô Bảo Châu: “Em rất tự hào đã từng đạt Olympic quốc tế khi còn học dưới mái trường chuyên Toán A0, là nôi đào tạo nhân tài cũng là ngôi trường giáo sư đã từng học trước đây. Niềm khao khát vươn lên đạt kết quả cao nhất của giáo sư với 2 huy chương vàng Olympic quốc tế, với những khó khăn của thời kỳ bao cấp do các thầy các cô kể lại cho chúng em, để nhắc nhở chúng em rằng, dù trong hoàn cảnh nào, nếu cố gắng sẽ vươn đỉnh cao chói lọi.
 
 
Chúng em muốn được đứng trên vai giáo sư… Biết rằng leo vai người khổng lồ là quá trình chông gai nhưng chúng em không ngại, vì chúng em biết có một người đã học mái trường chúng em đang học, đã từng sống và ra đi từ đất nước chúng em đang sống và đã vươn lên đỉnh cao chói lọi. Đó là Ngô Bảo Châu. Chúng em tin ở đỉnh cao, anh sẽ giúp chúng em thực hiện ước mơ, hy vọng tương lai không xa, trên thế giới sẽ nhắc thêm một Ngô Bảo Châu mới”.
 
GS Ngô Bảo Châu nhận bó hoa chúc mừng từ học sinh. (Ảnh: Bích Ngọc)
 
Trước những tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mọi người dành cho mình, GS Ngô Bảo Châu xúc động và bày tỏ lòng cảm kích tới Chính phủ và Nhà nước đã tổ chức buổi lễ ngày hôm nay với tấm lòng trân trọng và chân thành. GS Châu nói: Tôi cảm động và tự hào vì lần đầu tiên được chia sẻ với đồng bào cả nước và gặp những nét mặt hân hoan chào đón của học sinh, sinh viên. Niềm hân hoan và tự hào của cá nhân tôi được nhân lên nhiều lần.
 
Phần lớn bài phát biểu của mình GS Ngô Bảo Châu đã tâm sự về thành công của mình ngày hôm nay với các thầy giáo trong nước và các giáo sư nước ngoài đã giúp đỡ anh.

“Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ, lớn lên trong thời kỳ bao cấp, tuy không ai thích ôn nghèo kể khổ, nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu, bố mẹ đã phải nhịn ăn nhịn mặc nuôi tôi khôn lớn.

Tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, tôi hiểu rằng, tuổi thơ của tôi, các bạn của tôi có thể thiệt thòi về cái ăn cái chơi, nhưng việc học tập thì chưa chắc. Tôi sinh ra trong gia đình trí thức, được bố mẹ đầu tư và dành mọi điều kiện tốt nhất về học tập, có lẽ bố mẹ hiểu được giá trị đích thực của đỉnh cao khoa học nên nghiên cứu khoa học đã ngấm sâu vào tôi từ lúc nào cũng không biết. Trong hầu hết các gia đình ở Việt Nam việc học hành được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu trí thức và tình yêu khoa học theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn hiếm hoi.

Về điều kiện học hành của tôi, đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng toán học Việt Nam theo nghĩa rộng là từ thầy Tôn Thân ở Trường Trưng Vương và thầy Phạm Hùng khối chuyên toán Ao… các thầy đã dạy tôi bằng tất cả tâm huyết của mình, bằng tấm lòng vô tư trong khi hoàn cảnh kinh tế thời đó vô cùng khó khăn như thầy Phạm Hùng khối chuyên toán, tôi đã học thầy trong căn phòng 8m vuông, lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc bắc. Thứ duy nhất thầy nhận thù lao từ bố mẹ tôi, đôi khi chỉ là cân đường hay vỉ thuốc bổ.

