Thương tiếc GS.TS Lê Quang Long





GS.TS Lê Quang Long sinh ngày 29-3-1925 trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Trong 63 năm phục vụ trong ngành giáo dục, sự nghiệp của Thầy gắn với những nghiên cứu chuyên sâu về Sinh lý người và động vật, Sinh lý trẻ em, Sinh lý thực nghiệm, Sinh lý ứng dụng, Sinh lý thần kinh cấp cao, biên soạn từ điển về động thực vật. Trong số đó, có nhiều công trình nhận được giải thưởng Văn học nghệ thuật, Huy chương bạc về sách đẹp, sách hay, tiêu biểu như “Từ điển tranh về các loại củ quả”; “Từ điển tranh về các loại cây”; công trình nghiên cứu “Hoa cỏ đồng nội”. 

GS.TS Lê Quang Long đã giảng dạy và thỉnh giảng ở 37 trường đại học, cao đẳng trong nước và ngoài nước, tham gia đào tạo từ xa ở nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam. Thầy đã viết hơn 100 đầu sách, trong đó có hơn 50 đầu sách được Thầy viết sau khi đã nghỉ hưu. Cùng với các giáo trình đại học và chuyên đề sau đại học, Thầy biên soạn nhiều sách tham khảo. GS.TS Lê Quang Long cũng có nhiều công trình đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài. Trong thời gian công tác tại khoa Sinh học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy đã chủ trì nhiều đề tài khoa học góp phần thiết thực vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều thế hệ học trò của Giáo sư, từ phổ thông cho tới đại học, đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự, khoa học và giáo dục có nhiều đóng góp nổi bật như: GS Nguyễn Lân Dũng, GS Tống Duy Thanh, PGS Trần Xuân Nhĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, GS Phan Nguyên Hồng, GS Phạm Thị Trân Châu, GS Trần Kiên, GS Nguyễn Đình Giậu, PGS Lương Ngọc Toản, GS.TSKH Thái Trần Bái… 

 GS.TS Lê Quang Long (áo đen) xúc động nhận Giấy cảm ơn của lãnh đạo

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của Thầy, tháng 6-2014

Tháng 6-2014, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 5000 tài liệu của GS.TS Lê Quang Long chỉ sau hai tháng bắt đầu tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời Thầy. GS.TS Lê Quang Long xúc động bày tỏ suy nghĩ về hoạt động của Trung tâm: “Tôi là người may mắn đã đi công tác về giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc… nhưng chưa thấy nơi nào có một Trung tâm hoạt động khoa học có nhiều ý nghĩa và tổ chức tuyệt vời như Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Mừng nhất là Trung tâm tạo điều kiện cho tôi được đóng góp một phần nhỏ trong khối di sản đồ sộ của các nhà khoa học và để được sống mãi với non sông đất nước Việt Nam…”.

Vậy mà, Thầy ra đi nhanh quá…

Xin cầu chúc anh linh Thầy sẽ an nghỉ nơi vĩnh hằng!

Ban biên tập