PGS Bùi Thị Kim Quỳ trao 5.000 tài liệu hiện vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học
Trung tâm Di sản các nhà khoa học vừa long trọng tổ chức lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật gắn với cuộc đời PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ.
PGS Lê Văn Sáu (1919-2004), sinh trưởng tại Sóc Trăng. Ông là một trong số các trí thức tu nghiệp tại Pháp, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (1952) và đã trở về phục vụ đất nước vào giữa những năm 50 thế kỷ trước.
PGS Lê Văn Sáu được nhìn nhận là một trong những người có công đặt nền móng tạo dựng, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1959 và Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sau năm 1975.
Ông đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng mô hình, chương trình đào tạo, biên soạn hệ thống giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên lịch sử phổ thông trung học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông cũng là người quyết tâm đề xuất và thực hiện đào tạo nghiên cứu sinh trong nước tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
PGS Bùi Thị Kim Quỳ-phu nhân của PGS Lê Văn Sáu, sinh năm 1935. Sau năm 1975, bà làm việc tại Viện Khoa học xã hội tại miền Nam và được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về giới và gia đình thuộc Viện Khoa học xã hội tại TPHCM (1991).
PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế để tổ chức thực hiện nghiên cứu ứng dụng, mở ra các hội thảo và xây dựng nên những đề án như: Phụ nữ và môi trường xã hội nhân văn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế…
Trước đó, vào tháng 5/2014, tại tư gia ở TPHCM, PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã thay mặt người chồng quá cố trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam toàn bộ tài liệu hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của hai ông bà.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp nhận hơn 5.000 tài liệu hiện vật của PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ.
Trong số đó, có hơn 1.000 tài liệu hiện vật đã gắn bó với 50 năm hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của PGS Lê Văn Sáu. Bao gồm: Hồi ký, sổ ghi chép, các bản thảo sách, bản thảo nghiên cứu về Đông Nam Á, lịch sử thế giới, tài liệu về phương pháp giảng dạy đại học, các bài viết tham gia hội thảo, hội nghị, nhận xét luận văn, luận án, thư trao đổi với các học trò, đồng nghiệp, ảnh tư liệu.
Số tài liệu của PGS Bùi Thị Kim Quỳ chiếm hơn một nửa, gồm các bản thảo bài giảng, bản thảo chuyên môn về triết học, tôn giáo, giới, xã hội học, các tài liệu nghiên cứu về phụ nữ và gia đình, nguồn nhân lực nữ, nữ trí thức, thư trao đổi chuyên môn, tài liệu hội nghị, hội thảo, đề tài, dự án nghiên cứu về giới và phụ nữ… Sau khi khối tài liệu được chuyển về từ TPHCM, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành sắp xếp, phân loại, lập danh mục để bảo quản lâu dài.
Đây là lần thứ ba Trung tâm tiếp nhận di sản của các nhà khoa học từ TPHCM, nhưng là lần tiếp nhận nhiều nhất và đặc biệt đó là tài liệu hiện vật của cả hai vợ chồng nhà khoa học.
Nguyệt Hà
Nguồn:baodientu.chinhphu.vn/Van-hoa-The-thao/Tiep-nhan-5000-tai-lieu-hien-vat-quy/206948.vgp