Tim đèn thắp sáng mãi

GS.Nguyễn Đình Chú.

Ngày đó gia đình GS. Nguyễn Đình Chú sống tít trên tầng 5, trong một căn hộ nhỏ thuộc khu tập thể Đồng Xa, Mai Dịch, Hà Nội. Vị GS văn học trung cận đại Việt Nam thật vui chuyện, nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi. Ông hóm hỉnh bảo: Xứ Nghệ tôi, thời nào cũng sản sinh những anh “đồ gàn”, thực ra đó là những người quá đam mê với công việc do mình  tự nghĩ ra, coi như một thú chơi đeo đẳng suốt đời. Cụ Đinh Xuân Vịnh là một người như thế. Từ năm 1939 khi làm thư ký Tòa công sứ Vinh cụ đã nghĩ ra chuyện sưu tầm, cóp nhặt trong kho sách chữ Tây của tòa sứ để viết cuốn từ điển, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, trên đường tản cư nghĩ được mục từ gì liền kê giấy lên đùi mà viết. Hòa bình lập lại làm ở thư viện tòa soạn báo Khoa học thường thức, đọc, viết không ngừng nghỉ đến khi về hưu và cho tới nay. Bản thảo để lâu quá mực đã mờ, phải chép lại tới 3 lần, hiện chồng bản thảo dày 1 mét. Tôi đã có dịp tiếp cận một số nội dung bản thảo thì thực sự bất ngờ, bộ sưu tập khi được ra công khai ắt hẳn rất có ích cho các nhà nghiên cứu và với ai muốn trao dồi kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, giao thương quốc tế… Hầu hết các tư liệu đều rất quý hiếm. 

Nói rồi, GS nhiệt tình dẫn tôi đến nhà người đồng hương. Sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi viết bài “Một bộ từ điển bách khoa chưa từng được biết đến” đăng trên nhật báo Quân đội nhân dân. Và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã đọc bài đó, liền cử một thư ký đến gặp cụ Đinh Xuân Vịnh tìm hiểu. Sau đó còn có nhiều nhà nghiên cứu, nhà xuất bản tìm đến. Việc sử dụng bộ từ điển thế nào cho hợp lý, trở thành một bài toán khó. Nó quá đồ sộ, gồm hơn 4 vạn mục từ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Rồi có các cuộc hội thảo đánh giá và định giá công trình. Một mình mà dám viết từ điển bách khoa, vả lại tác giả không có học hàm, học vị gì, đó cũng là một điều băn khoăn lớn khi giám định công trình. Mất đến vài năm trao đi đổi lại, trình lên trình xuống, cũng chỉ đạt được một số kết quả khiêm tốn, như: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kết nạp tác giả làm hội viên và trao giải nhất cho riêng phần về tập tục, lễ hội văn hóa; Nhà xuất bản Lao Động đứng ra in một cuốn từ điển dày 600 trang riêng phần địa dư, địa lý; Hội đồng Từ điển bách khoa Nhà nước đặt mua lại một số mục từ. Thế rồi tới giữa thập niên 90 thế kỷ XX, mạng toàn cầu, Internet tràn vào nước ta, công cụ tra cứu trên xa lộ thông tin ngày càng phổ biến, thì giá trị của nhiều trang bản thảo trong bộ từ điển đồ sộ chưa được dùng đến cũng dần bị rơi vào quên lãng… 

Suốt những năm tháng đó, tôi luôn thấy người đồng hương Nguyễn Đình Chú đứng bên cạnh tác giả, ông tự nguyện đóng vai trò người “tuyên truyền”, đôi khi làm phản biện cho mọi người hiểu được giá trị thực của bộ từ điển, đã mấy lần ông viết bài phân tích thấu đáo cái quý hiếm của bộ từ điển cùng hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của tác giả trên các báo Nhân Dân, Văn Hóa. Chứng kiến những việc làm vô tư ấy của vị GS, tôi hiểu rằng ở đây ngoài cái tình đồng hương, ông còn chứng tỏ là người rất trân trọng thành quả lao động trí tuệ của người khác và hết lòng bảo vệ lẽ phải. Qua sự việc trên và sau này tôi còn có dịp được tìm hiểu nhiều điều về bản chất nhân văn trong con người ông với vai trò một người thầy, một nhà nghiên cứu đầu ngành về văn học Việt Nam.

