Tháng 9-1959, sinh viên Phan Đức Thắng tốt nghiệp khóa I, Liên khoa Hóa -Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và nhận được quyết định về công tác tại Bộ Nội thương (nay là Bộ Công thương). Bấy giờ, ông Phan Đức Thắng là cán bộ đầu tiên của Bộ Nội thương tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội nên rất được trọng dụng. Bộ Nội thương phân công ông về công tác tại Vụ Huấn học và đảm nhiệm vai trò theo dõi hoạt động của các trường trực thuộc Bộ. Nhận công tác được hơn một tuần, ông Phan Đức Thắng được Bộ trưởng Đỗ Mười[1] tin tưởng giao cho nhiệm vụ xây dựng một phương án tổ chức, đào tạo cán bộ cho ngành Thương nghiệp. Cụ thể là thiết lập chương trình đào tạo, giảng dạy, tổ chức chiêu sinh, chiêu sư… để tiến hành thành lập trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp. Ông Phan Đức Thắng chia sẻ: đây là công việc quá lớn và mới mẻ đối với một sinh viên trẻ mới ra trường như tôi[2].
Trong công tác xây dựng kế hoạch thành lập trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp, ông Phan Đức Thắng còn rất bỡ ngỡ, và gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Đỗ Mười động viên ông: chú cứ làm đi, vừa làm vừa học, ban đầu chú không biết thì đi tham quan, học hỏi các trường, rồi dần dần là có thể làm được[3]. Nhận nhiệm vụ, ông Phan Đức Thắng soạn thảo một kế hoạch có lộ trình, bước đi cụ thể, khoa học. Đồng thời, ông trực tiếp đi đến các trường đại học, trung cấp để tìm hiểu về cách xây dựng chương trình đào tạo, đối tượng học tập… Ông còn quan tâm tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu về quá trình thành lập, đào tạo của các trường trong và ngoài nước.
Tháng 11-1959, ông Phan Đức Thắng đề xuất Bộ Nội thương cử thêm một vài cán bộ cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ này, như: ông Lê Kinh Phì, ông Trần Hậu Ủy, ông Vũ Mạnh Hải, ông Trần Tài, ông Cao Minh Lập,… Ông Lê Kinh Phì là người có nhiều năm kinh nghiệm công tác, nên được Bộ Nội thương cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban xây dựng đề án, tổ chức đào tạo. Với số lượng cán bộ tăng, phòng làm việc của ông Phan Đức Thắng tại trụ sở Bộ không có đủ chỗ, nên Bộ phải mượn hai phòng của Nhà hát nhân dân (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô) để là nơi làm việc. Là địa điểm đầu tiên để cả nhóm hội họp, bàn thảo đưa ra kế hoạch, chủ trương lớn về xây dựng ngôi trường đầu tiên của ngành Thương nghiệp, nên các ông thường nói vui với nhau nơi đây như “cây đa Tân Trào”. Những cán bộ trong ban xây dựng phương án chính là “những viên gạch đầu tiên” xây dựng trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp.
PGS.TS Phan Đức Thắng
Trên cơ sở phương án do nhóm ông Lê Kinh Phì xây dựng, đầu năm 1960, Bộ Nội thương gấp rút xây dựng hoàn thiện ngôi trường tại đường Hồ Tùng Mậu, xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội[4]. Khi đó, ông Phan Đức Thắng được phân công nhiệm vụ rất quan trọng là đi chiêu sư: tìm và tuyển các thầy giỏi để giảng dạy cho trường. Đồng thời, các thành viên trong ban triển khai thực hiện cụ thể kế hoạch về chương trình đào tạo, giảng dạy các chuyên ngành, tuyển sinh, xây dựng phòng thí nghiệm… Bấy giờ, các thành viên trong ban xây dựng phương án mỗi người được Bộ cấp một chiếc xe đạp để tiện cho công tác đi lại. Sau một thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ, ban phương án đề xuất lên Bộ Nội thương mở 4 chuyên ngành đào tạo hệ chính quy: Thương phẩm học hàng thực phẩm, Thương phẩm học công nghệ phẩm, Kinh tế thương nghiệp, Tổ chức kỹ thuật và ăn uống công cộng. Đây là bốn chuyên ngành rất cần thiết để đào tạo ra cán bộ công tác trong Bộ Nội thương. Ngoài ra, trường còn đào tạo thêm hệ chuyên tu.
Trước khi đi vào hoạt động, để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo cụ thể cho bốn chuyên ngành này, ban xây dựng phương án tham khảo thêm tài liệu của hai trường đại học ở Liên Xô: Đại học Kinh tế quốc dân Plê kha nốp, Đại học Bách khoa Đô nhét xcơ. Đồng thời, đề nghị lên Bộ Nội thương mời chuyên gia Liên Xô sang hỗ trợ, giúp đỡ nhằm thiết lập kế hoạch đào tạo khách quan hơn. Ông Phan Đức Thắng còn nhớ, ngay buổi làm việc đầu tiên với chuyên gia Liên Xô, họ hỏi Ban phương án: sau này sinh viên trường đào tạo ra dự định sẽ làm việc ở đâu?[5] Theo ông Phan Đức Thắng, câu hỏi của họ rất đơn giản, nhưng để trả lời được nó thật không dễ dàng. Câu hỏi đó cũng đặt ra cho Ban phương án những trăn trở, suy nghĩ cần phải xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy cụ thể, chi tiết, và thiết thực hơn cho các chuyên ngành.
Giữa năm 1960, Bộ Nội thương điều chuyển trụ sở làm việc của Ban phương án từ Nhà hát nhân dân về ngôi trường mới vừa xây dựng hoàn thiện. Thời điểm đó, trường Thương nghiệp Trung ương thuộc loại đẹp, có cơ sở vật chất khang trang ở miền Bắc. Đồng thời, cán bộ trong Ban phương án trở thành cán bộ nhà trường, và trường còn tuyển dụng thêm cán bộ dần hình thành nên bộ máy tổ chức hoàn chỉnh. Bộ Nội thương bổ nhiệm ông Bùi Đạt- Ủy viên Đảng Đoàn của Bộ làm Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp. Ông Lê Kinh Phì được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng, kiêm Trưởng ban Thương phẩm của trường. Ông Phan Đức Thắng tuy còn quá trẻ, nhưng có năng lực nên được bổ nhiệm làm Phó ban Thương phẩm, kiêm giảng viên, Trưởng bộ môn Thương phẩm học hàng thực phẩm. Giai đoạn đầu, vì thiếu cán bộ giảng dạy, nên ông Phan Đức Thắng đảm nhận giảng dạy thêm các môn cơ sở: hóa sinh, vi sinh…
Ngoài ra, ông Phan Đức Thắng còn được Bộ Nội thương giao nhiệm vụ xây dựng phòng thí nghiệm cho các môn: Hóa học phân tích, Hóa hữu cơ và Vi sinh vật của trường Thương nghiệp Trung ương. Hàng ngày, ông miệt mài đạp xe đi tham khảo phòng thí nghiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu, và đặc biệt là trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hơn nữa, ông còn được giới thiệu đến các đại sứ quán, thương vụ quán để đặt vấn đề xin tư vấn thêm và nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn tuyển chọn những trang thiết bị thí nghiệm và hóa chất có chất lượng từ phía các đại sứ quán: Đức, Tiệp Khắc… Một số các thương vụ quán đã gửi cho ông những tờ catalogue để giới thiệu sản phẩm và các thiết bị thí nghiệm.
Ngày 1-10-1960, trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp bắt đầu chiêu sinh khóa I hệ chính quy trong toàn quốc, và tổ chức buổi khai giảng đầu tiên. Khóa học này, nhà trường tuyển dụng được khoảng 200 sinh viên, theo 4 chuyên ngành. Sau một năm công tác, trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp nhận thấy giảng viên Phan Đức Thắng, tuy không được đào tạo ngành sư phạm, nhưng có năng lực, kỹ năng giảng dạy tốt, nên đã tổ chức một buổi để ông thao diễn giảng dạy, mời các trường bạn ở Hà Nội đến tham dự, và đóng góp ý kiến. Buổi thao diễn của giảng viên Phan Đức Thắng được đồng nghiệp đánh giá rất cao.
Thầy Phan Đức Thắng còn được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư đoàn trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp. Ông nhớ nhất là dịp tổ chức chương trình nếp sống văn minh cho toàn thể cán bộ, sinh viên nhà trường. Ông tập hợp tất cả những câu chuyện hay, văn minh, và kỷ vật của người đánh rơi trong triển lãm tại trường. Cuộc triển lãm nhận được sự ủng hộ rất lớn của ban lãnh đạo nhà trường, thu hút đông đảo người tham dự, đến tham quan. Là người luôn đi tiên phong trong mọi hoạt động, nên thầy Phan Đức Thắng được đồng nghiệp coi là người đặt nền móng trong công tác giáo dục và hoạt động đoàn thể của nhà trường.
Tháng 9-1961, trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp sáp nhập vào trường Thương nghiệp Trung ương. Khi đó, các phòng ban của trường được hoàn thiện hơn, gồm: Phòng Tổ chức cán bộ, phòng Giáo dục, phòng Hành chính quản trị, ban Mác – Lênin, ban Văn hóa, ban Thương phẩm, ban Kinh tế thương nghiệp, tổ Thể dục quân sự,…
Năm 1963, sinh viên khóa I tốt nghiệp, và được phân công đi khắp mọi miền Tổ quốc để phục vụ cho sự phát triển của ngành thương nghiệp nước nhà. Phó giáo sư Phan Đức Thắng tâm sự, đó là niềm tự hào to lớn của những người tâm huyết xây dựng nhà trường. Họ đã làm việc hết mình, tận tụy cống hiến, mà không hề nghĩ đến quyền lợi cá nhân.
Thời gian đầu, mặc dù trường Thương nghiệp Trung ương đã chính thức đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn gặp khó khăn về chương trình đào tạo, chiêu sinh, chiêu sư. Tuy nhiên, với sự cống hiến hết mình của các cán bộ, giảng viên đến khóa III nhà trường đã thực sự trưởng thành và hoàn thiện về mọi mặt.
Năm 1965, Bộ Nội thương nhận thấy ngành Thương nghiệp ngày càng phát triển, không thể chỉ đào tạo hệ trung cấp, mà cần phải đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao hơn. Do vậy, Bộ đã đề nghị lên Chính phủ mở hệ đào tạo đại học tại trường Thương nghiệp Trung ương. Ngày 3-9-1965, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định mở hệ đại học tại trường Thương nghiệp Trung ương theo quyết định số 182/CP. Hệ đại học đào tạo các chuyên ngành: Kinh tế thương nghiệp, Kinh tế thương phẩm, Tổ chức kỹ thuật và ăn uống công cộng. Năm đó, nhà trường chiêu sinh được khoảng hơn 300 sinh viên hệ đại học chính quy khóa I. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhà trường quyết tâm thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo tuyệt đối cho việc dạy và học trong mọi tình huống. Thực hiện tốt khẩu hiệu “giảng dạy và sẵn sàng chiến đấu”, tiếp tục kế hoạch đào tạo các lớp đại học chính quy khóa I, chuyên tu, tại chức. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu đào tạo ngành học, cải tiến mạnh mẽ xây dựng chương trình, giáo trình cho phù hợp với mục tiêu đào tạo, theo phương châm “thiết thực, hiện đại”, “vừa giỏi chuyên môn vừa sâu thực tiễn”.
Năm 1966, giảng viên Phan Đức Thắng được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Trung Quốc. Sau gần một năm, khi các nghiên cứu sinh đang học ngoại ngữ thì Trung Quốc diễn ra cuộc Đại cách mạng văn hóa. Vì thế, các nghiên cứu sinh Việt Nam đều phải về nước. Về lại trường Thương nghiệp Trung ương, cùng với việc giảng dạy ông Phan Đức Thắng được bổ sung vào đại đội tự vệ chiến đấu của nhà trường. Ông được giao một khẩu súng trường với 20 viên đạn, và được đào tạo cấp tốc lớp sử dụng cao xạ 12 ly 7. Ông cùng một số đội viên tự vệ có nhiệm vụ trực chiến trên sân thượng nhà chữ U của trường. Ông Phan Đức Thắng chia sẻ, trong thời chiến tất cả các cán bộ, giảng viên nhà trường đều tự nguyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo tinh thần vừa giảng dạy vừa chiến đấu.
