Chúng tôi bắt đầu làm việc với GS.TSKH Nguyễn Thế Bá từ năm 2011. Ông đã đến thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và bày tỏ sự tin tưởng, khâm phục với những hoạt động của chúng tôi. Qua nhiều buổi trò chuyện, chúng tôi nhận thấy trong ông là sự đam mê đến cháy bỏng với nền kiến trúc của Việt Nam, với những vấn đề phát triển và quy hoạch đô thị trong tương lai.
GS.TSKH Nguyễn Thế Bá sinh năm 1936 tại Thanh Chương, Nghệ An, một vùng đất có truyền thống cách mạng. Cha của ông là Nguyễn Thế Hòe, đã từng tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và bị bắt đi tù, đến thời kỳ Phong trào Bình dân mới được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương.
GS.NGND Nguyễn Thế Bá, 2012
Năm 1953, Nguyễn Thế Bá tham gia thanh niên xung phong và phục vụ các chiến dịch Thượng Lào, rồi Điện Biên Phủ. Nơi cuối cùng mà ông công tác là Đại đội 302. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông nằm trong danh sách được cử đi học ở nước ngoài. Năm 1955, ông sang Ba Lan và được học bổ túc văn hóa cũng như học đại học ở trường Đại học Politechwika Warszawska.
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc ở Ba Lan, kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá trở về nước làm việc. Ông được phân về làm kiến trúc quy hoach tại Viện Quy hoạch của Bộ Kiến trúc (Khi đó ông Bùi Quang Tạo là Bộ trưởng). Công tác được khoảng một năm thì Bộ Kiến trúc triệu tập và phân công ông kiêm nhiệm dạy học lớp kiến trúc sư của Bộ.
Có lẽ thời gian lăn lộn, gắn bó với sinh viên quá nhiều nên ông yêu nghề thầy giáo từ lúc nào không biết. Trong dòng máu của ông luôn thường trực hai vai trò: người thầy và người kiến trúc sư. Sau này, ông từng là Chủ nhiệm khoa Kiến trúc (12 năm), Chủ nhiệm khoa Sau đại học (10 năm) của trường Đại học Kiến trúc. Ông cũng có thời gian làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị – nông thôn, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.
Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu, GS.TSKH Nguyễn Thế Bá tập trung vào các vấn đề đô thị học, quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam. Ông cũng rất quan tâm và có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề đô thị hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở những nước đang phát triển. Vấn đề nhà ở và đơn vị ở đô thị hiện đại – xã hội học nhà ở, thiết kế đô thị và tổ chức không gian kiến trúc đô thị nông thôn cũng được ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu.
Có thể nói, GS.TSKH Nguyễn Thế Bá là một trong những người thuộc thế hệ đầu giảng dạy và xây dựng trường Đại học Kiến trúc. Sinh thời, ông luôn quan tâm, trăn trở với các vấn đề về kiến trúc, quy hoạch đô thị. Ông từng nhắn nhủ: “Tôi mong muốn các kiến trúc sư quy hoạch, công trình phải nghiên cứu kỹ hơn để kiến trúc Việt Nam thực sự có đặc trưng riêng và có đặc trưng riêng ấy thì ta mới có được giá trị về chất chứ không phải có nhà cao mấy trăm tầng là biểu hiện về mặt kỹ thuật chứ chưa phải biểu hiện về mặt tâm hồn của con người”.
Sự ra đi của GS.TSKH Nguyễn Thế Bá gây nên hụt hẫng lớn đối với giới kiến trúc sư ở Việt Nam và là sự thiệt thòi lớn đối với nền khoa học kiến trúc ở Việt Nam. Trong dòng người đến tiễn biệt ông, có rất nhiều thế hệ sinh viên của trường Đại học Kiến trúc, của những cơ quan, tổ chức mà ông từng cộng tác, làm việc. Nhìn ông lần cuối mà chúng tôi khó cầm nổi nước mắt, khi những câu chuyện với ông ngày xưa chợt ùa về.
Vĩnh biệt GS.TSKH, NGND Nguyễn Thế Bá, vĩnh biệt một nhà giáo tâm huyết, một kiến trúc sư tài năng!
Nguyễn Thanh Hóa