GS.Nguyễn Đình Chú quê xã Nghi Hợp (Nghi Lộc, Nghệ An) dòng dõi Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí đời Hậu Lê sơ, thế kỷ XV. Cụ thân sinh là bạn với cụ Giải nguyên Phan Bội Châu, bạn học với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch. Cụ đã truyền dạy cho con trai lúc nhỏ những câu như: Trời không phụ người có lòng tốt; Việc mà biết đâu là đủ lòng thường vui…Trong bài mở đầu thay lời tự bạch cho cuốn “Nguyễn Đình Chú- Tác phẩm” khoảng trên dưới 2000 trang do Hội Nhà văn Việt Nam sắp xuất bản, ông viết:  “Không biết cụ Nguyễn Gia Thiều khi giáng bút viết hai câu thơ: Cái quay búng sẵn trên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, có biết hơn 200 năm sau trên đất nước của Vua Hùng có một chàng trai là tôi, chẳng được ông trời ban cho gì đáng kể về năng khiếu văn chương. Ấy vậy mà cái quay búng sẵn trên trời lại đã búng chàng trai đó vào cõi văn chương như một cái duyên không hẹn mà gặp, tới nay hơn sáu chục năm rồi…Điều may mắn cho tôi là được làm học trò những thầy nổi danh văn hóa học thuật của đất nước trong 3 năm học Đại học Sư phạm văn khoa Hà Nội (1954-1957). Đó là: Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu. Học xong được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, lúc đầu làm trợ lý cho triết gia Trần Đức Thảo về lịch sử triết học, nhưng chưa đến giữa đường đã đứt gánh. May lại được người đã tái sinh đời tôi là học giả Đặng Thai Mai gọi cho làm trợ lý về văn học Việt Nam…

 

Thầy cô trong lễ kỷ niệm 55 năm  ngày cưới.

Vừa qua, nhân dịp thầy thượng thọ 80 tuổi, học trò và các đồng nghiệp ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Nguyễn Đình Chú-Tim đèn thắp sáng mãi” (NXB Đại học quốc gia Hà Nội). “Tim đèn” được giải thích: chữ Chú, theo chữ Hán tức tim của lửa đèn, nơi để thắp lên ngọn lửa tỏa sáng. Và Tim đèn ấy luôn tỏa sáng với hơn 50 năm trong sự nghiệp trồng người của GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú.

Người ta hay ví nghề giáo như nghề chở đò, sau mỗi chuyến đò mấy ai còn nhớ người đã đưa họ sang sông. Nhưng, GS.Nguyễn Đình Chú là người “chở đò” rất được học trò nhớ đến và kính trọng. Điều này là bởi ông có cái “tình”, như tôi từng chứng kiến với trường hợp người đồng hương Đinh Xuân Vịnh, sau là bởi cái “tài”, ông thi vào trường, ra trường đều đỗ thủ khoa và nổi tiếng là người hiểu sâu biết rộng. Học trò gọi thầy là “hối nhân bất quyện” tức dạy người không biết mệt mỏi; đồng nghiệp thì yêu quý, trân trọng. PGS.TS Nguyễn Công Lý hiện ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh thổ lộ: “Riêng với thầy Nguyễn Đình Chú tôi có may mắn được học thầy nhiều lần ở 3 bậc học đại học, cao học và nghiên cứu sinh…Với tôi thầy mãi mãi là một vị ân sư, một người cha, một bậc sư biểu.” TS ngữ văn người Hàn Quốc Oh Eun Chul trong bài Thầy giáo yêu quý của tôi, có đoạn: “…sau 6 tháng tập trung, sản phẩm là quyển luận án gần 1000 trang quả là không phải nhỏ với thầy giáo đã gần 80 tuổi. Tôi nghĩ thầy không khỏi ngạc nhiên, song thầy rất bình thản, đọc và đưa ra nhiều ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thiện hơn về mặt học thuật. Nhờ thầy tôi bảo vệ luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc.” PGS.TS Nguyễn Đăng Na (Sinh năm 1942) vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, từng phát biểu: Thầy Chú là một trong 3 thầy quan trọng nhất cuộc đời tôi! Trong bài “Nguyễn Đình Chú: một lãng tử, một ông đồ Nghệ” GS.Phan Trọng Luận ở khoa Ngữ văn nhớ lại một kỷ niệm “…anh Chú là người dễ xúc động, chóng cảm thông với người khác. Có lần tôi đọc cho anh hai câu thơ khá chua xót về sự đời của cha tôi cho anh nghe. Cha tôi nói thời nô lệ, đất nước còn mà với người dân thì hóa ra mất. Còn ngày nay khi cha mẹ ly hôn tuy cha mẹ vẫn còn mà với con cái lại cũng hóa ra mất: Non nước vẫn còn mà hóa mất/Mẹ cha còn đó hóa ra không. Tôi đọc hai câu thơ và anh khóc. Sau đó anh luôn hỏi thăm về gia cảnh đôi vợ chồng người bạn không may mắn đó.”

Có một điều lạ, về học thuật GS.Nguyễn Đình Chú luôn tỏ ra có tư duy nhậy bén, sắc sảo, với những tìm tòi phát hiện mới trong nghiên cứu. Chẳng hạn những chuyên đề, trong đó có công trình cấp nhà nước của GS được giới khoa học xã hội, nhân văn đánh giá cao như: Mối quan hệ cân đối giữa đạo đức và giàu có- bài toán khó của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XXI; Để hòa nhập mà không hòa tan; Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần; Cần khẩn trương khôi phục việc học chữ Hán trong nhà trường… Ông cũng không phải người lười viết, bài của ông thường xuất hiện trong nhiều tạp chí nghiên cứu. Song ông chưa bao giờ có ý định viết cho riêng mình một tác phẩm dầy dặn, bởi ông quan niệm quý hồ tinh bất quý hồ đa. Về chuyện này, bạn đồng nghiệp, GS. Phan Trọng Luận gọi ông là “một lãng tử trong giới văn chương”; còn một học trò, nay là chủ nhiệm khoa viết văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS.TS Văn Giá thì cho rằng “…hình như, các thầy cũng là người không tha thiết lắm cái chuyện dựng bia, tạc tượng cho mình thì phải”.

Khi nói về cuộc đời, sự nghiệp của GS. Nguyễn Đình Chú không thể không nhắc đến người bạn đời của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thâm. Hơn 60 năm qua trải bao thăng trầm, vui buồn của dòng họ, của gia đình bà luôn sát cánh bên ông. Bà là con gái của nhà Hán học uyên thâm Nguyễn Đức Vân, tác giả chính của công trình đồ sộ Văn thơ Lý-Trần, đồng dịch giả Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái…Khi gửi tặng tôi cuốn “Tim đèn…” GS. Nguyễn Đình Chú nhắn: Anh nhớ đọc bài thơ bà Thâm khóc bố chồng. Tôi thêm yêu quý bà vì bà rất hiểu và thương bố tôi! Quả bài Viếng mộ cha (Kính dâng hương hồn bố Nguyễn Huy Côn) có những vần thơ thật cảm động: Nơi chín suối linh thiêng Thầy hỡi/Con hôm nay vẫn mãi con thầy/Mai sau hóa kiếp thân này/Cha con ta lại vui vầy thương nhau.

Tựa cho bài viết này về GS.Nguyễn Đình Chú, tôi lấy theo tựa của cuốn sách kia. Quả ông là Tim đèn thắp sáng mãi! 

 

 

Phạm Quang Đẩu