Lời "tiên tri" từ 10 năm trước
Tôi tìm đến một căn hộ chung cư trên phố Cầu Giấy, Hà Nội, nơi GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến đang sinh sống. Ông nguyên là Trưởng ban điều hành Hệ Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng, nguyên Phó Chủ tịch (2001-2006) và Chủ tịch (2007) Hội đồng Học hàm ngành Toán học.
Khi biết mong muốn của tôi tìm hiểu những câu chuyện về GS Ngô Bảo Châu, GS Tiến mỉm cười rồi mở chiếc máy vi tính của ông, chỉ cho tôi xem bản thảo cuốn sách “Kể chuyện về toán và những nhà toán học” của ông sắp xuất bản. GS Ngô Bảo Châu là một trong những nhà toán học xuất chúng được kể trong cuốn sách của GS Tiến. Tuy vậy, lúc đó tôi vẫn chưa hiểu GS Tiến định cho tôi xem cái gì mà quan trọng đến thế.
Dù tới thời điểm đó (chiều tối 17/8) là trước thời điểm GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields mấy ngày, nhưng GS Tiến vẫn khẳng định “Tôi tin anh Châu sẽ được giải thưởng Fields. Điều này tôi đã có dự cảm từ 10 năm trước”. Nói rồi ông chỉ cho tôi xem bài viết trên Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ cách đây đã 10 (năm 2000) với tiêu đề: "Toán học thế kỷ XXI cơ hội và thách thức".
Trong bài viết này và một bài viết tiếp đăng theo có tiêu đề "Bắt rồng", GS Tiến đã có một dự cảm lớn lao vào năm 2010, khi Thủ đô Hà Nội tròn nghìn năm tuổi sẽ có một người con của Thủ đô bắt được “rồng”. Câu chuyện cách đây 10 năm mà GS Tiến đã kể cho các thế hệ học trò có nội dung tóm tắt như sau:
Cách đây đúng 100 năm, năm 1900, năm con chuột, nhà toán học vĩ đại người Đức tên là Hilbert đã nêu ra 23 bài toán chưa giải được cho các nhà toán học thế kỷ XX. Cho đến nay, sau 100 năm, 2 trong số 23 bài toán trên vẫn chưa có lời giải.
GS Ngô Bảo Châu trong ngày nhận giải thưởng Fields.
Năm 2000 là năm Canh Thìn, năm "rồng vàng". Rồng là con vật không có thật: đầu sư tử mình rắn, vẩy cá, chân chim, nhưng lại biểu hiện cho quyền uy: sân rồng, mũ rồng, mặt rồng… Đồng thời, múa rồng là một nghệ thuật vui tươi sống động trong những ngày hội lớn. Cần chú ý rằng khi múa rồng, ngoài con rồng còn có một nhân vật khác không thể thiếu: đó là chú Tễu (chú hề). Có câu chuyện như sau: Một người được hỏi đang học nghề gì? Anh này trả lời: Tôi đang học nghề bắt rồng. Lại bị hỏi: Rồng có đâu mà bắt? Trả lời: Nếu không có rồng để bắt, tôi sẽ làm nghề dạy người khác bắt rồng.
Có một số ý kiến cho rằng theo nghiệp Toán cũng là theo nghiệp… bắt rồng. Nếu đúng như vậy thì năm 2000, mở đầu thế kỷ XXI là năm rồng, chắc sẽ phải có nhiều rồng để các nhà toán học hành nghề.
Các bạn trẻ thân mến, trong Toán học có rồng thật đấy. Ví như Bài toán Fermat là con rồng cực kỳ lớn, hấp dẫn nhất. Rất nhiều người phát điên vì muốn bắt nó và rất nhiều người “suýt” nữa bắt được nó. Thế nhưng mãi tới lúc “Cụ rồng” này hơn 350 tuổi mới bị bắt. 23 bài toán của Hilbert cũng là những con rồng đẹp lộng lẫy. Các nhà toán học lành nghề đã bắt được 21 con rồi. Còn 2 con nữa sẽ vào tay ai đây? Nếu các bạn trẻ có ý định hành nghề bắt rồng thì phải lưu ý rằng rồng rất khó bắt, phải trường kỳ mai phục và nếm nhiều thất vọng. Còn nếu không làm nghề bắt rồng thì phải làm nghề vẽ rồng, múa rồng hoặc đóng vai chú Tễu chắc cũng kiếm được nhiều tiền.
GS Ngô Bảo Châu cùng một số người bạn đến chơi nhà GS Nguyễn Duy Tiến
Riêng ở Việt Nam, nền Toán học Việt Nam được gieo mầm trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước.
Có thể nói trong vòng 50 năm qua, chúng ta mới chỉ biểu hiện năng khiếu học toán giỏi, còn năng lực làm toán thì còn bị hạn chế nhiều. Các nhà toán học Việt Nam chưa xây dựng được một trường phái toán học có bản sắc riêng, thiếu màu sắc Vật lý, Thiên văn và Cơ học, vốn là nguồn ý tưởng vô hạn của Toán học. Vì thế, tôi hy vọng rằng: Trong thế kỷ XXI này các bạn trẻ không chỉ học toán giỏi mà còn có năng lực làm toán giỏi. Nếu may mắn thì chúng ta sẽ bắt được một con rồng, đấy là Giải thưởng Fields dành cho các nhà Toán học trẻ dưới 40 tuổi.
Nếu may mắn hơn nữa, ta sẽ có một trường phái về toán học, có bài toán riêng, có trung tâm nghiên cứu riêng và có một nhóm nghiên cứu được cả thế giới thừa nhận.
Cuối cùng tôi xin chúc các bạn trẻ sức khỏe, hạnh phúc và cùng nhau tìm cách bắt được một con rồng hoặc đặt ra được những bài toán hay, nghĩa là chỉ ra sự tồn tại một hay vài con rồng chưa ai bắt được.
Tôi hỏi tại sao GS Tiến có thể có những dự cảm chính xác thế, ông chỉ mỉm cười không đáp. Dù rất tin tưởng vào GS Ngô Bảo Châu sẽ giành giải thưởng Fields danh giá, nhưng trong bài "Bắt rồng", GS Tiến cũng chỉ "dám" dự đoán 95% cơ hội để GS Châu làm được điều này.
Chàng trai Hà Nội Ngô Bảo Châu đã bắt được rồng
GS Tiến đã đưa ra những lý do hết sức thuyết phục để chứng minh cho những dự đoán của mình. Ông lập luận:
Bác Rồng mang tên “Giả Thuyết Poincaré về đồng phôi với hình cầu 3 chiều” đã bị nhà toán học Nga Perelman tóm gọn. Nhờ tóm được Bác Rồng này mà năm 2006, Perelman được trao tặng giải thưởng Fields. Việt Nam ta có một người (với xác suất 95%) sẽ tóm được Chú Rồng “Bổ Đề Cơ Bản” trong Chương trình Langlands. Cần lưu ý là, đây là lần thứ hai Tạp chí The Time quan tâm đến Toán học; lần đầu năm 2006, Perelman cũng đã có vinh dự được Tạp chí này vinh danh. Thêm vào đó: Giáo sư Châu được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể tại Đại hội toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ. Điều quan trọng nhất là GS Ngô Bảo Châu năm nay mới 38 tuổi, hoàn toàn đủ điều kiện nhận giải.
Tất cả những điều này cho phép ta hy vọng (với độ tin cậy 95%) là: Đúng vào dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, một chàng trai Hà Nội sẽ mang về cho dân tộc Việt Nam (con Rồng cháu Tiên) một Chú Rồng tuyệt vời.
Thế là, Cụ Rồng (Bài toán Fermat) sau hơn 350 năm đã được Andrew Wiles rước về Mỹ để chiêm ngưỡng Thần Tự Do. Bác Rồng (giả thuyết Poincaré) ở tuổi 100 được Perelman mời về St.Peterburg của Nga để xem vở ba-lê Hồ Thiên Nga. Và bây giờ, Chú Rồng (Bổ đề cơ bản), ở tuổi 40, được Ngô Bảo Châu sắp đón về Hà Nội để nghe các làn điệu Ca trù, Quan họ Bắc Ninh và cùng múa rồng với người Việt, mừng Thăng Long Hà Nội 1000 tuổi. Thật may mắn cho tôi, chuyện Bắt Rồng kết thúc có hậu đến thế!
GS Ngô Bảo Châu bên GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến
Tất cả những điều trên đều là những dự đoán của GS Tiến được ông viết ra cách đây nhiều tháng, thậm chí khi GS Ngô Bảo Châu vẫn chưa về nước. Ông luôn có một niềm tin tuyệt đối rằng sẽ có một kết thúc có hậu cho câu chuyện “Bắt rồng” mà ông đã viết vào trong cuốn sách.
Ngày 12h55 ngày 19/8/2010, sau khi có thông tin từ Đại hội toán học thế giới tại Ấn Độ thông báo GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields cao quý, tôi nhấc luôn điện thoại gọi điện cho GS Tiến để chia vui cùng ông. GS Tiến đã mừng vui như bật khóc. Ông hỏi lại tôi nhiều lần “Thật không? Thật không?”. Ông như reo lên vui mừng qua điện thoại: “Vậy là dự cảm của tôi đã đúng. Toán học Việt Nam là một ngành trẻ mà đã đạt được giải thưởng cao quý Fields thì mình có thể ngẩng cao đầu được rồi”.
Để hoàn thiện cuốn sách “Kể chuyện về toán và các nhà toán học”, ông vội vàng lên mạng, tìm những hình ảnh mới nhất về GS Ngô Bảo Châu nhận giải, gửi bổ sung cho nhà xuất bản trước khi quyết định in chính thức.
Ngay sau khi thông tin GS Ngô Bảo Châu đã được nhận giải thưởng Fields từ Ấn Độ, GS.TSKH Trần Văn Nhung và nhiều người bạn của GS Tiến đã gọi điện đến chia vui cùng ông và chúc mừng cho dự cảm thần kỳ của ông. Tình cờ, cuốn sách của ông vừa được chính thức xuất bản vào ngày 23/8/2010, và ông đã dành một cuốn để tặng GS Ngô Bảo Châu khi về nước. Thật là một kết thúc có hậu cho những người làm toán và yêu toán.
Thật vinh dự cho tôi, cuối năm 2005, thay mặt Hội đồng ngành Toán (lúc đó tôi là phó chủ tịch của Hội đồng này), tôi được ủy nhiệm giới thiệu phong giáo sư cho anh Ngô Bảo Châu trước phiên họp toàn thể của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Chủ tịch phiên họp đó là GS. TSKH. Phạm Minh Hạc, cùng với cố GS. TSKH. Nguyễn Văn Đạo (1937-2006), GS. TSKH. Trần Văn Nhung hết sức ủng hộ đề nghị của Hội đồng ngành Toán. Và kết quả là: năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Việc công nhận này đã từng gây ra nhiều tranh luận, vì lúc đó Ngô Bảo Châu chưa có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam. Lý do thuyết phục nhất mà chúng tôi đưa ra là: Anh đã được Pháp công nhận là giáo sư rồi nhờ thành tích sau: Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Gérard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita. Và cuối năm 2009, kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được tạp chí "The Time" bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. (Trích "Kể chuyện về toán học và các nhà toán học" của GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến)
|
Nguồn: hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tien-tri-hn-1000-nam-co-nguoi-bat-rong-c46a319390.html