Chuyện kể rằng, năm 1981, GS Lâm Công Định (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia hội thảo quốc tế về rừng với phát triển cộng đồng nông thôn ở Senegan (châu Phi). Ông đã giới thiệu với cộng đồng các nhà khoa học lâm nghiệp thế giới những thành tựu trong sự nghiệp trồng rừng và xây dựng lâm nghiệp của Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa ngày Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại diện tổ chức FAO đánh giá đoàn lâm nghiệp Việt Nam đã đem đến hội nghị một chất men mới. Đích thân Bộ trưởng Nông lâm Senegan đã ra tận sân bay tiễn đoàn và tặng GS Lâm Công Định mấy hạt giống cây neem. Trong suốt 1/4 thế kỷ kể từ thời điểm đó, GS Lâm Công Định kiên trì nghiên cứu, đem lại cho lâm nghiệp Bình Thuận, Ninh Thuận và nông dân nghèo vùng nóng hạn nhất cả nước một giống cây trồng mới quý giá, vừa có giá trị môi sinh vừa có ý nghĩa kinh tế.
Bà Lâm Kim Cương trân trọng tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhiều kỷ vật và tài liệu của GS Lâm Công Định |
Câu chuyện của bà Lâm Kim Cương về cha – GS Lâm Công Định bắt đầu như thế. Và đó chỉ là một, trong hàng trăm câu chuyện về một nhà khoa học lâm nghiệp hàng đầu tâm huyết với rừng Việt Nam. Dù chỉ mới biết đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khoảng 1 tháng nay, nhưng ngày 24-9-2020, bà Lâm Kim Cương đã quyết định trao toàn bộ tài liệu liên quan đến hoạt động của GS Lâm Công Định, đặc biệt là hồ sơ về cây neem cho Trung tâm lưu giữ và giới thiệu. Đây thực sự là những tư liệu quý minh chứng cho nỗ lực của một nhà khoa học tận tụy trong nghiên cứu bảo vệ rừng, trồng rừng và điều chế rừng.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chân thành cảm ơn bà Lâm Kim Cương và gia đình đã tin tưởng trao tặng tài liệu, xin cảm ơn ông Thái Nguyễn Huệ Chí đã kết nối để Trung tâm mở rộng sưu tầm về các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam.
Trần Bích Hạnh