Sau rằm tháng Chạp (tức ngày 10-1-1982), ông Nguyễn Văn Hàm – cán bộ khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và vợ – cô Nguyễn Thị Hạt (cán bộ Ngân hàng Nhà nước) lại tất bật chuẩn bị đồ đạc, bánh kẹo về quê Bắc Giang ăn Tết. Trong thời kỳ bao cấp ấy, mọi thứ đều phân phối theo tem phiếu. Và “đặc sản” của thời này là đâu đâu cũng thấy rồng rắn người “xếp hàng”, từ cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, chất đốt, hàng tiêu dùng cho đến các quán ăn, bến xe… Có hai món quà tết năm nào ông cũng cố gắng có để mang về quê là món bánh quy gai và hộp mứt tết. Hộp mứt để thờ tổ tiên, còn món bánh quy thì để tiếp khách. Theo PGS Nguyễn Văn Hàm: Cả năm công tác ở Thủ đô, cuối năm về quê ăn Tết phải mang quà về để có chút hương vị Hà Nội. Thời đó, mấy nhà ở quê có gói mứt để trên bàn thờ. Gói mứt vuông, in hình cành đào, thấm đượm hương vị tết. Họ hàng đến chúc tết thấy có gói mứt là biết nhà có người ở Hà Nội về[1]. Ngày nay hàng hóa ê chề nên ít người hình dung được cảnh thời đó hàng người dài kiên trì đứng đợi để mua được món quà tết theo ý muốn “tưởng chừng đơn giản mà xa xỉ ấy”.
PGS Nguyễn Văn Hàm và vợ Nguyễn Thị Hạt cùng các con, Hà Nội, 1980
Khó có thể quên sự “công phu” để có được món bánh quy gai thời đó. Ông Nguyễn Văn Hàm phải dậy sớm, mang theo hai cân bột mì, độ nửa cân đường và chục quả trứng mua ở cửa hàng mậu dịch từ mấy hôm trước, rồi đạp xe đến một cửa hàng trên phố Huế. Dù sớm tinh mơ nhưng đã có mấy chục người đứng xếp dài trước cửa hàng làm bánh. Ông gửi nhờ xe đạp bên quán nước rồi nhanh chân vào xếp hàng. Gần trưa, ông mới tới lượt được làm bánh quy với phí 5 đồng tiền công. Người thợ cho bột nhào với đường, trứng gà, nước, bột nở theo tỉ lệ nhất định rồi đưa vào máy ép tạo hình bánh quy gai. Chiếc máy ép được chế tạo thủ công, cũng có thợ làm bánh tự chế tạo. Bột đã nhào kỹ được đưa vào cái phễu to –một bộ phận trên máy. Khi xoay vô lăng thì bột sẽ bị máy ép xuống theo khuôn, tạo hình bánh có gai ở hai bên cạnh như lưng con kỳ nhông. Bánh được xếp đều đặn vào các khay kim loại hình chữ nhật đã phủ lớp bột mỳ mỏng để chống dính. Mỗi khay có thể chứa khoảng chục dãy bánh, rồi bánh được sắt đều, chừng 8cm/ 1 chiếc, trước khi đưa vào lò nướng. Phải là người thợ có kinh nghiệm liên tục xoay khay để bánh khỏi bị cháy. Bánh ra lò vàng đều, thơm lừng – PGS Hàm nhớ lại. Cầm túi bánh quy thơm phức trên tay, lòng ông vui và hạnh phúc bởi đã có quà tết mang về quê. Ba con nhỏ Nguyễn Thanh Huyền (10 tuổi), Nguyễn Thu Hoài (9 tuổi) và Nguyễn Quang Hưng (5 tuổi) cũng đang háo hức chờ đợi bố về để được ăn một chiếc bánh nhỏ, thế là hạnh phúc lắm. Ông lấy mấy túi nilon gói lại để bánh không ỉu trước khi cất vào hộc tủ quần áo.
Vất vả tiếp theo là việc vợ chồng ông phải gom số tem phiếu còn lại trong nhà để chia nhau đi mua hàng tết. Bà Hạt thì xuống cửa hàng mậu dịch ở phố Định Công để mua gạo, thịt, nước mắm. Còn ông thì ra cửa hàng trên phố Lò Đúc mua bánh kẹo. Đúng là ngày tết, mới tinh mơ sáng chủ nhật ngày 17-1-1982 (tức ngày 23-12 Âm lịch) mà ông thấy hàng người đã xếp dài dằng dặc chờ mua hàng. Có người tranh thủ đi mua sắm, xếp hàng chờ lâu quá nên đặt viên gạch, hoặc nón rách thế chỗ xếp hàng. Có trường hợp do vô tình viên gạch bị đá ra khỏi hàng. Thế là xảy ra tranh cãi. Những chuyện như thế diễn ra thường xuyên nên muốn mua được hàng phải kiên trì đứng xếp hàng chờ – PGS Nguyễn Văn Hàm kể lại.