Năm 1967, trong tình hình chiến tranh ác liệt, trường Thương nghiệp Trung ương phải đi sơ tán về xã Đức Hợp, huyện Mai Động, tỉnh Hưng Yên. Cơ sở vật chất nơi sơ tán rất thiếu thốn, cán bộ, sinh viên đều ở nhờ nhà dân. Trường lớp xây dựng bằng vách đất, mái tranh. Một số lớp học phải tổ chức giảng dạy ở nhà dân, đình, chùa. Phó Hiệu trưởng Lê Hữu Chỉnh cử giảng viên Phan Đức Thắng làm Trưởng bộ môn Khoa học cơ sở, gồm các môn: Hóa phân tích; Hóa lý, hóa keo; Quá trình và thiết bị trong công nghiệp thực phẩm; Vẽ kỹ thuật; Điện kỹ thuật. Nhiệm vụ của ông là chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình, giáo án, giáo cụ giảng dạy, phòng thí nghiệm thực hành cho sinh viên trong vòng 6 tháng.
Thời gian này, ông Phan Đức Thắng và ông Hoàng Đạt[6] (khi đó là Phó trưởng bộ môn) cùng nhau thực hiện nhiệm vụ này với quyết tâm cao. Trong điều kiện sơ tán, đời sống sinh hoạt của cán bộ vô cùng khó khăn, mỗi bữa được ăn nửa bát cơm trắng, và một chiếc bánh bằng bột mì luộc nát. Ngoài giờ lên lớp, buổi tối, dưới ánh đèn dầu, các cán bộ phải phụ đạo thêm cho sinh viên và soạn giáo án. Khó khăn là vậy, nhưng các cán bộ, giảng viên vẫn rất nhiệt tình, say sưa với công việc. Trong vòng 6 tháng, thầy Phan Đức Thắng cùng đồng nghiệp đã biên soạn xong 6 cuốn giáo trình tương ứng với 6 môn học của bộ môn Khoa học cơ sở, và được Ban giám hiệu nhà trường thông qua để in ấn, phát hành. Đồng thời, trong điều kiện sơ tán bộ môn đã xây dựng được hai phòng thí nghiệm (Hóa phân tích, Vi sinh) với trang thiết bị tối thiểu để sinh viên thực hành, thầy trò không phải dạy chay, học chay.
Ở nơi sơ tán, trường Thương nghiệp Trung ương tiếp tục thực hiện tinh thần “giảng dạy và sẵn sàng chiến đấu” đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giảng viên, và sinh viên. Mỗi lớp học đều có hầm trú ẩn, giao thông hào. Hàng ngày, thầy trò đội mũ rơm lên lớp, ban đêm làm việc và học tập phải che ánh đèn. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng thầy trò đều làm việc hăng say hết mình, đoàn kết cùng nhau thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển trường. Ông Phan Đức Thắng chia sẻ, bấy giờ, lời động viên của ban lãnh đạo đất nước rất quan trọng, khích lệ tinh thần cho cán bộ và quần chúng nhân dân cùng đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước. Thầy trò trường Thương nghiệp Trung ương đều học thuộc lòng khẩu hiệu “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” của đồng chí Lê Duẩn[7], và như để tiếp thêm nhiệt huyết, động lực cho các cán bộ, giảng viên cùng nhau nỗ lực, cải tiến nội dung, phương pháp dạy và học. Đồng thời, nhà trường luôn nêu cao khẩu hiệu “dạy tốt, học tốt”, và khẩu hiệu này đã trở thành phong trào của toàn trường.
Trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy nhưng giảng viên Phan Đức Thắng và đồng nghiệp vẫn duy trì phong trào nghiên cứu khoa học. Thời kỳ ấy, ngành Thương nghiệp chủ yếu kinh doanh rau, củ, quả, nhưng chưa có biện pháp bảo quản. Do vậy, hàng hóa (rau, củ, quả) luôn trong tình trạng: sáng tươi, trưa héo, chiều đổ đi. Công ty rau củ quả thành phố Hà Nội vận chuyển cam từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội, vì không có phương pháp bảo quản nên sau một thời gian ngắn phải đổ bỏ đi rất nhiều. Nhận thấy điều đó, ông Phan Đức Thắng cùng hai đồng nghiệp: ông Nguyễn Văn Xuyền, bà Nguyễn Thị Phú nghiên cứu, xây dựng đề tài “Bảo quản quả cam bằng phương pháp vùi trong cát tinh chế” và “Nghiên cứu kéo dài thời gian dự trữ cà chua bằng phương pháp khử trùng sơ bộ, bảo quản trong môi trường ổn nhiệt”. Khi ấy, hai đề tài này rất thiết thực đối với lĩnh vực kinh doanh của ngành Thương nghiệp và đời sống của người dân. Mặc dù, đây là đề tài không quá cao siêu, nhưng hữu ích nên được ban lãnh đạo, cán bộ trong ngành Thương nghiệp đồng tình ủng hộ. Trong ba tháng, nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm và tìm các phương pháp bảo quản rất đơn giản, dễ thực hiện: 1- Đối với cam là dùng cát tinh chế để bảo quản. Kết quả sau 3 tháng, cam vẫn tươi, vitamin C được giữ nguyên. 2- Về cà chua, khử trùng sơ bộ bằng dung dịch muối 5‰, sau đó ngâm vào nước muối sinh lý, rồi bảo quản trong hầm kín. Kết quả là cà chua bảo quản được hơn 3 tháng, vitamin C giảm rất ít, và độ thơm vẫn được giữ nguyên. Công ty rau quả thành phố Hà Nội đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu này, họ nói: chúng tôi như người ốm gặp được thầy thuốc
Tháng 10-1969, khóa sinh viên đại học đầu tiên tốt nghiệp, cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước.
Cũng năm đó, trường Thương nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo kinh nghiệm giảng dạy trong toàn trường. Ông Phan Đức Thắng được mời là đại diện cho bộ môn Khoa học cơ sở tham gia báo cáo tại Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Hiệu trưởng Lê Hữu Chỉnh. Trong bài báo cáo, ông Phan Đức Thắng tổng kết công tác đào tạo, kinh nghiệm giảng dạy đã được đúc kết ở bộ môn, từ các khâu chuẩn bị giáo án, giáo cụ đến khi lên lớp giảng bài, hướng dẫn thực hành, và những ứng xử của giảng viên đối với sinh viên trong một số tình huống. Báo cáo của giảng viên Phan Đức Thắng được đánh giá cao, gây ấn tượng mạnh mẽ với đồng nghiệp. Phó Hiệu trưởng Lê Hữu Chỉnh xúc động và khen ngợi: Đây là báo cáo nhà trường mong đợi từ lâu[10]. Đồng thời, ban lãnh đạo nhà trường đánh giá rất cao tinh thần làm việc của giảng viên Phan Đức Thắng và bộ môn Khoa học cơ sở, chỉ trong thời gian ngắn đã biên soạn được 6 cuốn giáo trình giúp bộ môn không phải dạy chay, học chay. Đồng nghiệp đánh giá: bộ môn Khoa học cơ sở là bộ môn đỏ của trường[11].
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những kỷ niệm về thời kỳ đầu nhận nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường Thương nghiệp Trung ương vẫn như còn vẹn nguyên trong tâm trí của PGS.TS Phan Đức Thắng. Mặc dù, đây là giai đoạn đầy gian lao, vất vả, nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của PGS Phan Đức Thắng khi đã cống hiến hết mình để góp phần dựng xây ngôi trường lớn mạnh, có tên tuổi như ngày hôm nay. Như PGS.TS Phan Đức Thắng chia sẻ: Mỗi người có một ký ức riêng, để lại những kỷ niệm ấn tượng khó quên. Trong cuộc đời, tôi không thể quên khi là một trong những người được gánh trên đôi vai mình nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của đất nước là xây dựng ngôi trường đào tạo đầu tiên của ngành thương mại[12].
Tạ Anh
————————————————————————–
* Nay là trường Đại học Thương Mại.
** PGS.TS Phan Đức Thắng, chuyên ngành Hóa học, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường, Bộ Thương mại.
[1] Ông Đỗ Mười là Bộ trưởng Bộ Nội thương (từ 1958). Thời kỳ 1991-1997, ông là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
[2] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phan Đức Thắng, 16-11-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phan Đức Thắng, 16-11-2017, tài liệu đã dẫn.