Trong toán học việc người đi trước nắm tay người đi sau là việc tự nhiên. Gần đây sau khi có sự cọ xát với các nền khoa học khác, tôi nhận thấy tinh thần đoàn kết, yêu thương của cộng đồng toán học Việt Nam rất hiếm hoi và đáng quý. Khoa học Việt Nam sẽ chưa có vị thế xuất sắc trên thế giới, nếu không có sự đoàn kết cùng với sự nghiêm khắc không bao che yếu kém.
 
GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây của người ngưỡng mộ. (Ảnh: Bích Ngọc)
 
Cái may mắn tiếp theo của tôi là được Chính phủ Pháp cấp học bổng. Là một sinh viên người nước ngoài nhưng trong học tập tại Pháp tôi chưa một lần nào tôi cảm thấy mình kém ưu tiên so với các sinh viên nước ngoài.
 
GS Châu cho biết, chính GS Gérard Laumon đã giúp anh từ một người thích học toán trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Ông là người thầy tuyệt vời vì trong 7 người học trò của ông, tính đến nay đã có 2 người đoạt giải thưởng Fields và gần đây nhất cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong hàm Giáo sư tại ĐH Havard khi chưa tròn 28 tuổi…
 
“Tôi thật sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields trao cho cá nhân tôi và đem lại niềm vinh dự, hạnh phúc cho cộng đồng toán học Pháp và cộng đồng toán học Việt Nam”.
 
Nói về thành công khi nghiên cứu “Bổ đề cơ bản”, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Từ hơn 3 năm nay tôi có hiếm hoi được làm việc ở Viện nghiên cứu cơ bản, viện được thành lập từ những năm 30. Viện là nơi Albert Einstein đã làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ những giáo sư cơ hữu ở viện, hầu hết các nhà vật lý, nhà toán học hàng đầu thế giới và thường xuyên có những nhà toán học trẻ đến làm việc từ 1- 2 năm. Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ Chính phủ Mỹ, các tổ chức tư nhân, cách tổ chức công việc ở viện Princeton thật sự đáng để học tập, viện là lá cờ đầu về toán học và hiện là số 1 của Mỹ.
 
Khi làm việc ở Viện này thì Bổ đề cơ bản của tôi mới được hoàn thành và với sự tiếp xúc với các nhà toán học thiên tài trên thế giới như Langlands, tôi xác định rõ ràng được công việc tiếp theo của mình khi “Bổ đề cơ bản” đã được hoàn thành.
 
 
GS Ngô Bảo Châu: “Tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng”. (Ảnh: Bích Ngọc)

Từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ, tôi hiểu được rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ, môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp trong vị trí đầu tiên, cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”.

GS Châu cũng đã nhắc đến một người bạn cũng là người bạn lớn của Việt Nam là ông Henry Rogemorter, người tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp, phản đối chiến tranh ở Đông Dương. “Ông đã qua Việt Nam nhiều lần thành người bạn thân thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có được may mắn sống trong ngôi nhà ông nhiều năm và học được rất nhiều ở ông.

Qua những việc ông đã làm, tôi hiểu rằng được nhiệm vụ của nhà khoa học không đơn thuần là chuyên môn, mà còn bao gồm là việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, hay người thân, cơ hội để tiềm năng họ phát triển, trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đây là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học Việt Nam, nhà quản lý và tất cả những người làm cha làm mẹ.

Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người, sự số gắng của Chính phủ qua những quyết sách đứng đắn dũng cảm cũng như tiền đề cho sự chuyển biển tích cực. Chúc các bạn trẻ giữ được niềm tin, niềm say mê đi tiếp con đường mà mình đã chọn”.

Buổi lễ chào mừng GS Ngô Bảo Châu diễn ra ngắn gọn và ấm cúng trong sự ngưỡng mộ và tự hào của hàng nghìn người trong khán phòng và hàng triệu người xem qua truyền hình.

Hồng Hạnh

Nguồn: dantri.com.vn/c25/s25-418786/niem-tu-hao-ngo-bao-chau-can-duoc-nhan-len-manh-me.htm