Thương nhớ PGS. Hoàng Văn Lân

Phó Giáo sư Hoàng Văn Lân sinh ngày 6 tháng 4 năm 1933, tại làng khoa bảng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình trí thức Nho học, một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở xứ Nghệ. Từ nhỏ, ông được gia đình cho theo học chữ Hán, sau đó, theo học chương trình giáo dục Pháp – Việt. Cách mạng tháng Tám thành công, nền giáo dục cách mạng ra đời, ông được gia đình tiếp tục cho theo học chương trình giáo dục mới ngay tại vùng hậu phương Thanh – Nghệ. Ngay từ những lớp học, cấp học đầu tiên, Hoàng Văn Lân đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, được các thầy và bè bạn tin yêu, cảm phục. Năm 1957, ông tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ hạng cao nhất trong đánh giá bằng cử nhân lúc bấy giờ).

Sau khi tốt nghiệp, thầy Hoàng Văn Lân cùng thầy Hà Văn Tấn vinh dự được các giáo sư nổi tiếng lúc bấy giờ giới thiệu ở lại làm cán bộ giảng dạy của khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với năng lực sẵn có, thầy giáo trẻ Hoàng Văn Lân lại có may mắn được GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu và một số nhà khoa học nổi tiếng của Liên Xô và Trung Quốc như: GS.TS Khảo cổ học P.I Bôrixkovxki, PGS. Dân tộc học E.P Buxưghin, Bà Elixeva, PGS. Đới Giật, v.v… quan tâm, giúp đỡ, ông sớm khẳng định được tài năng của mình trong từng giờ dạy trên giảng đường và cả trong những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên. Vừa giảng dạy, nghiên cứu, thầy vừa say sưa, miệt mài học thêm tiếng Pháp, tiếng Hán, nhờ đó, tuy tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, nhưng bạn bè đồng nghiệp, đồng khoa như: GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Huy Lê, GS. Đinh Xuân Lâm(1), v.v… và sinh viên khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ hết sức kính nể.

Năm 1959,  trường Đại học Sư phạm Vinh được thành lập, để đào tạo nguồn lực giáo viên cung cấp cho ngành giáo dục, nhất là đội ngũ giáo viên cấp 3 thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, v.v… Theo sự phân công của Bộ Giáo dục, năm 1960, thầy Hoàng Văn Lân về công tác tại trường Đại học Sư phạm Vinh với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và chuẩn bị cho sự ra đời của khoa Lịch sử ở trường Đại học Sư phạm Vinh(2). Ngoài việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Việt Nam cổ trung đại, thầy Hoàng Văn Lân còn say sưa nghiên cứu triết học, lôgic học, văn học Việt Nam thời trung đại, v.v… hay lịch sử các địa phương ở xứ Nghệ. Tiếc rằng, vì những lý do khác nhau, một số bản thảo các công trình nghiên cứu triết học, logic học mà thầy bỏ nhiều công sức, tâm huyết, viết đi, sửa nhiều lần trong khoảng thời gian (1960 – 1985) đã không có điều kiện được phát hành và đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Là người có uy tín về khoa học lịch sử, ngay từ những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, thầy Hoàng Văn Lân đã được mời tham gia biên soạn Giáo trình Lịch sử Việt Nam cận đại, để phục vụ việc giảng dạy cho sinh viên ngành Lịch sử ở các trường đại học hay nghiên cứu lịch sử dân tộc, như: Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập III (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1963); Lịch sử Việt Nam (1858 – cuối thế kỷ XIX), quyển III – Tập I – Phần I (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1974); Lịch sử Việt Nam (1858 – cuối thế kỷ XIX), quyển III – Tập I – Phần II (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1974).

Hơn nửa thế kỷ giảng dạy, nghiên cứu lịch sử, thầy Hoàng Văn Lân viết nhiều bài tham luận có giá trị cao về khoa học, tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia được các nhà sử học trong và ngoài nước đánh giá cao. Các bài viết của thầy đăng trên: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử; Tạp chí Huế Xưa & Nay; Tạp chí Khoa học công nghệ và Môi trường Nghệ An; Thông báo khoa học của trường Đại học Vinh; trường Đại học Sư phạm Hà Nội I; Vấn đề nghiên cứu Nho giáo trong giai đoạn lịch sử mới; Cơ sở xã hội quy định tính chất tập quyền chuyên chế của nhà nước phong kiến Đại Việt trong thế kỷ XV; Chuyển biến của xã hội Việt Nam: Từ làn sóng văn minh nông nghiệp sang làn sóng văn minh công nghiệp nửa đầu thế kỷ XX; Một số vấn đề về con đường Đông Du của Phan Bội Châu; Sự thâm nhập của tập đoàn dầu mỏ Mỹ RockeFeller vào Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; Những chính sách xã hội của chúa Trịnh đối với Hoa Kiều; Thi Hương dưới thời nhà Nguyễn; Vấn đề xác định năm ra đời của thành phố Vinh hiện nay; Thêm một số ý kiến về nội dung, tính chất và đặc điểm của khởi nghĩa Giáp Tuất (1874)(3), v.v… thực sự là những công trình nghiên cứu công phu, có giá trị cao về khoa học, được bạn đọc gần xa nhất là các nhà sử học đánh giá cao.

Các thế hệ sinh viên đại học, học viên cao học chuyên ngành lịch sử từng được học với thầy đều có ấn tượng sâu đậm về một người thầy có phương pháp truyền thụ khoa học chặt chẽ, mang tính hệ thống, vừa có sức hấp dẫn, lôi cuốn người nghe bởi khối lượng tri thức đa dạng, phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, cách phân tích, tiếp cận vấn đề sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong cuộc sống đời thường, hơn nửa thế kỷ đứng trên giảng đường đại học, thầy Hoàng Văn Lân đặc biệt quan tâm đến các vấn đề chuyên môn mà anh chị em sinh viên hay học viên cao học, nghiên cứu sinh, bạn bè đồng nghiệp thắc mắc, trao đổi. Thầy luôn tìm cách khơi gợi tinh thần sáng tạo, khả năng tư duy, nghiên cứu độc lập hay cách làm việc theo nhóm của học trò. Thầy luôn tôn trọng cách hiểu, cách lý giải vấn đề của  người học, tìm cách khuyến khích, động viên học trò vượt qua rào cản nhận thức cũng như những khó khăn của cuộc sống để đạt được ước mơ của mình.

Trong suốt 20 năm (1968 – 1988), trên cương vị là Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, thầy Hoàng Văn Lân đã có công rất lớn trong việc xây dựng tổ bộ môn và khoa Lịch sử. Tính đến nay (năm 2014), có tới 38 cán bộ giảng dạy đã và đang công tác tại tổ bộ môn. Trong đó có 05 cán bộ đã được nhà nước vinh danh học hàm phó giáo sư, 08 cán bộ đạt học vị tiến sĩ, nhiều người được công nhận là giảng viên chính. Hiện tại tổ có 09 cán bộ giảng dạy, trong đó có: 03 PGS, 05 cán bộ có học vị tiến sĩ, 01 NCS tiến sĩ. Công đầu trong sự phát triển ấy thuộc về thầy Hoàng Văn Lân(4).

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, năm 1992, thầy Hoàng Văn Lân được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư Sử học. Từ năm 1993 đến trước khi đi xa (2014), PGS. Hoàng Văn Lân có nhiều đóng góp trong việc mở mã ngành, đào tạo thạc sĩ chuyên ngành lịch sử Việt Nam từ khóa I đến khóa XVIII tại Đại học Vinh. Ông trực tiếp biên soạn, giảng dạy một số chuyên đề trong chương trình đào tạo thạc sĩ sử học và hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Nhằm đào tạo đội ngũ kế cận, PGS. Hoàng Văn Lân giới thiệu những học trò xuất sắc ra Viện Sử học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn quốc gia Hà Nội để làm NCS tiến sĩ. PGS. Hoàng Văn Lân đặc biệt quan tâm tới việc hợp tác với các nhà sử học hàng đầu của cả nước để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo học viên cao học.

Từ năm 2010 cho đến những ngày cuối đời, mặc dù bệnh tật hành hạ nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của PGS. Hoàng Văn Lân vẫn không hề suy giảm. Ngày 16 tháng 4 năm 2014 (tức ngày 17/ 3/ 2014 ÂL), Phó Giáo sư Sử học Hoàng Văn Lân ra đi vĩnh viễn ra đi để lại muôn nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của thầy đang công tác khắp mọi miền đất nước. PGS. Hoàng Văn Lân không còn nữa, nhưng những công trình nghiên cứu mà ông để lại vẫn còn mãi với thời gian.

Nguyễn Quang Hồng
Nguồn: ngheandost.gov.vn

(1). PGS. Hoàng Văn Lân là một trong số những sinh viên đầu tiên được Hội đồng khoa học nhà trường cho điểm luận văn tốt nghiệp tối đa. GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Huy Lê, GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Hoàng Xuân Chinh, GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Nguyễn Đức Nghinh, GS. Nguyễn Ngọc Cơ, GS. Phạm Đức Dương, GS. Nguyễn Đình Chú, v.v… luôn dành cho PGS. Hoàng Văn Lân sự tôn kính đặc biệt.

(2). Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là trường Đại học Vinh) thành lập năm 1959, nhưng đến năm 1968 khoa Lịch sử mới được thành lập. PGS. Hoàng Văn Lân là một trong những thầy giáo có công lớn trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của khoa.

(3). Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập khoa Lịch sử (1968 – 2013), khoa Lịch sử và một số học trò cũ của Thầy đã tập hợp một số bài viết của PGS. Hoàng Văn Lân, xuất bản thành sách: “Hoàng Văn Lân với Sử học”, làm món quà tặng thầy, nhân dịp Thầy 80 tuổi.

(4). Chúng tôi sử dụng một số tư liệu của PGS. Nguyễn Trọng Văn, trong lời giới thiệu cuốn sách: “Hoàng Văn Lân với Sử học”.