Gần 4 tiếng chờ đợi, cuối cùng ông Hàm cũng tới lượt mua hàng, tiêu chuẩn theo tem phiếu gồm: hộp mứt Hà Nội, một bao thuốc lá, vài lạng chè, một ít kẹo… Không may khi đến lượt thì ông phải nhận hộp mứt đã biến dạng do hàng hóa xếp chồng lên nhau. Ông xin đổi thì mâu dịch viên liền bị mắng: Ngày tết có mua là tốt rồi, anh còn ý kiến gì nữa. Không lấy thì để lại. Những người xếp hàng sau cũng hùa theo: Anh này mua bán nhanh lên để còn người khác chứ. Lòng rất buồn nhưng ông ngậm ngùi ra về và tự an ủi: dù sao mua được hộp mứt cũng là may.
Quầy bán hàng Tết thời bao cấp, những năm 80
Chiều 21-1-1982, tức ngày 27 tháng Chạp, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hàm chở đồ đạc và các con nhỏ từ nhà ở khu Lạc Trung ra ga Hà Nội để bắt tàu về quê ăn Tết. Đồ đạc được ông sắp xếp cẩn thận trong chiếc túi xách, nhất là hộp mứt và gói bánh quy. Đám trẻ được về quê cùng bố mẹ thì rất háo hức. Tới ga Hà Nội, bà Hạt trông đồ đạc và ba đứa nhỏ để ông Hàm đi mua vé và gửi xe đạp ở khoang cuối tàu. Đến 16 giờ, ông cũng mua được vé tàu. Chờ đến nửa đêm vẫn chưa thấy tàu, ông Hàm sốt ruột vào hỏi nhân viên nhà ga thì chỉ nhận được thông báo là tàu gặp trục trặc, chưa về ga. PGS Hàm cho biết: Cả nhà phải ngồi vạ vật suốt đêm để chờ tàu về.
Đến 4 giờ sáng ngày 28 tháng Chạp, tàu mới về tới ga Hà Nội, mọi người lục tục xách đồ đạc lên tàu theo vị trí trên vé. Quãng đường Hà Nội về thị xã Bắc Giang chỉ khoảng 50 cây số nhưng tàu phải chạy mất 4 tiếng bởi đường xuống cấp mà không thể có điều kiện sửa chữa. Gia đình ông xuống tàu rồi lấy xe đạp đi về nhà ở làng Đa Mai[2], thị xã Bắc Giang. Căn nhà cũ ở quê hiện có mẹ – cụ Dương Thị Ả (1908-2000) và em trai Nguyễn Đức Hạnh (sinh 1949), cán bộ văn phòng Ủy ban thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Bày hộp mứt tết lên ban thờ, ông Hàm thắp hương cẩn cáo tổ tiên và bố – cụ Nguyễn Văn Khánh (qua đời từ năm 1966).
Mấy ngày cuối năm thật bận rộn, ông hết đi đụng lợn với bà con trong làng để lấy thịt gói giò xào, gói bánh chưng, lại dọn dẹp nhà cửa. Đám trẻ theo bà và mẹ đi chợ mua lá dong, đậu, rau… để chuẩn bị thức ăn cho ba ngày Tết. Trước khi gói bánh, mấy đứa đều muốn bố phải gói cho mình một chiếc bánh chưng nhỏ để ăn trong ngày Tết. Nhớ lại không khí lúc đó, PGS Nguyễn Văn Hàm xúc động: Dù cuộc sống thiếu thốn nhưng không khí Tết của gia đình rất vui và đầm ấm. Sau một tuần nghỉ lễ, chiều mùng 4 Tết, cả gia đình ông lại sắp xếp đồ đạc ra Hà Nội để bắt tay vào công việc năm mới.
Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua, đất nước giờ bỏ cơ chế bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường. Không còn cảnh người xếp hàng dài mua hàng với nỗi lo “mất chỗ”, cũng lùi xa những khó khăn, vất vả trên hành trình về quê nhà. Dù đã gần tuổi tuổi 80, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, PGS Nguyễn Văn Hàm lại bồi hồi nhớ lại câu chuyện Tết – ký ức một thời đã lùi xa.
Ngô Văn Hiển
________________________
* PGS Nguyễn Văn Hàm, chuyên ngành Lưu trữ học, nguyên Chủ nhiệm khoa Lưu trữ và quản trị văn phòng, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Văn Hàm, ngày 10-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Nay là xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang.