Người tự học thành tài
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn sinh ngày 28-9-1926 tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Khi còn nhỏ, ông được học chữ từ người cha. Năm 1935, ông được vào học lớp 3 (học nhảy, không qua lớp 1 và lớp 2) tại trường tiểu học ở huyện Đô Lương, năm 1938 thì tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Nhắc về khoảng thời gian ấy, có lần ông từng chia sẻ: “Khi học tiểu học và trung học, tôi chỉ là một học sinh bình thường, chỉ học khá chứ không học giỏi hay xuất sắc như nhiều người khác. Nhưng với trí tò mò nên tôi luôn đặt cho mình những thắc mắc, câu hỏi và đi tìm người giải thích cho. Nếu không tìm được ai thì tự tìm cách giải thích của mình. Do vậy, trong lớp tôi học không xuất sắc nhưng tôi lại học ở ngoài rất nhiều”[1]. Năm 1942, ông dễ dàng tốt nghiệp bậc thành chung tại trường Collège de Vinh và thi đậu vào trường Quốc học Huế. Với trí thông minh hơn người, ông không những hoàn thành sớm chương trình học của mình mà còn tìm tòi tự học các môn học của lớp trên, và được phép thi nhảy lớp.
Chỉ hai năm sau khi tốt nghiệp thành chung, năm 1944, Nguyễn Cảnh Toàn tốt nghiệp tú tài toán học tại trường Quốc học Huế. Sự kiện Nhật đảo chính Pháp đã làm gián đoạn mong muốn thi vào đại học nên ông trở về quê tham gia phong trào cách mạng. Năm 1946 ông ra Bắc tiếp tục học tập và thi đậu thủ khoa về Toán học đại cương. Năm 1947, Sở Giáo dục Liên Khu 4 triệu tập ông về dạy toán cho trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng đóng ở Hà Tĩnh. Lúc ấy, do thiếu thốn tài liệu dạy học nên ông đã viết các giáo trình dạy học về toán cho lớp 5 và lớp 9. Dù còn thô sơ, nhưng đó là một trong những cuốn sách giáo khoa về toán bằng tiếng Việt đầu tiên ở nước ta.
Sau 4 năm dạy toán ở trường Huỳnh Thúc Kháng, năm 1951, Nguyễn Cảnh Toàn được Bộ Giáo dục cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) dạy học ở Khu học xá Trung ương. Hòa Bình lập lại (1954), khi trường Đại học Khoa học được thành lập, Nguyễn Cảnh Toàn được cử về dạy môn toán. Trong thời gian này, ông bắt đầu dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu về toán học để khi có điều kiện sẽ ra nước ngoài bảo vệ luận án Phó tiến sĩ. Đề tài ông hướng tới khi ấy là: “Các tính chất mới của các đường và mặt hai trong không gian eliptic”. Năm 1957, cơ hội đến, khi ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh. Với ý chí quyết tâm và tinh thần tự học đã ngấm vào huyết mạch, ông mạnh dạn mang theo công trình nghiên cứu đã ấp ủ để trao đổi với các nhà khoa học của Liên Xô. Như có lần ông kể lại sự kiện ấy: “Lúc đầu, vừa sang đến Liên Xô, nhìn tòa nhà cao tầng đồ sộ của trường Đại học Tổng hợp Lomonosov[2], tôi thấy ngại và tự ti nên không dám đưa công trình nghiên cứu của mình cho thầy giáo xem vì sợ bị chê cười. Nhưng sau khi nghĩ kỹ, tôi quyết định là dù có dốt thì cũng phải để người ta chỉ cho chứ không thể giấu giếm được”[3]. Trái với suy nghĩ và lo lắng của ông, công trình nghiên cứu ấy được các nhà khoa học Liên Xô đánh giá cao, đồng thời động viên ông hoàn thiện để bảo vệ Phó tiến sĩ. Được lời như cởi tấm lòng, ông không quản ngày đêm để dịch luận án sang tiếng Nga, vì khi ở nhà chỉ viết bằng tiếng Pháp. Tháng 6-1958, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ toán học, mở đường cho những nghiên cứu khoa học sau này.
