Tiến tới tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu của GS.TS Nguyễn Văn Chiển

 Được gia đình GS.TS Nguyễn Văn Chiển tin tưởng trao tặng tài liệu hiện vật của Giáo sư cho Trung tâm (ngày 25-5-2013), các cán bộ kiểm kê bảo quản của Trung tâm tiến hành ngay việc vệ sinh, phân loại khối di sản này để lập danh mục tài liệu. Trưởng phòng Kiểm kê – Bảo quản Nguyễn Thị Thành cho biết: “Khi chuyển về Trung tâm, khối tài liệu hiện vật tương đối sạch và chưa bị mối mọt. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã cũ, ố vàng theo thời gian và có hiện tượng giấy bị giòn, mủn, mốc”. Cán bộ Phòng Kiểm kê – Bảo quản đã nhanh chóng vệ sinh, phân loại tài liệu theo các chủ đề: những tài liệu tiểu sử của GS.TS Nguyễn Văn Chiển, các công trình nghiên cứu khoa học, các sổ chi ghép, sách vở, thư từ, tư liệu gia đình… Đến nay, công việc kiểm kê và bảo quản bước đầu đang dần hoàn thiện và tài liệu sau khi phân loại đã được chuyển về từng kho lưu trữ chuyên biệt.

Ngày 16-10-2013, Trung tâm đã mời ông Ngô Thiếu Hiệu – nguyên là Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – đến khảo sát, sơ bộ cho ý kiến về giá trị của các tài liệu, hiện vật kể trên. Theo cảm nhận ban đầu của ông: “Đây là khối tư liệu lớn, thể hiện đặc trưng chuyên ngành Địa chất của GS.TS Nguyễn Văn Chiển với hồ sơ những công trình như Từ điển Bách khoa Việt Nam, Atlat quốc gia Việt Nam… Điều đặc biệt trong khối tư liệu này là chúng ta thường biết đến GS.TS Nguyễn Văn Chiển với tư cách một nhà khoa học tự nhiên, nhưng trong quá trình làm Từ điển Bách khoa, Giáo sư có nhiều bài viết bàn về ngôn ngữ học, chứng tỏ trình độ uyên bác của ông”. Ông Ngô Thiếu Hiệu cũng tỏ ra thú vị khi thấy các tư liệu của Giáo sư thể hiện ông là một con người tỉ mỉ, cẩn thận và minh bạch qua việc lưu giữ cả những sổ ghi chép chi tiêu trong gia đình từ năm 1970 đến giấy chứng minh nguồn ngoại tệ, giấy biên nhận tiền nhuận bút…

Ngày 2-11-2013 tới đây, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ chính thức tổ chức tiếp nhận toàn bộ khối tư liệu của GS.TS Nguyễn Văn Chiển trước sự chứng kiến của gia đình Giáo sư, cùng các khách mời và báo giới.

Tài liệu của GS.TS Nguyễn Văn Chiển được bảo quản trong hộp và sắp xếp theo hệ thống trong kho

Ông Ngô Thiếu Hiệu cẩn trọng xem xét từng tài liệu
để nhận định giá trị lịch sử, khoa học của tài liệu.
(Mỗi tài liệu giấy đều được bảo quản trong giấy can để chống ẩm)

 

Ông Ngô Thiếu Hiệu rất quan tâm đến những bức ảnh của Giáo sư tại Kho Phim ảnh

Trần Bích Hạnh