Được phẫu thuật, sắp xếp lại xương chân nhưng cơ hội để anh trở về chiến đấu bên đồng đội là điều hoàn toàn không thể. Đúng lúc buồn nản nhất, anh tình cờ được “làm quen” Paven Coocsaghin qua tập sách nhỏ: “Thép đã tôi thế đấy”. Như được tiếp thêm nghị lực sống, Lư Ḥa vừa chiến đấu với thương tật, vừa lao vào học văn hóa…
Mới học lớp 3, xin thi lớp 10
Sinh ra tại Mỹ Tho (Tiền Giang), tuổi thơ của cậu bé Lý Hòa luôn gắn liền với những con sông nơi quê ngoại. Khi đang học chương trình lớp 3 trường làng, gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cậu bé Hòa đã phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Anh hùng Lao động Lý Hòa
Hòa xin tham gia Vệ quốc đoàn bảo vệ quê hương. Trong một lần tiêu diệt Tiểu khu quân sự Mỹ Long của địch, Hòa bị thương ở chân trái. Vết thương nhiễm trùng nặng. Lúc ấy thuốc men còn thiếu thốn, không thể chữa trị khỏi, các bác sĩ đoán cậu sẽ khó qua khỏi, nên chuyển ra Bắc để mổ. Sau 16 lần mổ, dần dần Hòa đã bình phục lại.
Trong thời gian mổ và điều trị vết thương, Lý Hòa thầm nhủ mình không thể tiếp tục làm chiến sĩ giết giặc cứu nước, thì sẽ làm “chiến sĩ trên giường bệnh”: học tập! Tự đề ra giáo trình học, không thầy cô, không thi cử, anh đã mượn sách của những người vào thăm nuôi thương binh, nhờ y tá mua sách và tự học. Thế mạnh của anh là các môn tự nhiên. Sau gần 20 tháng say mê học tập trên giường bệnh, Hòa đã nắm vững kiến thức cơ bản của 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đến lớp 10 (hệ 10 năm).
Trong thời gian điều trị, chờ mổ động mạch phòng, anh thương binh Lý Hòa tuy chưa lành bệnh, nhưng đã cảm thấy ngán nằm một chỗ. Anh xin cho xuất viện về Sư đoàn 338. Tại đây, anh xin sư đoàn cho phép đi liên hệ tìm một việc làm gì đó như ở ban phát hành báo chí, làm mậu dịch viên, làm văn thư ở một xí nghiệp…, nhưng ở đâu anh cũng bị từ chối vì đi lại khó khăn.
Cuối cùng, Lý Hòa đã xin thi vào lớp 10 bổ túc văn hóa công nông. Sau nhiều lần bị các cán bộ sư đoàn từ chối vì lý do: “Trong giấy chiêu sinh chỉ tuyển những thí sinh đã học xong lớp 9, còn cậu mới học xong lớp 3 như theo lý lịch quản lý của sư đoàn, nên không thể thi vào được”.
Sau nhiều lần giải thích thế nào cũng không được, Lý Hòa đã phải nhờ Chính ủy Sư đoàn 338 là Tô Ký can thiệp. Ông Tô Ký sau khi xem xét đã có lệnh cho quân lực: “Cậu ấy là thương binh, xin đi thi thì mình cứ cho cậu ấy đi thi, nếu đậu thì đi học, còn không đậu thì cậu ấy trở về đây sư đoàn nuôi tiếp”.
Thật bất ngờ, trong đợt thi ấy có 110 người dự thi, thương binh Lý Hòa là 1 trong 8 người đạt điểm cao nhất. Anh trở về sư đoàn để báo kết quả và nộp giấy gọi nhập trường, được sư đoàn cấp giấy chuyển ngành với giấy chứng nhận sức khỏe loại D. Cũng từ đây anh trở lại thời học trò.
Chống gậy mây đi giảng dạy
Sau khi học hết lớp 10, Lý Hòa không dừng lại ở đó mà quyết tâm học lên đại học. Được bạn bè và các thầy tư vấn, Lý Hòa chọn thi vào khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội hệ 4 năm khóa đầu tiên. Sau 4 năm học, ngoài bằng tốt nghiệp ngành Vật lý quang và quang phổ, Lý Hòa còn đậu bằng chuyên tu Ngoại ngữ Nga, được nhà trường tuyển làm cán bộ giảng dạy khoa Vật lý.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm thăm
PGS.TS Lý Hòa vào ngày Hiến chương Nhà giáo năm 2016
Bấy giờ, vết thương tuy đã lành, nhưng chân trái bị mất đầu xương đùi, phần xương đùi còn lại co rút làm chân ngắn đến 15 cm. Thầy Hòa đã luyện tập, từ đi hai tó sau đó đi một gậy một tó và cho đến khi chỉ đi bằng một gậy mây. Với việc di chuyển đã dễ dàng hơn, thầy được chọn học và làm cán bộ giảng dạy ngành Vật lý thực nghiệm.
Tháng 10-1965, thầy Hòa được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô với đề tài quang phổ phân tử. Nhiều người rất ngạc nhiên, bởi từ một thương binh hạng nặng, có lúc tưởng không qua khỏi, giờ lại được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Kết thúc 3 năm miệt mài học tập, nghiên cứu, thầy Hòa trở về tiếp tục giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy đã soạn được 5 giáo trình chuyên ngành và có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đề tài “G-H” chống bom của Mỹ, phục vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông miền Bắc. Tập thể nghiên cứu đề tài trên được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và riêng thầy được Thủ tướng tặng Bằng khen.
Sau ngày 30-4-1975, trở lại quê hương, thầy được phân về tiếp quản Đại học Cần Thơ. Một thời gian sau, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Năm 1977, thầy Hòa được phân ngôi nhà 105 (số mới 107) đường Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Đây là biệt thự có hai cổng, diện tích sân vườn rộng rãi, nhưng thầy đã nhường lại để xây trường mẫu giáo cho các cháu, còn gia đình thầy mua một ngôi nhà trong hẻm sâu ở đường Trần Hưng Đạo.
Với những cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà, thầy được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động và tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (tháng 7-1998). Nay tuy đã về hưu, thầy vẫn tiếp tục góp phần đào tạo sau đại học và dạy Vật lý đại cương cho một số trường.
Khi được hỏi về cuộc đời gần như huyền thoại của mình, thầy Hòa chỉ tóm gọn: “Ra viện tôi đi học bổ túc, thi đại học, làm giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, đi học tiến sĩ ở Nga và trở về với những đề tài nghiên cứu gắn với phục vụ quân đội”.
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Hòa nói: “Mỗi bạn trẻ hãy say mê học tập, chọn một chuyên môn thật sâu, không nên “cái gì cũng biết nhưng cuối cùng chẳng biết gì”, rèn luyện những kỹ năng cần thiết để không rơi vào tình trạng học giỏi nhưng lại ngơ ngác khi vào đời”.
Ông cũng băn khoăn về khả năng kém hợp tác, gắn kết trong công việc là điểm yếu của nhiều bạn trẻ hiện nay, cũng như các phong trào Đoàn phải thật sự là những hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, như vậy mới trở thành môi trường rèn luyện tốt cho người trẻ.
Như Thành
Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/