Sau khi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, Nguyễn Cảnh Toàn về nước và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong hoàn cảnh nhu cầu đào tạo giáo viên phổ thông rất cấp thiết, Nguyễn Cảnh Toàn luôn trăn trở làm sao để đào tạo nhanh các sinh viên giỏi khi tốt nghiệp có thể dạy chương trình đại học. Muốn làm vậy phải đề cao vấn đề tự học. Bằng kinh nghiệm của một người tự học thành tài, ông đã khuyến khích và truyền đạt phương pháp tự học cho các học trò một cách rất nhiệt tình. Có lẽ cũng bắt đầu từ đây, vấn đề tự học được ông quan tâm một cách có hệ thống, làm nền tảng cho những quan điểm giáo dục sau này.
Bên cạnh giảng dạy, Nguyễn Cảnh Toàn không ngừng tự tìm hiểu, nghiên cứu khoa học. Thành quả của nỗ lực đó là ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Lý thuyết đối hợp bộ n” để gửi sang Liên Xô với mục tiêu tranh thủ sự đánh giá của các nhà khoa học nước bạn xem công trình có thể bảo vệ luận án Tiến sĩ toán học không. Và một lần nữa, công trình của ông được đánh giá cao. Năm 1963, trong chuyến công tác 3 tháng ở Liên Xô ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Lý thuyết đối hợp bộ n”.
Chỉ chưa tới 10 năm, Nguyễn Cảnh Toàn đã hoàn thành hai bản luận án (Phó tiến sĩ và Tiến sĩ) – học vị cao nhất đối với một người làm nghiên cứu. Điều đặc biệt ở chỗ, những công trình khoa học ấy của ông đều không có người hướng dẫn, cố vấn, mà hoàn toàn do ông tự mày mò, nghiên cứu. Nó càng đặc biệt hơn khi đặt trong hoàn cảnh nước ta vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, và đang ở trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước. Những kết quả đạt được của ông không những trở thành động lực cho đồng nghiệp, học trò kế cận, mà còn trở thành một tấm gương cho nhiều thế hệ đi sau.
GS Nguyễn Cảnh Toàn ký biên bản trao tặng tài liệu cho Trung tâm, 12-2014
Một cuộc đời để lại
Chắc hẳn có rất nhiều bài viết, bài nói đã đề cập tới những đóng góp của GS Nguyễn Cảnh Toàn trong nghiên cứu, quản lý giáo dục. Ông đã công bố 8 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, biên soạn, viết 26 cuốn sách và hơn 650 bài báo về các vấn đề giáo dục ở trong nước. Tuy nhiên, với tình cảm sâu sắc của thế hệ đi sau, đặc biệt là đối với những người được tiếp nhận, bảo quản di cảo của cuộc đời ông, chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh những điều đặc biệt đã tạo dựng nên một nhà khoa học danh tiếng như ông.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là một nhà khoa học trưởng thành nhờ vào quá trình tự học, bởi thế ông rất đề cao tinh thần tự học và coi đó là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của người làm nghiên cứu, làm thầy. Coi trọng tinh thần tự học đi đôi với coi trọng sự sáng tạo. Tự học phải sáng tạo và sáng tạo nhờ tự học. Với quan điểm này, Nguyễn Cảnh Toàn đã có những đóng góp nhất định cho khoa học, thể hiện trên hai lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là Toán học và Giáo dục học. Trong đó, những nghiên cứu toán học chủ yếu hình thành trước năm 1990, còn sau 1990, ông dành nhiều mối quan tâm hơn đối với giáo dục học.
Trong những năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã có những đóng góp nhất định trong việc tổ chức và quản lý giáo dục. Với cương vị Hiệu trưởng, ông đã góp phần xây dựng và đào tạo cán bộ chuyên môn, mở ra các khóa đào tạo, các ngành đào tạo mới, góp phần hoàn thiện cơ cấu giảng dạy, đào tạo của nhà trường. Đặc biệt là việc tạo dựng cơ sở, đi tiên phong trong vấn đề đào tạo phó tiến sĩ ở trong nước. Trên cương vị Thứ trưởng, ông đã đề xuất và xây dựng phương pháp giáo dục từ xa để đào tạo cán bộ ngành sư phạm; phát động các phong trào tự học, tự nghiên cứu trong nhà trường đại học để kích thích khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên và cán bộ trẻ.
Như GS.TS Lê Quang Long từng tâm sự: “Có hai điểm mà tôi học được anh Nguyễn Cảnh Toàn. Anh Toàn là tấm gương tuyệt vời về chuyện tự học. Chính tấm gương của anh Toàn và sự động viên của anh Toàn đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi theo con đường mà anh đã đi: tự học, tự làm. Tất nhiên là con đường công danh của tôi thua hẳn anh, nhưng về học vấn thì tôi thấy tấm gương anh Toàn đã tạo cho mình sự dũng cảm và sự quyết tâm vươn lên trong khoa học”[4].
Trong nghiên cứu toán học, GS Nguyễn Cảnh Toàn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hình học. Trong đó, có hai vấn đề mà ông quan tâm nhất và có nhiều đóng góp là hình học xạ ảnh và hình học siêu phi Ơclit. Những năm 1960, ông đã nghiên cứu và giảng dạy về hình học xạ ảnh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học khác. Lúc đó, thầy giảng dạy về hình học ở miền Bắc không nhiều, ngoài GS Nguyễn Thúc Hào giảng dạy về hình học vi phân thì GS Nguyễn Cảnh Toàn giảng dạy về hình học xạ ảnh. Năm 1979, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành cuốn sách “Hình học xạ ảnh” của ông để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Tiếp đó, Nguyễn Cảnh Toàn nghiên cứu một lĩnh vực mới – hình học siêu phi Ơclit. Công trình nghiên cứu của ông về hình học siêu phi Ơclit được đăng trên tạp chí Toán học quốc tế, năm 1988. Đến nay, vấn đề nghiên cứu này của Nguyễn Cảnh Toàn vẫn còn nhiều tranh cãi. Ở Việt Nam, hình học siêu phi Ơclit là lĩnh vực vẫn còn xa lạ nên không có nhiều tìm hiểu, đi sâu. Dù chưa được phổ biến và công nhận rộng rãi, nhưng có thể coi đó là một đóng góp trong nghiên cứu toán học của GS Nguyễn Cảnh Toàn vì nó đã đặt ra nhiều vấn đề cho giới khoa học trao đổi, tranh luận.
Trong Giáo dục học, những đóng góp của GS Nguyễn Cảnh Toàn được đánh giá cao. Đề cao tinh thần tự học, xây dựng cơ sở khoa học để khuyến khích phát triển tinh thần tự học ở mỗi người là đóng góp tâm đắc nhất của GS Nguyễn Cảnh Toàn trong giáo dục học. Không dừng lại ở khuyến khích tinh thần tự học, ông còn nâng tinh thần tự học lên thành di sản, thành nhân tố quan trọng trong xây dựng và phát triển giáo dục. Ông luôn ví tự học như niêu cơm Thạch Sanh, sử dụng không bao giờ hết. Ông cũng là người tiên phong đề cao khẩu hiệu “Tự học, tự nghiên cứu” và bản thân ông chính là một tấm gương tự học với hai lần tự nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và luận án Tiến sĩ Toán học ở Liên Xô. Việc đề cao tinh thần tự học gắn liền với việc tư duy mới về vai trò của người thầy giáo. Theo ông, một người thầy giáo giỏi là người biết khuyến khích học trò tự học, biết cách tư duy để tự đi tìm những kiến thức mới cho mình chứ không phải nói lại những kiến thức đã có sẵn cho học trò.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh, muốn tự học phải biết cách học, có phương pháp tốt. Tự học suốt đời nhưng tự học cũng phải “học mọi người, học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi nội dung và học mọi cách”. Chỉ có như vậy mới có thể tự học được. Đồng thời, tự học là luôn tự đặt ra các câu hỏi cho chính bản thân. Không giải thích được các thắc mắc của mình thì phải hỏi, phải tìm tư liệu và tìm cách để giải thích được vấn đề. Có như vậy mới có sáng tạo.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là người đi tiên phong, mở đường cho việc đào tạo phó tiến sĩ trong nước. Từ giữa những năm 1960, ông đã có những ý tưởng về việc cần đào tạo sau đại học trong nước. Lúc đó, hệ thống giáo dục của ta mới chỉ đào tạo đến đại học là cao nhất, còn sau đại học đều gửi đi Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Năm 1967, Nguyễn Cảnh Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã tích cực đề cao và đẩy mạnh việc đào tạo sau đại học trong trường, tạo tiền đề đào tạo phó tiến sĩ bảo vệ trong nước. Bên cạnh mở rộng đào tạo, ông cũng khuyến khích các học trò đi sâu nghiên cứu khoa học, đưa các báo cáo khoa học ra nước ngoài để tranh thủ kênh đánh giá này, qua đó có thể xem xét có đủ tiêu chuẩn bảo vệ luận án phó tiến sĩ không? Tập hợp những đánh giá từ các nhà khoa học nước ngoài, chủ yếu ở Liên Xô về chất lượng các công trình, chính là cơ sở để ông chuẩn bị cho việc xin phép đào tạo phó tiến sĩ trong nước.
Tháng 4-1970, thấy đã hội tụ đủ điều kiện, Nguyễn Cảnh Toàn xin phép các Bộ liên quan cho phép tổ chức bảo vệ phó tiến sĩ trong nước. Những nghiên cứu sinh đầu tiên ấy đều thuộc lĩnh vực sinh học, đó là Phan Cự Nhân, Phan Nguyên Hồng và Lê Quang Long. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các buổi bảo vệ vẫn diễn ra và ba nghiên cứu sinh đầu tiên đều được Hội đồng chấm luận án công nhận là những phó tiến sĩ, sau này họ đều trở thành những nhà khoa học đầu ngành. Nhắc lại sự kiện này, GS Lê Quang Long chia sẻ: “Lúc bảo vệ luận án Phó tiến sĩ trong nước thì anh Toàn là người động viên tôi làm, trong lúc đó những người bảo vệ trong nước đầu tiên đều không có người hướng dẫn, không có trang bị, không có sách vở, hoàn toàn do anh Toàn chủ trương và khuyến khích. Chúng tôi khi nghĩ đến anh Toàn là nghĩ tới người đã tạo điều kiện cho mình vươn lên. Sáng hôm sau buổi bảo vệ luận án,bắt đầu lúc 8 giờ, mà tối hôm trước có người lên gặp anh Toàn đề nghị anh đừng cho tôi bảo vệ. Anh Toàn cương quyết giữ lập trường của mình, lãnh đạo công bằng, động viên tôi cứ bảo vệ. Anh sợ tôi nghe được tin này mất tinh thần, hôm sau không bảo vệ được nên đang đêm khuya anh đến tận nhà tôi nói rằng ủng hộ tôi làm. Sáng hôm sau mặc dù rất run nhưng dũng khí mà anh Toàn cho tôi đã giúp tôi bảo vệ luận án. Sở dĩ tôi làm được vì cũng nhớ lời anh Toàn, không phụ lòng anh”[5].
Cho đến những năm cuối đời, khi hai mắt đã lòa, sức đã yếu, GS Nguyễn Cảnh Toàn vẫn còn nguyên đó những tâm huyết với nền giáo dục. Với ông, sự nghiệp trồng người đã ăn sâu vào huyết quản. Bởi vậy, ông vẫn luôn trăn trở: “Chúng ta quan niệm sai về học hàm học vị, lại mang cái tật ưu chuộng bằng cấp nên nhiều khi một người làm quản lý cũng muốn cố cho được cái bằng cấp, học hàm học vị mà nhiều khi chẳng liên quan gì đến công việc. Đội ngũ quản lý giáo dục cũng hạn chế, nhiều kẻ cơ hội xâm nhập và làm ảnh hưởng đến nền giáo dục, phá hoại nền giáo dục. Trong khi đó, việc mở rộng đào tạo đại học không đảm bảo chất lượng, không có cơ chế đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo cũng gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho nền giáo dục. Khoa học quản lý giáo dục lại không phát triển”[6].
Dư âm còn mãi
Từ khi còn là một học sinh trung học, tôi đã nghe danh của GS Nguyễn Cảnh Toàn thông qua những câu chuyện kể của cô giáo về những tấm gương tự học. Lúc ấy, tôi chẳng dám nghĩ một ngày kia sẽ được gặp GS Nguyễn Cảnh Toàn. Nhưng rồi, năm 2009, khi tham gia công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản của các nhà khoa học, tôi đã được trực tiếp gặp ông. Vị giáo sư danh tiếng khi ấy đã ở tuổi xưa nay hiếm, tóc bạc phơ, cử chỉ không còn được nhanh nhẹn như xưa, nhưng vẫn còn đau đáu sự tâm huyết với giáo dục, với sự nghiệp trồng người. Cái bắt tay tình cảm với một nhà bác học nổi tiếng như ông đến nay khiến tôi khó lòng quên được.
Ảnh hưởng của GS Nguyễn Cảnh Toàn là rất lớn, mà như PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam từng chia sẻ: “Khuôn mặt GS Nguyễn Cảnh Toàn từ lâu đã quen thuộc với tôi, dù tôi chưa được tiếp xúc với ông, bởi tôi đã nhiều lần ngắm nhìn bộ ảnh bố tôi – ông Nguyễn Văn Huyên, đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm giáo dục ở Liên Xô những năm 1970 để chuẩn bị cho cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba mà GS Nguyễn Cảnh Toàn là một thành viên trong đoàn. Về sau này tôi luôn thích thú mỗi khi được đọc những bài viết của ông về chủ đề tự học đăng trên nhiều tờ báo khác nhau và ở những thời kỳ khác nhau. Đó là những chỉ dẫn và định hướng vô cùng quý báu cho những lớp thanh niên, trong đó có bản thân tôi, muốn dấn thân vào con đường khoa học”[7].
Quả thực, đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Cảnh Toàn là một “người bạn tận tình”. Không tận tình sao được, khi ông đã trao toàn bộ di sản cả một đời hoạt động khoa học, quản lý giáo dục cho Trung tâm. Hơn thế nữa, ông cũng vận động để ba người em trai của ông – cũng đều là những nhà khoa học có tiếng trao tặng di cảo của họ cho Trung tâm. Ngược dòng thời gian trở về trước, từ những ngày ra mắt tại Văn miếu Quốc tử giám, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã ngay lập tức ủng hộ hoạt động của Trung tâm. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn cùng chúng tôi tỉ mỉ soạn, phân loại từng bức ảnh, từng bản thảo, bức thư… liên quan đến cuộc đời của mình để trao tặng Trung tâm lưu giữ.
Trên cương vị một nhà khoa học, một nhà quản lý, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã thấy được tầm quan trọng của việc lưu trữ tài liệu liên quan đến các danh nhân, nhà khoa học. Ông sớm có ý tưởng về việc thành lập một trung tâm lưu trữ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Và trên thực tế, trung tâm ấy cũng đã được thành lập, nhưng ông lại quyết định đặt niềm tin và gửi gắm toàn bộ “tài sản” của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã từng nói: “Việc lưu trữ các tài liệu cá nhân là một việc rất quan trọng. Tôi đã nghĩ đến việc này từ sớm nên thành lập ra Trung tâm Tiểu sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Rất tiếc là Trung tâm này đã không phát huy được hiệu quả. Chúng ta chưa có ý thức cao về lưu trữ tài liệu cá nhân, cần tìm ra giải pháp nào đó để nhiều người hiểu rõ ý nghĩa của các bộ sưu tập cá nhân. Việc làm của các bạn (tức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) hiện nay là một việc làm hết sức có ý nghĩa, cần nhanh chóng nhân rộng hơn nữa”[8].
Cuối năm 2014, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật của của bốn anh em dòng họ Nguyễn Cảnh. Trong gần 3000 tài liệu, hiện vật của GS Nguyễn Cảnh Toàn, bao gồm những giấy tờ cá nhân, những bản thảo về nghiên cứu toán học, bản thảo luận án, bản thảo các bài viết đã đăng trên các báo và tạp chí, là những bức thư GS Nguyễn Cảnh Toàn trao đổi với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, kiến nghị … Khối tài liệu, hiện vật của GS Nguyễn Cảnh Toàn phản ánh một phần di sản của nền khoa học đất nước, phản ánh những chặng đường của nền giáo dục nước nhà. Tất cả, với Trung tâm và cả đối với đất nước, đều vô giá.
Được tin GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn rời cõi tạm, cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đều lặng đi, vì chúng tôi đã mất đi một nhà khoa học, mất đi một người “đồng hành” thân tình, hết lòng ủng hộ Trung tâm. Tôi bần thần trước những tài liệu, hiện vật của GS Nguyễn Cảnh Toàn trong kho lưu trữ, bảo quản của Trung tâm mà lòng bâng khuâng, nhung nhớ…!
Nguyễn Thanh Hóa
________________________
[1] Phỏng vấn GS Nguyễn Cảnh Toàn, 6-5-2009, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.