Song, cuộc trò truyện với anh hôm nay lại khắc họa thêm một TS. Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương trong vai trò người nghiên cứu, luôn trăn trở, khát khao cống hiến, đem những tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành y trực tiếp phục vụ sự nghiệp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân.
Những trải nghiệm
Anh đã mang đến niềm vui cho biết bao bệnh nhân mà đặc biệt là trẻ em nhỏ khiếm thính. Quả không sai khi nói rằng “Thước đo cuộc đời của mỗi con người chính là sự cống hiến”. TS.BS Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: chữa bệnh không phải là con đường mòn duy nhất cho mỗi bác sĩ. Mà chính anh (bác sĩ) phải biết được rằng, cùng là bệnh ấy, người ta chữa bằng phương pháp này, thì liệu mình có phương pháp mới nào không? Có lẽ, đau đáu trách nhiệm cùng với khát khao cống hiến ấy của một bác sĩ trẻ đã không để cho Nguyễn Tuyết Xương ngơi nghỉ. Anh không chỉ chữa bệnh. Anh quan sát bệnh nhân. Anh thăm hỏi, anh thấu hiểu nguyên nhân phát bệnh. Anh “đau” nỗi đau của các gia đình bệnh nhân. Anh thấy được sự thiệt thòi của những đứa trẻ chẳng may bị bệnh, hoặc dị tật bẩm sinh về tai mũi họng. Anh cho rằng, một đứa trẻ khiếm thị, khi ra đường ắt nhiều người dễ thấy và dễ cảm thông chia sẻ ngay. Còn trẻ bị khiếm thính, chẳng những ít người biết, và có biết cũng phải trong một tình huống đã xảy ra rồi. Và đứa trẻ này thường bị “quên” ngay từ phía gia đình, người thân và xã hội. Nó không hề được ưu ái như trẻ bị mù lòa, Bác sĩ Tuyết Xương khẳng định.
TS. Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương
Trải lòng từ chính công việc thường ngày, bác sĩ Tuyết Xương tâm sự: Cuộc sống còn ngổn ngang biết bao. Mình ở lĩnh vực này thì cứ biết làm tốt công việc của mình. Ngược dòng thời gian anh cho biết: mình sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạch Thất – Hà Nội. Ngay từ nhỏ, với niềm đam mê sau này sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cứu người. Chính vì lẽ đó, anh thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp ra trường năm 1995.
Rồi cũng nặng lòng với quê hương, muốn được chữa bệnh cho bà con nơi nơi chôn rau cắt rốn, anh đã trở về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Sau gần 10 năm công tác, anh được điều chuyển lên tuyến trên và được phân công về Khoa Tai – Mũi – Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngay từ những ngày đầu, anh luôn nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nghĩ là làm, trong quá trình công tác, anh không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ đồng nghiệp, anh còn miệt mài nghiên cứu sách vở, tài liệu khoa học, tích cực tham gia các lớp tập huấn… để ngày càng hoàn thiện về mặt chuyên môn.
Gần 20 năm gắn bó với nghề đã giúp anh có nhiều trải nghiệm, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Sự trăn trở của anh là làm sao để chữa được cho bệnh nhân bị khiếm thính một cách hiệu quả, mang lại niềm vui và mở ra tương lai tươi mới cho các em ở phía trước. Anh luôn quan niệm rằng “Làm bác sĩ không phải chỉ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng và đeo tai nghe là được, mà mình cần phải biết lắng nghe và chia sẻ những nỗi đau, sự thiệt thòi, thậm chí cả sự mất mát của bệnh nhân”. Việc nghiên cứu sâu về tai mũi họng cho trẻ em nên anh hiểu rất rõ nguyên nhân và những điểm khác biệt với người lớn, từ đó có những cách thức điều trị cũng khác nhau. Trước năm 2010 cả nước chỉ có Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh cấy ốc tai điện tử nhưng cũng được ít người biết đến. Chính sự hạn chế ấy mà nhiều gia đình đã không biết chữa trị cho con bị khiếm thính ở đâu nên đành đưa ra nước ngoài khám chữa bệnh, điều này gây tốn kém rất lớn cho nhiều gia đình.
Anh chia sẻ: Ở một số gia đình, khi có trường hợp con bị bệnh khiếm thính thường thì người ta sẽ không sinh thêm mà tập trung tâm trí, tình cảm để chăm sóc cho đứa con ấy. Và người mẹ là người hy sinh nhiều nhất cho con cái.
Bao đêm suy nghĩ, anh đã cùng đồng nghiệp tự học tập các mô hình, kỹ thuật về cấy ghép ốc tai điện tử của các nước tiên tiến trên thế giới như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia,… để sau khi về nước sẽ áp dụng những kiến thức đã học được từ nền y học thế giới về áp dụng tại Việt Nam, mà trực tiếp là tại Khoa Tai – Mũi – Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để tạo bước phát triển Thính học và ngôn ngữ, anh đã đề xuất thành lập Trung tâm Thính học, trực thuộc Khoa Tai – Mũi – Họng do anh trực tiếp quản lý. Với sự nỗ lực cao của anh và các cộng sự; cùng với sự tạo điều kiện của Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho Trung tâm, tháng 7/2010 với sự trợ giúp tích cực của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, anh đã phẫu thuật thành công, lắp ốc tai điện tử cho 5 bệnh nhi bị điếc bẩm sinh. Đây được xem là dấu ấn quan trọng đưa Khoa trở thành đơn vị Nhi khoa đầu tiên của cả nước cấy thành công ốc tai điện tử, trở thành đơn vị đáng tin cậy hàng đầu cho các gia đình có bệnh nhân khiếm thính. Ngoài ra, anh còn thường xuyên liên kết, tạo mối quan hệ để nhằm tạo điều kiện cho các bác sĩ, nhân viên qua đó học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng tay nghề.
Chính việc làm của anh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều bệnh viện tuyến dưới. Anh cho rằng: để có được thành công và làm chủ được khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại thì cần phải có sự bứt phá đi lên và chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương pháp mới chứ không phải chỉ ngồi chờ đợi.
Những thành công ấy chính là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của cả tập thể y, bác sỹ Khoa Tai – Mũi – Họng và đánh dấu một bước đột phá mới trong ứng dụng các kỹ thuật y khoa. Anh nhấn mạnh “Yếu tố quyết định tới sự thành công chính là con người, vì vậy để có được sự thành công thì trước hết phải chú trọng vào công tác xây dựng yếu tố con người sau đó là cơ sở vật chất”.
Bên cạnh việc khám, điều trị cho bệnh nhân anh còn chú trọng vào công tác đào tạo. Anh đã mở rộng mô hình đào tạo của mình ra các tỉnh như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa để chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp của mình cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Và đây cũng chính là biện pháp nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Cũng thông qua chương trình này, giúp các bác sĩ sàng lọc khiếm thính và phát hiện ra bệnh sớm hơn để có cách chữa trị kịp thời.
Với một người luôn hết lòng vì bệnh nhân vì cộng động như anh thì vấn đề nghiên cứu khoa học để tạo ra những mô hình mới, phương pháp hay là rất quan trọng. Anh chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học luôn là vấn đề cấp thiết trong mọi thời đại, mọi lĩnh vực mà đặc biệt là trong ngành y tế. Muốn đạt hiệu quả cao trong phẫu thuật, khám chữa bệnh thì không có con đường nào tốt hơn là nghiên cứu khoa học. Khi những công trình nghiên cứu khoa học thành công được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị, giảm bớt đau đớn. Đây cũng là niềm vui, hạnh phúc không gì tả hết được của người làm công tác nghiên cứu khoa học”.
Hàng ngày Khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Nhi Trung ương phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi, trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ em bị mắc bệnh điếc bẩm sinh. Bệnh này có nhiều nguyên nhân, như: do bệnh di truyền, mẹ bị bệnh trong thời kỳ mang thai, do đẻ non, đẻ khó, trẻ bị ngạt… hoặc điếc mắc phải xuất hiện ở tuổi chưa phát triển đầy đủ ngôn ngữ (trước 5 tuổi) do viêm tai, viêm não – màng não. Các bệnh nhiễm virus (như Rubella, sởi, quai bị…) hay nhiễm độc (đặc biệt là nhiễm độc thuốc) đều có thể gây điếc.
Là một bác sĩ luôn đề cao tâm y đức, anh rất thương cảm và day dứt khi chứng kiến những gia đình từ vùng sâu, vùng xa lặn lội hàng trăm cây số để tìm tới bệnh viện chữa trị cho con. Cũng có nhiều gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn nên không đưa con đến khám chữa kịp thời, để đến khi phát hiện trẻ đã lớn tuổi, nên gây khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh. Chính vì phải đi xa như vậy thường gây tốn kém cho gia đình, gây trở ngại lớn đối với sức khỏe của các em nhỏ. Cảm thông và chia sẻ khó khăn cùng bệnh nhân và cộng đồng anh đã vận động đồng nghiệp thành lập Câu lạc bộ khiếm thính để cung cấp miễn phí toàn bộ tài liệu học tập, những chỉ dẫn cho các bậc phụ huynh có con em bị bệnh điếc nắm được cách chăm sóc, phục hồi ngôn ngữ ở nhà. Hiện CLB thành lập và đi vào hoạt động được 3 năm; mọi sinh hoạt như: in ấn tài liệu; học tập chuyên môn và lo bữa ăn trưa cho các phụ huynh, người nhà bệnh nhân – thành viên CLB sinh hoạt… đều do CLB lo liệu, chu cấp. Anh coi đó là niềm vui, là hạnh phúc trong công việc. Sinh hoạt CLB đã đem lại lợi ích thiết thực cho thân nhân người bệnh, cho cả đội ngũ y bác sĩ mới vào nghề.
Trăn trở
Theo tính toán, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em ra đời. Và sẽ có khoảng 5000 trẻ em bị mắc bệnh điếc. Đây là con số không hề nhỏ về giá trị chữa trị và chăm sóc.
Hiện tại, mỗi năm nước ta thường cấy ghép ốc tai điện tử được cho khoảng 200 người – chỉ số rất nhỏ so với tỷ lệ người mắc bệnh. Có nghĩa là gánh nặng xã hội từ người bệnh còn rất lớn. Vậy thì triển vọng giải quyết ra sao? Lý giải vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tuyết xương cho rằng phải ngăn “nước” từ xa nếu không muốn bị lụt.
Anh tâm sự: Kỹ thuật cấy ốc tai điện tử mang lại hiệu quả rất tích cực đối với trẻ em từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi bị khiếm thính ở mức độ nặng. Nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử khá lớn từ 500-600 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ đối với mức sống bình quân chung của các gia đình ở Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, BS. Nguyễn Tuyết Xương mong muốn có sự quan tâm chung tay giúp sức nhiều hơn nữa của các tổ chức xã hội, của những mạnh thường quân. Nhằm phần nào giúp đỡ trực tiếp cho các cháu bị câm điếc muốn được chữa trị theo phương pháp này. Song, về cơ bản lâu dài, anh nói: Phải tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh, đặc biệt là giáo dục và tư vấn về sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh; thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn cho người thân của trẻ mắc câm điếc bẩm sinh. Để tỉ lệ trẻ sinh ra bị điếc ngày một giảm…
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương cho biết “Việc cấy ốc tai điện tử là một kỹ thuật phức tạp và mức độ thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu bao gồm cả quá trình theo dõi sau phẫu thuật và quá trình dạy nói cho bệnh nhi”. Nên cần một thái độ đúng, một phương pháp điều trị khoa học, một trách nhiệm xuất phát từ tình thương nhiều hơn…
Chính anh là biểu mẫu của sự ân cần với bệnh nhân. Ai cũng thấy, sự ân cần đó đến từ một trái tim đầy nhân ái và bao dung của TS.BS Nguyễn Tuyết Xương. Trăn trở với nghề, cầu thị những phương pháp chữa trị tối ưu, cá nhân anh đã nỗ lực học tập, tự rèn luyện về khả năng chuyên môn; và từ đó anh chiêm nghiệm, đúc rút kinh nghiệm và viết thành những đề tài sách chuyên môn. Tới đây, TS.BS Nguyễn Tuyết Xương xuất bản cuốn sách: Ốc tai điện tử ở trẻ em. Cuốn sách này là đứa con tinh thần mà anh gửi gắm tâm huyết và cả những y thuật sau mấy chục năm gắn bó và cống hiến chữa trị bệnh cho trẻ em.
Với những nỗ lực không biết mỏi, anh đã có nhiều cống hiến thầm lặng cho sức khỏe cộng đồng xã hội, và anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Bằng khen của trung ương hội Chữ Thập đỏ… vì đã có những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của TS.BS Nguyễn Tuyết Xương. Với anh, người bác sĩ tận tâm với công việc, nhiệt thành với đồng nghiệp, ân cần, tận tình chu đáo với bệnh nhân sẽ luôn được lãnh đạo tin yêu, đồng nghiệp nể trọng và đặc biệt là luôn có được sự gửi gắm, tin cậy của những bệnh nhân.
Ngọc Giáp
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn