Vẫn góc phòng làm việc, giá sách, tủ đựng đồ nguyên vẹn như ngày GS Hoàng Phê còn miệt mài làm việc, bà Hoàng Châu Thanh bồi hồi giới thiệu những kỉ vật của cha mình. Đó là chiếc áo len ông mặc trong suốt hành trình từ Quảng Nam ra Hà Nội những năm 1946-1947; Chiếc địu mà bà Châu Thị Hạnh sử dụng để địu con gái Hoàng Châu Thanh mới 10 tháng tuổi khi cùng chồng từ Thanh Hóa lên Chiến khu năm 1950… Đó còn là tập bản thảo viết tay của GS Hoàng Phê tự kể về cuộc đời mình; là các cuốn sách của ông về chính tả, ngôn ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, những bức ảnh ông cùng vợ con và đồng nghiệp, bạn bè từ những ngày đầu tham gia kháng chiến đến khi xây dựng Viện Ngôn ngữ học là minh chứng sống động nhất cho quá trình hoạt động của ông.
Chiếc áo len của cha mặc trên đường ra Hà Nội năm 1946
được bà Châu Thanh giữ gìn cẩn thận (Ảnh chụp ngày 11-4-2013)
Mỗi bức ảnh, mỗi kỉ vật của cha đã gắn bó với bà Hoàng Châu Thanh
suốt những năm tháng qua (Ảnh chụp ngày 21-6-2013)
Bà Hoàng Châu Thanh kể: Ông cụ làm Từ điển vào những năm sơ tán ở Hà Bắc, đêm đêm bên chiếc đèn bão, ông gò mình miệt mài với từng con chữ, từng chiếc phiếu đục lỗ. Tiếc rằng chiếc đèn bão đã không còn, nhưng những tập bản thảo Từ điển qua các lần tái bản, sửa chữa vẫn được bà lưu giữ vẹn nguyên. Trong đó, đáng chú ý có bài đánh giá của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cuốn Từ điển, mà sau này được in trang trọng ngay trang đầu của công trình khi xuất bản.
Cùng với việc tiếp cận gia đình, chúng tôi đã tìm đến các học trò, đồng nghiệp – những người một thời gắn bó cùng GS Hoàng Phê làm Từ điển. Qua bên kia cầu Long Biên, chúng tôi gặp vợ chồng GS Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) và TS Chu Bích Thu.
Nhớ về người thầy, người đồng nghiệp lớn của mình, GS Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: Giáo sư Hoàng Phê đã góp phần xây dựng chuyên ngành Từ điển học Việt Nam và đặc biệt có công trong việc chủ trì biên soạn cuốn Từ điển Tiếng Việt – cuốn từ điển đặc biệt ở nhiều khía cạnh. Đó là cuốn từ điển đầu tiên do tập thể tác giả biên soạn; dùng máy tính làm công cụ biên soạn và dựa trên kho tư liệu gần 4 triệu phiếu được rút ra từ hàng trăm nghìn tác phẩm văn học, báo chí thuộc nhiều phong cách khác nhau. Nó vừa thể hiện tính đại chúng vừa đảm bảo tính khoa học của ngôn ngữ. Còn TS Chu Bích Thu hồi tưởng: “ Giáo sư Hoàng Phê đã rèn luyện cho chúng tôi điều quan trọng nhất trong nghề làm từ điển, đó là kinh nghiệm và kĩ năng”.
Câu chuyện về GS Hoàng Phê càng xúc động hơn khi GS Nguyễn Văn Lợi kể lại tình tiết: “Làm việc với máy tính đã trở thành thói quen của thầy đến nỗi trước khi mất, cụ bị lẫn, ra nhà vệ sinh nhìn thấy gương, tưởng là màn hình máy tính, tay nhấp nhấp bấm chuột”.
Tiến sĩ Chu Bích Thu: "Giáo sư Hoàng Phê luôn đòi hỏi sự nỗ lực lớn nhất
của học trò, bất cứ nghiên cứu nào cũng phải thể hiện những phát hiện mới”
(Ảnh chụp ngày 30-4-2013)
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục gặp gỡ người thân trong gia đình và các học trò, đồng nghiệp của GS Hoàng Phê nhằm tái hiện lại phương pháp làm Từ điển rất bài bản của Giáo sư và những đóng góp của ông cho ngành Ngôn ngữ học nước nhà.
GS Hoàng Phê (1919-2005) quê tại xã Ðiện Quang, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1947: Phụ trách tuyên truyền kháng chiến huyện Nông Cống (Thanh Hóa), Phó Trưởng ty tuyên truyền Tỉnh Thanh Hoá.
Tháng 12-1947 đến tháng 12-1949: Tỉnh đoàn trưởng Thanh niên Việt Nam tỉnh Thanh Hoá.
Tháng 1-1950 đến tháng 9-1953: Cán bộ Trung ương Ðoàn thanh niên Cứu quốc, Phó ban Tuyên truyền, Phó ban Tuyên huấn.
Tháng 9-1953 đến tháng 7-1955: Học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 7-1955 đến tháng 10-1959: Cán bộ Trung ương Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
Tháng 10-1959 đến 1968: Tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ học, Viện Văn học, thuộc Uỷ ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước.
Từ năm 1968, ông là một trong bốn cán bộ được giao trọng trách thành lập Viện Ngôn ngữ học.
Năm 1968 – 1997: Cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu viên cao cấp Viện Ngôn ngữ học; Phó Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Ngôn ngữ; Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Sau khi nghỉ hưu: Giám đốc, Chủ tịch Ban điều hành Trung tâm Từ điển học do ông thành lập và tham gia công tác ở Trung tâm cho đến những ngày cuối đời.
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam