Giáo sư, TS Lê Huy Liệu là sinh viên Khóa đầu tiên trường Đại học Y Hà Nội sau giải phóng (1954-1960). Sau khi tốt nghiệp ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Nội, sau là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội, rồi được biệt phái làm Phó Giám đốc, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Trong ngôi nhà tại ngõ Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà quả phụ Nguyễn Thị Tuyết Nhung và con gái Tuyết Mai đã sắp xếp lại toàn bộ những tài liệu, hiện vật đã gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu, chữa bệnh cứu người của người chồng, người cha thân yêu – GS Lê Huy Liệu, gồm: Chứng chỉ tốt nghiệp lớp dự bị Đại học PCB (Sinh, Lý, Hóa) năm 1955, giấy Chứng nhận tốt nghiệp Đại học Y Dược Hà Nội năm 1964, giấy Chứng nhận tham gia khóa học tiếng Anh, tiếng Trung, tham gia lớp đào tạo về quản lý bệnh viện tại Pháp; các Tài liệu chuyên môn: Sổ theo dõi bệnh nhân bằng phim chiếu, chụp; Sổ ghi chép nghiên cứu về bệnh Đái tháo đường, Bản thảo luận án Tiến sỹ nghiên cứu ở Rumani, luận văn, luận án của nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn. Bên cạnh đó còn có những hiện vật ông đã sử dụng để khám chữa bệnh: tai nghe, dụng cụ khám họng, hộp đựng xi lanh kim tiêm, đèn pin nhỏ cầm tay, kính mắt.
Vợ chồng GS.TS Lê Huy Liệu
Lật giở những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian: ảnh cưới của ông bà vào năm 1958, ảnh gia đình, ảnh trong quá trình ông làm nghiên cứu sinh ở Rumani từ năm 1967-1971, tham gia hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước, hội đồng chấm luận văn, luận án của nghiên cứu sinh… khi trao lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chị Lê Thị Tuyết Mai xúc động bày tỏ: “Gia đình trân trọng lưu giữ những kỷ niệm của cha, nay được Trung tâm quan tâm, nghiên cứu, gia đình rất vui mừng và tin tưởng gửi gắm, cậy nhờ vào công tác nghiệp vụ của Trung tâm”.
Trung tâm rất cám ơn sự ủng hộ và tin tưởng của gia đình cố GS.TS Lê Huy Liệu. Chúng tôi sẽ làm tròn trách nhiệm được gia đình giao phó.
Nguyễn Thị Phương Thúy