Thương nhớ nhà địa chất Bùi Phú Mỹ

Một buổi sáng tháng 5-2019, chúng tôi được gặp ông và trò chuyện tới quá trưa. Biết các bạn trẻ lặn lội từ ngoài Bắc vào, ông đã quên đi sự mệt nhọc của tuổi già, hào hứng kể lại chuyện cuộc đời mình, làm chúng tôi cũng như được theo chân ông trong những hành trình địa chất.

Nhà địa chất Bùi Phú Mỹ sinh năm 1930 tại Quảng Ngãi. Ấy là tên trên giấy khai sinh, ông vẫn thanh minh như vậy và khẳng định mình sinh năm Ất Sửu, 1925. Ông còn có tên khác là Bùi Thiện Chân, vốn mang nhiều ý nghĩa đẹp mà cha mẹ đã đặt cho từ lúc mới chào đời. Những năm tháng tuổi trẻ, ông từng tham gia thanh niên xung phong, dùng xe thổ chở lương thực cho bộ đội ở Tây Nguyên. Sau khi miền Bắc giải phóng (1954), ông tập kết ra Bắc và được cử tham gia lớp sơ cấp Địa chất. Sau lớp học đó, ông được giữ lại làm việc tại phòng Kế hoạch – Kỹ thuật của Sở Địa chất. Cuối năm 1955, ông giúp việc cho chuyên gia Liên Xô trong công tác thăm dò thiếc ở Tĩnh Túc, Cao Bằng, rồi thăm dò boxit và mangan ở miền Bắc, sắt ở Thái Nguyên. Ông chia sẻ: “Họ bố trí cho tôi làm việc theo dõi các công trình tìm kiếm thiếc do chuyên gia Liên Xô tổ chức, thông qua bà phiên dịch Nga-Pháp. Nhưng qua 6 tháng tôi giao thiệp được bằng tiếng Nga”.

Nhà địa chất Bùi Phú Mỹ

Hoàn cảnh đã đưa Bùi Phú Mỹ đến với địa chất và trở thành một trong những cán bộ làm địa chất đầu tiên sau năm 1954. Ông kể: “Từ năm 1958 thì tôi vác búa theo thầy GS Xemotariov. Ông ấy lên Lạng Sơn, rồi đi dần lên Cao Bằng. Tôi theo ông ấy, hai thầy trò phát hiện được boxit ở Cao Bằng, là điểm mới, còn ở Lạng Sơn thì Pháp biết rồi. Tôi và ông ấy viết bài báo đăng ở Moskva”.

Ký ức về những lần khảo sát khắp các dòng sông, con suối là tài sản quý giá chẳng bao giờ mất đi đối với nhà địa chất Bùi Phú Mỹ. Ông từng chia sẻ: “Phải nói rằng cực lắm vì mình chẳng được học hành bài bản. Ông Xemotariov thấy miếng đá có đường vân xiên chéo thì gọi: Mỹ, mày biết miếng đá này thế nào, cái vằn vằn là cái gì. Mình học hành thế đâu có biết. Biết thì để xuống, không biết thì vác lên. Ôi trời ơi, vác lên, đi theo bờ sông, mỏi quá không chịu được”.

Năm 1959, Bùi Phú Mỹ là thành viên của Đoàn 20, tham gia lập Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000 với tư cách là Kỹ thuật trưởng Đội Tây Bắc, phụ trách đo vẽ vùng Tây Bắc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS Dovjikov. Bùi Phú Mỹ là một trong những tác giả của Việt Nam được ghi tên trong Bản đồ Địa chất này. Ông cho biết: “Thời kỳ Tây bắc, ông Dovjikov là trưởng đoàn chung. Ông ấy nói với tôi rằng: Tây Bắc thì rất khó nhưng rất hay cho nên tao với mày mới chỉ cày vỡ thôi. Mày thích đi với tao, đi các đội để nắm tình hình chung nhưng cuộc đời của mày, con mày, cháu mày, cháu thứ tư của mày chỉ làm địa chất Tây Bắc cũng chưa xong. Cho nên đừng có đi theo tao làm gì. Thằng nào cũng thích miền Bắc Việt Nam, mày cứ ôm Tây Bắc này thôi. Đây là lời dạy ảnh hưởng đến tôi vô cùng”.

Từ năm 1965, Bùi Phú Mỹ và một số đồng nghiệp trong Đoàn 20 được giao đo vẽ bản đồ địa chất Lào Cai-Kim Bình tỉ lệ 1/200.000. Với vai trò chủ biên, ông đã có những đóng góp quan trọng như phát hiện vi thực vật Neoproterozoi-Cambri sớm trong đá vôi Mường Vi mà trước đó xếp nhầm vào Trias; phát hiện vi thực vật Cambri sớm trong tầng chứa phosphorit Cam Đường; phát hiện Bo ba thùy Cambri muộn trong đá vôi Pha Long mà trước đó xếp vào Cambri hạ. Ngoài ra, ông còn phát hiện một vỉa apatit dày khoảng 3m trên chiều dài khoảng 20km, từ Bát Xát đến Tùng Sáng. Sau khi hiệu đính và lắp ghép chung với các tờ khác ở Tây Bắc bộ, năm 1978, tờ bản đồ địa chất Lào Cai-Kim Bình đã được Tổng cục Địa chất xuất bản.

Đất nước thống nhất, ông tham gia vào việc đo vẽ bản đồ địa chất tỉ lệ 1/500.000 ở miền Nam và góp phần phát hiện sự có mặt của trầm tích Trias mà trước đó người Pháp không tìm thấy; lập ra các hệ tầng mới, như các hệ tầng sông Sài Gòn tuổi Trias sớm, Châu Thới tuổi Trias giữa, Hòn Nghệ tuổi Trias giữa. Ông cũng góp phần phát hiện ra đá vôi – một loại nguyên liệu quan trọng ở miền Nam Việt Nam, ở các vùng Chà Và, Suối Ngô và Nậm Pen ở tỉnh Tây Ninh.

Từ năm 1984, ông chuyển hẳn vào làm việc tại phòng Kỹ thuật Liên đoàn Địa chất 6, theo dõi công việc đo vẽ bản đồ địa chất tỉ lệ 1/200.000 các nhóm tờ ở miền Nam. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu địa tầng các trầm tích Jura màu đỏ lục địa ở miền Nam Việt Nam, đã tham gia thành lập các hệ tầng Bình sơn tuổi Jura sớm-giữa, các hệ tầng Ea Súp và Chiu Riu tuổi Jura giữa. Sau khi nghỉ hưu, ông quan tâm đến tuổi của các trầm tích phân bố trên các quần đảo trong vịnh Thái Lan.

Cả cuộc đời hoạt động địa chất, Bùi Phú Mỹ chẳng có học hàm, học vị nhưng nhắc đến lịch sử ngành Địa chất thì không thể không nói đến cái tên Bùi Phú Mỹ. Và cứ nhắc đến Bùi Phú Mỹ là những thế hệ nhà khoa học thế hệ sau đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ vì tinh thần, thái độ làm việc không biết mệt mỏi, đức hi sinh, nhân cách sáng ngời cùng những đóng góp quan trọng.