Tiếp nhận ba mẫu kén của PGS.TS Lê Thị Kim





Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của nhân dân ta. Mục đích của nuôi tằm là lấy kén. Muốn có thu nhập cao, cần có giống tốt chất lượng tơ cao, có kỹ thuật nuôi tốt đạt năng suất cao trên một đơn vị vòng trứng và một đơn vị diện tích dâu. Theo PGS.TS Lê Thị Kim: Nuôi tằm truyền thống là giống tằm đa hệ, nhả kén vàng, có sức sống cao nhưng chất lượng tơ lại kém. Một kén vàng có độ dài tơ khoảng 400m, thường dùng để dệt thổ cẩm hoặc lụa bình thường.

PGS.TS Lê Thị Kim giới thiệu các mẫu tơ từ kén trắng lưỡng hệ đã được nhuộm màu

Từ năm 1964, PGS.TS Lê Thị Kim đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu các kỹ thuật nuôi tằm lưỡng hệ và lai tạo các giống tằm này cho vụ xuân thu, được đưa vào áp dụng sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi, tằm lưỡng hệ nhả kén trắng, rất thuận tiện để nhuộm màu theo mong muốn. Một kén trắng có độ dài tơ khoảng 1000m, nên được dùng vào việc dệt các loại lụa cao cấp. Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Thị Kim cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khác xoay quanh dâu tằm như: Kỹ thuật trồng dâu đồi trên núi Ba Vì, Hà Tây; Nghiên cứu phòng trừ bệnh tằm gai; Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến kết quả nhân giống tằm; Nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím đến sức sống của trứng tằm; Nghiên cứu nuôi tằm công nghiệp các giống tằm lưỡng hệ trong vụ hè…

Để lưu giữ những thành quả gắn liền với nghiên cứu của mình, PGS.TS Lê Thị Kim đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương – nơi bà từng công tác để cung cấp ba mẫu kén, gồm một mẫu kén vàng (truyền thống), hai mẫu kén trắng (lai tạo) và tặng cho Trung tâm Di sản. Đây là những hiện vật minh chứng cho những đóng góp của bà và góp phần tìm hiểu sự phát triển của ngành dâu tằm ở nước ta.

Hoàng Thị Liêm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam