GS Đỗ Tiến Sâm vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng chiêm trũng Hà Nam, nên ông rất thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân thường xuyên “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thường xuyên được tiếp xúc với tư liệu, sách báo Trung Quốc, một vấn đề ông rất quan tâm là bài toán nông dân-nông nghiệp-nông thôn. Khi làm luận án Phó Tiến sĩ, ông mạnh dạn đăng kí nghiên cứu vấn đề mà ông nung nấu, với tên đề tài “Quá trình hình thành và phát triển xí nghiệp hương trấn [1] ở nông thôn Trung Quốc”. Năm 1994, ông bảo vệ và được hội đồng chấm luận án đánh giá cao.
GS.TS Đỗ Tiến Sâm trong buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm
Từ thành công bước đầu trong nghiên cứu nông nghiệp – nông thôn, thông qua kết quả của bản luận án, ông tiếp tục các hướng nghiên cứu mới về vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp và dân chủ hóa ở nông thôn. Những nghiên cứu này đều được xuất bản thành sách và có giá trị tham khảo hữu ích như: Vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc (năm 2005). Vấn đề tam nông ở Trung Quốc-thực trạng và triển vọng (năm 2009).
Theo GS Đỗ Tiến Sâm: “Do hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa-chính trị-kinh tế, nên cả hai nước đều cùng quan tâm đến việc giải bài toán Tam nông”. Vì vậy, thực hiện nghiên cứu so sánh, tìm ra những vấn đề cần tham khảo cho thực tế trong nước luôn là kim chỉ nam cho hoạt động khoa học, giảng dạy của ông.
Ngô Văn Hiển
[1] Xí nghiệp hương trấn: là loại hình doanh nghiệp sản xuất do chính quyền hoặc tập thể nông dân ở cấp hương, trấn (tương đương cấp xã của Việt Nam) làm kinh tế sau năm 1978.