Tiếc thương sự ra đi của GS Võ Quý sau gần 60 năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà, nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước, các tỉnh, thành phố đã thắp hương kính viếng tiễn đưa tại Nhà tang lễ Quốc gia. Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi vòng hoa viếng.
Những người đến tiễn đưa GS Võ Quý có thể ở danh nghĩa của cơ quan này, đoàn thể khác nhưng có lẽ, trong số đó, rất nhiều người từng là học trò của GS Võ Quý và được ông truyền cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Đúng 8h sáng, lễ viếng GS Võ Quý diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội
Từ một thầy giáo dạy cấp 2, rồi được điều lên dạy cấp 3 và đến năm 1956 chuyển lên dạy đại học, ở Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, qua quá trình vừa dạy học vừa tự học là chính, Thầy giáo Võ Quý đã trở thành một Giáo sư Sinh học hàng đầu, có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về các loài chim (điểu học).
Hôm nay, những học trò một thời gắn bó, được Nhà giáo nhân dân Võ Quý dìu dắt rồi thành công từ mọi miền đã thu xếp công việc riêng để kịp tiễn biệt người thầy lớn đầy bình dị về cõi vĩnh hằng.
Trong câu chuyện của những người ở lại về người đã ra đi, những cụm từ gần gũi, bình dị, khiêm nhường, tận tụy… được nhắc đến nhiều nhất. Có lẽ, bởi với mọi người, GS Võ Quý không chỉ là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh (một giải thưởng quốc tế được ví như giải Nobel về môi trường), không chỉ là một “cây đại thụ” trong ngành bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học có ảnh hưởng quốc tế mà trước hết, là một người thầy bình dị, người bạn chân tình, gần gũi, sẻ chia, sống chan hòa với hết thảy.
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Lê Vũ Khôi, Khoa Sinh học, ĐHKHTN – ĐHQGHN nghẹn ngào nói trong nhớ tiếc: “Có lẽ, về cống hiến khoa học to lớn của GS Võ Quý thì nhiều người đã nói nhưng tôi muốn nhấn mạnh công lao của giáo sư với giáo dục, đào tạo.
Tôi là một học trò của thầy Võ Quý. Sau đó, tôi lại ở lại trường, trở thành đồng nghiệp của thầy. Thầy Quý đã hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ thời kì đó như tôi đi vào con đường nghiên cứu khoa học và đặc biệt là truyền cho chúng tôi cảm hứng, đam mê khoa học bằng không chỉ những bài giảng hay, sâu sắc mà còn bởi chính nhiệt tâm và một cuộc đời sống trọn với đam mê khoa học của ông”.
Được sự chỉ dạy tận tâm và cảm hứng mạnh mẽ từ GS Võ Quý, GS.TS Lê Vũ Khôi đã quyết tâm đi theo con đường nghiên cứu động vật. “Tất cả những đoàn đến đây có thể mang danh nghĩa là cơ quan này, đơn vị khoa học khác nhưng tôi tin chắc, phần lớn mọi người đều là học trò của GS Võ Quý, không chỉ trên giảng đường mà còn trong ngành hoặc trong cuộc sống”, GS.TS Lê Vũ Khôi chia sẻ.
Những nén nhang kính tiễn nhà sinh học hàng đầu Việt Nam về cõi vĩnh hằng.
Đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và nhiều học trò tiễn đưa nhà khoa học, nhà giáo nhân dân Võ Quý.
Dù GS Võ Quý đã ra đi nhưng những công trình khoa học và hình ảnh của ông vẫn sẽ còn đó với thời gian và sống mãi trong trái tim biết bao lớp thế hệ học trò.
Qua gần nửa thế kỷ vừa tham gia công tác quản lý, lúc là trưởng phòng đào tạo, lúc gánh vác trọng trách chủ nhiệm khoa sinh học, lúc là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, công việc nào GS Võ Quý cũng làm việc hết mình nhưng vẫn dành tâm huyết cả đời cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ngoài việc tham giảng dạy đại học và hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp và sau này là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, và một số trường đại học khác ở trong nước, GS Võ Quý còn được mời giảng dạy ở các Trường Đại học nước ngoài như Đại học Wisconsin, Đại học Berkley (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Anh)…
Cũng là một học trò của Nhà giáo nhân dân Võ Quý, cô Trần Thị Lành không giấu nổi giọt nước mắt xúc động khi nhắc về người thầy của mình.
