PGS.TS Trịnh Cao Tưởng (1946-2003) từng là sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1964-1968), năm 1970, Trịnh Cao Tưởng nhận công tác tại Viện Khảo cổ học và từ năm 1986-1995 ông là Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. Trong thời gian công tác ở Viện, ông đã tham gia hầu hết những cuộc khai quật các di chỉ văn hóa thời đồ đồng ở Phú Thọ, nghiên cứu về khảo cổ học Chăm Pa ở miền Trung và Óc Eo- Phù Nam ở Nam Bộ, các phế tích chùa ở Đồ Sơn-Hải Phòng, nền Thiền viện Trúc Lâm ở Yên Tử. Ông đã viết, biên soạn và xuất bản 7 đầu sách, tiêu biểu như: Hà Bắc ngàn năm văn hiến, Chùa Keo, Non nước Đồ Sơn, Huế…
“Đây là những vật bất ly thân khi ông nhà tôi đi khai quật khảo cổ, nay tôi tặng lại để Trung tâm lưu giữ”
Trong buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Lệ Thi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam những tài liệu, hiện vật gắn liền với những hoạt động và đóng góp trong nghiên cứu khảo cổ học của PGS Trịnh Cao Tưởng. Đó là chiếc kính lúp được ông sử dụng trong các chuyến đi giám định cổ vật ở trong và ngoài nước, chiếc máy tính, máy đánh chữ ông đã từng sử dụng trong quá trình công tác và những cuốn sổ ghi chép, nhật ký điền dã… Đặc biệt là đề tài khoa học về “Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ ở vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX-XVII, 2002” – công trình nghiên cứu cuối cùng được PGS.TS Trịnh Cao Tưởng thực hiện trước khi qua đời.
Đây là những tài liệu, hiện vật đầu tiên về lĩnh vực khảo cổ học được Trung tâm tiếp cận trong năm 2014, mở đầu một hướng nghiên cứu về các nhà khoa học có tiềm năng nghiên cứu, sưu tầm.
Nguyễn Thúy Tiềm