Ông Nguyễn Văn Bích là một trong những cán bộ thuộc thế hệ đầu của phòng Di truyền, Viện Sinh vật, Viện Khoa học Việt Nam (1979-1983), rồi Trung tâm Di truyền nông Nghiệp, sau là Viện Di truyền nông nghiệp. Ông đã có nhiều gắn bó mật thiết với các hoạt động nghiên cứu khoa học của cùng TSKH Phan Phải, GS.TSKH Trần Duy Quý. Trong quá trình cộng tác, ông học hỏi rất nhiều kinh nghiệm làm việc, được cùng các bậc tiền bối nghiên cứu thành công một số giống lúa đột biến năng suất cao như: DT 21, DT10, DT22, lúa kháng đạo ôn…
“Tôi hy vọng các tư liệu này sẽ được Trung tâm phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Bích chia sẻ.
GS.TSKH Trần Duy Quý (ngoài cùng, phải) cùng cán bộ nhân viên
bộ môn Đột biến và ưu thế lai, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, tháng 7-2017
Ông Nguyễn Văn Bích cho biết, khoảng năm 2009-2010, lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp có ý định xây dựng phòng truyền thống để giới thiệu sự phát triển của Viện từ những ngày “khai thiên lập địa”. Lúc đó, ông là thành viên trong ban xây dựng phòng truyền thống để tìm lại các tư liệu liên quan đến các nhà khoa học của Viện. Cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn.
Sau buổi trò chuyện cùng cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và thấy một số hoạt động nghiên cứu của Trung tâm với GS.TSKH Trần Duy Quý, ông Nguyễn Văn Bích bày tỏ sự tin tưởng và trao tặng Trung tâm các tư liệu ông đã lưu giữ cẩn thận suốt nhiều năm trong tủ cá nhân. Đó là các ảnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo của GS.TSKH Trần Duy Quý, TSKH Phan Phải và cán bộ nhân viên Viện Di truyền nông nghiệp từ những năm 1970 đến nay, lý lịch của TSKH Phan Phải và các văn bản hành chính liên quan.
Ông Nguyễn Văn Bích tin tưởng các tư liệu này sẽ được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bảo tồn, xã hội hóa cũng như góp phần bổ sung vào việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp.
Thật tuyệt vời và xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của ông Nguyễn Văn Bích và các cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp.
Lưu Thị Thúy