Tầng 2 của tòa nhà hiện đang tổ chức trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” với chủ đề: Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến, được sự bảo trợ của Bộ Khoa học & Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Chân dung tác giả có công trình và cụm công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh trong khu vực trưng bày.
Khu vực trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, sưu tầm của các nghiên cứu viên tại MEDDOM. Tại đây có 14 công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, thuộc 10 ngành khoa học: Y học, Toán học, Dược học, Sinh học, Vật lý, Địa chất, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Sân khấu; và trưng bày sẽ liên tục bổ sung các công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học trong tương lai.
Bằng sự kết hợp với các thủ pháp bảo tàng, kể chuyện qua hiện vật và tiếng nói của các nhân chứng lịch sử, trưng bày kể về sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam. Qua đó, MEDDOM mong muốn diễn giải một phần bức tranh khoa học Việt Nam từ sau năm 1945 với những thành tựu tiêu biểu, đồng thời vén bức màn lịch sử, lý giải các nguyên nhân thành công của các nhà khoa học Việt Nam để gửi tới các thế hệ sau này.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, thiếu thốn vật chất, bằng niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần vượt khó, các nhà khoa học đã cống hiến nhiều thành tựu cho khoa học và sự phát triển của đất nước. Trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam đã để lại những bài học về sự sáng tạo, khoa học và cống hiến của thế hệ cha anh, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ.
Tham quan trưng bày du khách có thể tìm hiểu những câu chuyện sáng tạo trong khoa học như việc điều chế nước lọc penicillin của GS Đặng Văn Ngữ từ thân cây ngô.
Phương pháp cắt gan khô của GS Tôn Thất Tùng, áp dụng khi phẫu thuật gan chỉ mất 6 phút so với phương pháp truyền thống cần 3-4 tiếng đồng hồ.
Câu chuyện của GS Đặng Văn Chung – cây đại thụ về nội khoa, chẩn đoán điều trị phát hiện nhiều căn bệnh mới, GS Vũ Công Hòe – người tiên phong về lĩnh vực Giải phẫu bệnh trong ngành y học.
Tình yêu thiên nhiên, động vật, cỏ cây, GS Đào Văn Tiến, GS Thái Văn Trừng đã nghiên cứu nhiều và đề xuất nhiều giải pháp góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và cải tạo rừng, giữ gìn và phát huy tài nguyên động vật hoang dã.
Đặc biệt, GS Đỗ Tất Lợi điều chế chiết xuất một số hóa chất, nguyên liệu điều trị từ các loài cỏ cây trong thiên nhiên góp phần quan trọng trong ngành Dược học Việt Nam.
Những câu chuyện về những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, cơ học, vật lý như: GS Hoàng Tụy là một trong những nhà toán học có công đầu trong việc xây dựng nền toán học Việt Nam, tâm huyết với sự phát triển khoa học giáo dục của đất nước. Hay GS.TS Nguyễn Đình Tứ là nhà quản lý giáo dục và khoa học. Ông đã đặt nền móng và trực tiếp chỉ đạo quá trình hình thành, phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, cũng là người đầu tiên đặt vấn đề đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.
Những Hành trình khám phá đất đá để thành lập những tờ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ đất Việt Nam của GS.TS Lê Duy Thước (chủ biên), GS.TS Cao Liêm, GS.TS Vũ Cao Thái, TS Trần Khải, KS Vũ Ngọc Tuyên, PGS.TS Tôn Thất Chiểu, KS Đỗ Đình Thuận và hàng trăm cộng sự. Những thành tựu nghiên cứu của họ góp phần quan trọng đối với nền khoa học đất của Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đây là các thế hệ đầu tiên xây dựng ngành Thổ nhưỡng Việt Nam và là những chuyên gia đầu ngành ở nước ta.
GS.TS Trương Đình Dụ cùng 7 đồng tác giả ở Viện Khoa học thủy lợi đã sáng tạo hai công nghệ: đập trụ đỡ và đập sà lan, để sử dụng trong xây dựng các công trình ngăn sông, đặc biệt hữu ích cho đồng bằng sông Cửu Long. GS Dụ còn sáng tạo 4 công nghệ xây đập: đập trụ neo, đập hộp neo, đập thuyền, đập bản dầm, phục vụ ngăn mặn – giữ ngọt trên sông lớn, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Sáng chế.
Chuyện về người đã tìm ra được phương pháp gìn giữ nghệ thuật chèo Việt Nam của GS Trần Bảng. Ông đã đạo diễn thành công hơn 20 vở chèo, chú trọng cả phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới (phục dựng vở Súy vân, Quan âm Thị Kính; biên soạn vở Cô gái và anh đô vật.
Trưng bày với chủ đề “Khoa học: sáng tạo và cống hiến” đã thu hút đông đảo du khách thuộc nhiều đối tượng từ khắp các tỉnh thành về tham quan, khám phá, tìm hiểu về những câu chuyện khoa học. Sau 1 năm khai trương (tháng 8-2020), trưng bày đón tiếp gần 14.000 du khách (1.750 lượt) tham quan. Chia sẻ của du khách khi tham quan trưng bày: “Tôi cảm thấy biết ơn và ngưỡng mộ những thành tựu nghiên cứu của các thế hệ đi trước, bất chấp những điều kiện vô vàn khó khan thời kháng chiến. Những kỷ vật ở đây đã tạo thêm động lực cho tôi trên con đường học tập và định hướng tương lai sắp tới”. Phạm Gia Khánh (Học sinh trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, TP Hồ Chí Minh).
“Lần đầu tiên chúng tôi biết đến một không gian văn hóa ý nghĩa và tuyệt vời như thế này. Thầy trò chúng tôi có những trải nghiệm và khám phá mới rất ấn tượng, đặc biệt là về các hiện vật và kỷ vật của các nhà khoa học mà trung tâm sưu tầm và trưng bày. Qua đó, các em cũng thấy được rằng: trong khi khó khăn như thế mà các nhà khoa học đã rất nỗ lực để đạt được những thành tựu to lớn không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà còn ảnh hưởng của quốc tế. Từ đó các em cũng thấy cần phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn”. Phạm Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên – Đại học Sư phạm Hà Nội.
https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/thuong-lam-khu-trung-bay-nhung-cong-trinh-duoc-trao-tang-giai-thuong-ho-chi-minh-i635103/