Không phải là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn học, cũng chưa bao giờ nhận mình là nhà Kiều học, TS Phan Tử Phùng chỉ nhận mình là người “mê” Truyện Kiều. Thú vị hơn, đó lại là niềm đam mê cháy bỏng ở một nhà khoa học tự nhiên, thậm chí là ngành Luyện kim vốn “khô cứng”.
Cơ duyên đưa ông đến với ngành Luyện kim bắt đầu từ năm 1953 khi ông là một trong số sinh viên được cử sang học tập tại Học viện Gang thép Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1957-1967); Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước[1] (1967-1984) và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (1987-1994). Ông đã biên soạn nhiều sách chuyên ngành như: Kỹ thuật đúc (Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1960), Từ điển Anh – Việt Luyện kim (Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1978), Kỹ thuật đúc (Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1991)…. Những lúc rảnh rỗi, ông thường dành thời gian đọc và nghiên cứu truyện Kiều, như một cách thư giãn sau quá trình lao động khoa học căng thẳng. Cứ thế, những vần thơ lục bát đã hấp dẫn, cuốn hút ông rồi việc đọc Truyện Kiều trở thành thói quen không thể bỏ. Sau khi nghỉ hưu (1994), ông quyết định tập trung thời gian để thỏa niềm yêu thích nghiên cứu Truyện Kiều. Tiến sĩ Phan Tử Phùng cho biết, tình cảm của ông với “thân phận nàng Kiều” được định hình từ rất sớm. Khi còn theo học trường Thiếu sinh quân ở Thanh Hóa (1949-1953), ông luôn hào hứng mỗi lần trường tổ chức các buổi thảo luận về Truyện Kiều[2] của Nguyễn Du. Các buổi trao đổi về số phận, tính cách của nhân vật Vương Thúy Kiều luôn sôi nổi hơn cả. Trong khi Thiếu tướng Nguyễn Sơn – Hiệu trưởng trường – cho rằng Thúy Kiều là cô gái hiếu thuận, có tài nhưng bạc mệnh thì một số giáo viên lại có ý kiến khác rằng Kiều là một phụ nữ lẳng lơ, đa tình… Lúc ấy, tuy chưa thể hiểu sâu những bàn luận của các thầy nhưng ông Phùng cảm thấy truyện Kiều có sức hút rất lạ, càng đọc càng mê.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, cuốn Truyện Kiều Nôm – Quốc ngữ đối chiếu của TS Phan Tử Phùng đã được Nxb Khoa học xã hội xuất bản và phát hành năm 2008. Qua cuốn sách này, độc giả không chỉ tiếp cận bản Truyện Kiều cổ bằng chữ Quốc ngữ mà còn được thấy những nét chữ Nôm tương ứng khắc trên ván gỗ từ thế kỷ XIX của nhà thơ Nguyễn Du[3]. Ông chia sẻ: Hiếm có tác phẩm nào lại thân quen và sống mãi với nhân dân Việt Nam như Truyện Kiều[4]. Giống như quan điểm của GS John Swensson[5], ông thấy ở Truyện Kiều một giá trị để hoàn thiện con người[6].
Không chỉ dày công viết sách, TS Phan Tử Phùng còn trăn trở về việc làm sao phát lộ hết các giá trị của Truyện Kiều, phát lộ được tinh thần sáng tạo, tài năng của cụ Nguyễn Du. Đầu tiên, ông lên ý tưởng thành lập một hội quy tụ những người yêu mến, đam mê nghiên cứu Truyện Kiều, lấy tên là Hội Kiều học Việt Nam. Năm 2009, ông đề xướng, kêu gọi mọi người tham gia Ban vận động thành lập Hội Kiều học. Thế nhưng từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa là cả hành trình gian nan. Mọi người thắc mắc và lấy làm lạ về chuyện vị tiến sĩ Luyện kim mà lại hăng hái vận động thành lập hội nghiên cứu về Truyện Kiều. Họ cho rằng ông Phùng đang “ôm rơm dặm bụng”, cố “vẽ việc mà chơi”. Thay vào đó, ông nên để việc thành lập Hội Kiều học Việt Nam cho các đơn vị chuyên môn như Hội nhà văn Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam thực hiện. Có người khéo từ chối bằng cách gợi ý ông nên mời những người có học hàm, học vị, có tên tuổi và có nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều để việc thành lập thuận lợi hơn. Và cũng có người từ chối thẳng thừng rằng họ không bao giờ tham gia hội. Nhắc đến chuyện này, nét mặt TS Phan Tử Phùng thoáng buồn…
Vất vả là thế nhưng TS Phan Tử Phùng không nản chí. Ông huy động sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Đặc biệt, phải kể đến hậu phương vững chắc là vợ ông – bà Nguyễn Thị Phương. Sự động viên của vợ như nguồn năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho ông. Bà đã giúp ông thuyết phục ông Vũ Quần Phương – một nhà thơ/nhà phê bình văn học có tiếng – tham gia Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Ngày 20-5-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL công nhận danh sách Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam gồm 14 thành viên, do TS Phan Tử Phùng làm Trưởng ban. Tháng 9-2010, Ban vận động đã có danh sách 100 người đăng ký tham gia Hội. Cuối cùng, công sức trong 3 năm của Ban vận động cũng được đền đáp xứng đáng, ngày 14-7-2011, theo quyết định số 1400/2A-BNV của Bộ Nội vụ, Hội Kiều học Việt Nam chính thức thành lập.
Đoàn Chủ tịch Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam, 2011. TS Phan Tử Phùng (giữa)
(Nguồn: Kỷ yếu Hội Kiều học Việt Nam nhiệm kỳ I 2011-2016)
Sự ra đời của Hội Kiều học Việt Nam được coi là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đối với TS Phan Tử Phùng. Điều đó khẳng định ý tưởng thành lập một tổ chức nghiên cứu về truyện Kiều không phải là một điều viển vông. Một số người từng phản đối, nay cũng nhiệt tình ủng hộ hoạt động của Hội Kiều học.
Ngày 3-11-2011, Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam được tổ chức thành công tại Hội trường lớn của Viện Khoa học xã hội Việt Nam[7] (số 1 Liễu Giai). Theo đại hội biểu quyết, Chủ tịch hội là GS Nguyễn Văn Hoàn, TS Phan Tử Phùng là một trong 7 Phó Chủ tịch hội. Năm 2015, GS Phong Lê đảm nhận chức Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam (do GS Nguyễn Văn Hoàn qua đời) cho đến hiện tại. Năm 2012, TS Phan Tử Phùng còn là Trưởng ban vận động đề đạt lên UNESCO Vinh danh Nguyễn Du. Ông kể, theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ban vận động phải hoàn thành và nộp hồ sơ khoa học của Nguyễn Du viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trước ngày 30-12-2012. Như vậy Ủy ban mới kịp hoàn chỉnh và nộp cho Ban thư ký UNESCO ở Paris trước hạn 15-1-2013. Do vấn đề thủ tục, đến trưa ngày 14-1-2013, hồ sơ vinh danh cụ Nguyễn Du vẫn chưa được gửi đi. Ông vẫn nhớ cảm giác hồi hộp buổi hôm ấy: Chỉ còn mấy tiếng nữa là hết hạn nhưng Ban vận động vẫn chưa nhận được Công hàm của Nhà nước – tài liệu cuối cùng còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết nín thở chờ đợi[8].
Tiến sĩ Phan Tử Phùng (trái) trong buổi làm việc với đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, 2013
(Nguồn: Kỷ yếu Hội Kiều học Việt Nam nhiệm kỳ I, 2011-2016)
Chiều tối ngày 14-1-2013, nhận tin báo Chính phủ đã phê duyệt Công hàm, cả Ban vận động mới thở phào nhẹ nhõm. Ngay trong tối hôm đó, hồ sơ khoa học về Nguyễn Du kèm Công hàm của Chính phủ nhanh chóng được gửi đến Ban thư ký của UNESCO ở Paris. Và nỗ lực của Ban vận động đã được đền đáp xứng đáng. Tháng 4-2013, Ban vận động nhận được tin báo của ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trong số 159 hồ sơ gửi UNESCO đợt vừa rồi, hồ sơ vinh danh Nguyễn Du là một trong 93 hồ sơ được thông qua.
Giống như TS Phan Tử Phùng, nhà giáo Thế Anh[9] cũng rất say mê Truyện Kiều. Bởi vậy, ông nhận lời tham gia Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam ngay từ những ngày đầu khó khăn mà không hề đắn đo. Ông cũng là người phụ trách các văn bản, giấy tờ của Ban vận động. Nhắc về TS Phùng, cả ông và GS Phong Lê đều nhận định: TS Phan Tử Phùng là người có công đầu trong việc vận động thành lập Hội Kiều học[10].
Đến nay, Hội Kiều học Việt Nam đã đi vào hoạt động được 7 năm với nhiều Chi hội tại các tỉnh thành như: Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Nghệ An… Hội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (2015) và tổ chức ngày giỗ lần thứ 196 Đại thi hào Nguyễn Du (2016), phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều… TS Phan Tử Phùng cho rằng, mặc dù Hội Kiều học Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng quá trình giữ và phát triển hội vẫn là bài toán nan giải.
Sự kiên trì của TS Phan Tử Phùng trong việc thành lập Hội Kiều học Việt Nam không đơn thuần là việc theo đuổi đam mê cá nhân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học dân tộc, như nhà văn hóa Phạm Quỳnh[11] từng nhận định “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.
Nguyễn Thị Điệp
____________________________
1 Nay là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
2 Truyện Kiều được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học Pháp-Việt ở Việt Nam từ năm 1914.
3 Ngoài cuốn sách Truyện Kiều Nôm – Quốc ngữ đối chiếu, TS Phan Tử Phùng còn là tác giả/đồng tác giả của các cuốn sách: Truyện Kiều – bản UNESCO, Truyện Kiều – Khảo – Chú – Bình, Đại thi hào Nguyễn Du – Vĩ nhân văn hóa được UNESCO tôn vinh.
4 Ghi âm phỏng vấn TS Phan Tử Phùng, 24-7-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
5 GS John Swensson – giảng viên dạy Truyện Kiều tại trường Đại học cộng đồng De Anza, bang California (Mỹ).
6 Tham khảo Phan Tử Phùng (2015), Đại thi hào Nguyễn Du – vĩ nhân văn hóa được UNESCO tôn vinh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 13.
7 Nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
8 Ghi âm phỏng vấn TS Phan Tử Phùng, 24-7-2017, tài liệu đã dẫn.
9 Ông Nguyễn Thế Anh, nguyên giảng viên tiếng Nga trường Đại học Ngoại thương.
10 Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Phong Lê, 3-4-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
11 Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp – để viết lý luận, nghiên cứu.