“Cô là học viên khóa 1, Khoa “Sinh thái học trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên” do GS Võ Quý sáng lập và giảng dạy. Đối với cô, GS Võ Quý không chỉ dừng lại ở một người thầy, một vị giáo sư cực kì tài năng mà là một người rất bình dị. Cô đi theo cụ trong khoảng 3 năm và thực sự khâm phục cụ. Cụ là tấm gương sáng không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học mà là một tấm gương sáng về một người thầy, một người bạn rất gần gũi, rất bình dị, rất khiêm tốn.
Những gì GS Võ Quý để lại cho cô và cho các học trò là những bài học chuyên ngành nhưng rất dễ hiểu, những kiến thức lắng đọng theo mãi trong sự nghiệp và cả cuộc sống”.
Hiện nay, nữ học trò ngày nào của GS Võ Quý đã tiếp bước ông… Công tác ở một trung tâm nghiên cứu sinh thái vùng cao có trụ sở ở Việt Nam và Lào, cô Lành rất tự hào vì cô vẫn đi vào rừng, vẫn bảo vệ đa dạng sinh học như thầy của mình.
Cô Lành kể, cách đây hơn 1 tuần, cơ quan của cô có in được một cuốn sách về tập đoàn giống cây con bản địa, cô mang bệnh viện gửi tặng người thầy của mình và nói với GS Võ Quý một điều “chúng con vẫn đi theo bước chân của thầy”.
“GS Võ Quý đã mở mắt, gật đầu và sau đó nhắm mắt lại. Sau 4 ngày thì giáo sư qua đời. Cô nghĩ rằng, tình cảm và giá trị tinh thần của GS Võ Quý sẽ mãi mãi trong trái tim của không chỉ cô, không chỉ các học viên khóa 1 mà tất cả các khóa tiếp theo. Cô tin, GS Võ Quý sẽ mỉm cười với tất cả sự nỗ lực, nối tiếp điểm sáng bảo vệ tài nguyên của các học trò biết bao thế hệ”, cô Trần Thị Lành bày tỏ.
Vị nữ học trò của GS Võ Quý còn chia sẻ thêm, cách đây 2 tuần, cô nhận được thư điện tử từ chị Elizkem (người Mỹ), một người bạn vô cùng thân thiết với GS Võ Quý. Trong thư, người phụ nữ Mỹ gửi kèm hai tệp (tiếng Anh và tiếng Việt) kể lại câu chuyện về những ngày vượt gian nan trong chuyến đi khảo sát rừng Tây Nguyên cùng GS Võ Quý. Chị Elizkem nhớ mãi không quên sự động viên, tài trí của GS Võ Quý và kỉ niệm chị đã nguyện Phật (theo cách Việt Nam) để cầu mọi sự bình an. Khi đã thoát hiểm, chị kể với GS Võ Quý “bí mật” đó và ông bật cười đắc chí.
Người phụ nữ Mỹ viết rằng “chị đã mất đi một người bạn tốt nhất trên cuộc đời này” và mong mỏi cô Lành giúp in các bức ảnh trước khi từ giã cõi trần của GS Võ Quý gửi sang Mỹ vì chị không thể sắp xếp công việc bay về Việt Nam được.
GS Lê Thạc Cán cũng trân trọng nhận xét: “Người thầy đó là tấm gương lớn cho thế hệ trẻ noi theo”.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh bày tỏ: “GS Võ Quý vĩnh biệt chúng ta là một điều rất đau buồn. GS Võ Quý là một nhà khoa học, nhà giáo nhân dân rất uy tín. Tôi cũng là một nhà khoa học từng được cộng tác với GS Võ Quý cho đến nay là 59 năm từ lúc ở Khoa Sinh rồi về Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam… Ở chương trình 52, 52D và chương trình nghiên cứu chất độc hóa học ở Tây Nguyên, GS Võ Quý chính là nhóm trưởng của nhóm chúng tôi để tiến hành chương trình. Chúng tôi đánh giá cao và ngưỡng mộ sự cống hiến, đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Võ Quý”.
TS Nguyễn Cử là một người có 10 năm “ăn, ngủ, làm việc” với GS Võ Quý tâm sự rằng: “GS Võ Quý vừa là đồng hương, người thầy, người sếp, người đồng nghiệp… của tôi. Một con người rất hiền, ít khi thấy cãi nhau nóng tính với ai. Thông minh, biết nhiều, trong phòng thí nghiệm không ai như GS Võ Quý, máy móc nào cũng làm được, và đặc biệt là cách sống gần gũi, chan hòa với anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Hiếm có lắm!”.
Bài: Lệ Thu
Ảnh: Hữu Nghị
Clip: Hà Trang