Tiếp nhận khối bản thảo của GS.TS Đường Hồng Dật

 Mặc dù Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mới đặt vấn đề nghiên cứu GS.TS Đường Hồng Dật từ cuối tháng 10-2013, nhưng Giáo sư đã rất ủng hộ những hoạt động của Trung tâm. Tìm hiểu rõ mục đích, tôn chỉ hoạt động của Trung tâm, Giáo sư đã tin tưởng và quyết định trao tặng toàn bộ số bản thảo các tác phẩm ông đã viết trong quá trình công tác của mình cho Trung tâm bảo quản và lưu giữ phục vụ công tác nghiên cứu sau này.

Là người rất cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc nên GS Đường Hồng Dật luôn có ý thức lưu trữ lại tất cả những bản sơ thảo các sản phẩm khoa học do ông biên soạn. Số tài liệu ông trao tặng Trung tâm chủ yếu là bản thảo sách, các bài nghiên cứu, công trình khoa học, báo cáo đề tài… đã nhuốm màu thời gian. Hầu hết là các bản viết tay, với nội dung xoay quanh những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn ông dày công nghiên cứu như: Cây ngô, cây chè, cây đậu tương, cây lúa, cây sắn. Các chuyên đề về Bảo tồn và quản lý nguồn gen cây trồng; Quản lý sinh vật lạ xâm hại; Lồng ghép các vấn đề môi trường vào quy hoạch sử dụng đất; Sâu bệnh hại cây lương thực trồng cạn…

Bên cạnh đó còn một số tài liệu liên quan đến công tác quản lý như: Giám sát cải cách hành chính; Phương pháp luận xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; Thực trạng môi trường nông thôn; Lồng ghép các vấn đề môi trường vào quy hoạch sử dụng đất; Môi trường và phát triển bền vững…

 

GS Đường Hồng Dật giới thiệu với cán bộ Trung tâm về những đứa con tinh thần của mình

Trong số hơn 80 cuốn sách đã được xuất bản, GS Đường Hồng Dật đặc biệt nhấn mạnh đến ba tập bản thảo từ điển mà ông là chủ biên và là người chắp bút chính. Đó là cuốn Từ điển bách khoa Bảo vệ thực vật, (NXB Nông nghiệp, 1996); Từ điển Nông nghiệp Anh – Việt (NXB Nông nghiệp, 2002); và Từ điển bách khoa Nông nghiệp Việt Nam – đây là cuốn Từ điển được nhận giải Bạc Sách hay do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng năm 2012.

Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng GS Đường Hồng Dật vẫn có nhiều trăn trở với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là việc đào tạo kỹ sư trẻ yêu nghề. Trao tặng Trung tâm Di sản những bản thảo của mình, GS Đường Hồng Dật mong muốn tư liệu được bảo quản và phát huy một cách tốt nhất. Bởi Giáo sư luôn quan niệm “Học tập không ngừng, rèn luyện mọi lúc để tạo cho mình một lý tưởng cao đẹp. Và trong công tác, phải biết vượt qua những khó khăn, đóng góp sức mình phục vụ cho quê hương đất nước”.

 

Nguyễn Thị Loan