Quen nhau từ thuở đôi mươi
Thiếu tướng Phạm Như Vưu sinh ra trong một trong gia đình nghèo ở Thái Bình, cha mất sớm, mẹ làm nghề dệt vải để nuôi ông ăn học. Sau khi được Bằng Sơ học yếu lược (năm 1937), thấy trong làng có nhiều người đã học trường Kĩ nghệ Hải Phòng và có việc làm, Phạm Như Vưu quyết định thi vào trường này. Vào cùng khóa với ông năm đó có Hoàng Văn Lãn – người sau này trở thành bạn đồng hành gắn bó với ông.
Hoàng Văn Lãn hơn Phạm Như Vưu một tuổi, quê ở vùng chiêm trũng Hà Nam. Hai ông cùng học trong một lớp có khoảng 30 người, Phạm Như Vưu ngồi bàn trước, còn Hoàng Văn Lãn ngồi bàn sau. Nhưng hồi ấy, hai ông chưa thân nhau và ít nói chuyện.
Khi ra trường, hai ông cùng về làm ở Nhà máy Carông (Hải Phòng) trong năm rồi mỗi người một nơi: Phạm Như Vưu làm thợ tiện trong Nhà máy đạn Phú Thọ còn Hoàng Văn Lãn làm giáo viên dạy nghề ở trường Kĩ nghệ Hà Nội.
Nhưng dường như định mệnh run rủi, kháng chiến toàn quốc bùng nổ (năm 1946), ông Lãn theo ông Nguyễn Duy Thái (lúc bấy giờ là Tổng Công trình sư của Cục Quân giới) về làm Phó phòng Chế tạo cơ khí, Cục Quân giới. Còn Phạm Như Vưu cũng được điều về làm Trưởng phòng Chế tạo cơ khí ở đây. Hai người – một trưởng, một phó trong một phòng cùng hợp tác, hỗ trợ cho nhau. Cũng từ đây hai ông thân thiết, gắn bó suốt một chặng đường dài.
Cùng học tập nơi xứ người
Năm 1951, trong khi cuộc Kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang chuyển sang giai đoạn tiến công Pháp quyết liệt với các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo…, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định cử cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô để tiếp tục cuộc kháng chiến và chuẩn bị lực lượng để xây dựng, phát triển đất nước. Như một sự xếp đặt của số phận hai con người, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn lại cùng được cử trong đoàn cán bộ này.
Hai ông lại được phân công cùng học một lớp chỉ có hai người của trường Cao đẳng Quân khí Tula và cùng ở chung một phòng. Có lần, hai học viên Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn phải học thuộc quyển Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô bằng tiếng Nga dày hơn 350 trang. Trước khi đi ngủ, các ông thường đặt câu hỏi, trả lời rồi đọc lại cho nhau nghe và trao đổi. Đến khi kiểm tra, hai ông đều được các thầy khen rất tốt.
Trong môi trường quân đội ở xứ bạn, hai ông càng có cơ hội gắn bó với nhau hơn. Khi ăn, các ông “ngồi một bàn, ăn ở nhà ăn cùng với anh em Liên Xô, ăn mọi món ăn mà anh em Liên Xô ăn, không đòi hỏi đặc biệt”. Hàng tháng các ông được trợ cấp 1000 Rúp, nhà trường trừ đi 360 Rúp tiền sinh hoạt, còn bao nhiêu các ông dành dụm mua sách và mỗi tháng gửi ủng hộ cho Sứ quán 500 Rúp.
Phạm Như Vưu (phải) và Hoàng Văn Lãn
tại Liên Xô , năm 1955
Phạm Như Vưu không muốn tháng nào cũng họp kiểm điểm nhưng ông Lãn “ke” (ông thường gọi Hoàng Văn Lãn như vậy vì có tay nghề giỏi, dũa mặt phẳng rất ke, mà tính tình cũng nguyên tắc, căn ke) tháng nào cũng họp và rất chặt chẽ trong việc kiểm điểm. Do đó, hàng tháng các ông đều họp chi bộ để kiểm điểm tư tưởng, thái độ, tình hình bài vở theo lời dặn của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh.
Khi sắp về nước (đầu năm 1955), biết miền Bắc đã giải phóng, thu được nhiều vũ khí sử dụng trong chiến tranh, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn đã viết tài liệu về kiểm tra, sửa chữa súng. Đồng thời, các ông bàn với nhau Việt hóa các thuật ngữ chi tiết súng pháo (trước đó thường gọi theo tiếng Trung Quốc hoặc Pháp) và gửi về nước đầu năm 1955. Khi chuẩn bị về nước, những mua sắm sinh hoạt hai ông bàn nhau cùng mua đồng hồ đeo tay novetga và một chiếc áo đi mưa kiểu quân đội.
Thiếu tướng Phạm Như Vưu kể: “Chúng tôi không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chiến dịch mà chúng tôi chiến đấu suốt 5 năm ở Liên Xô cũng không kém phần vất vả: hết sức học tập, cố gắng gìn vàng giữ ngọc, nhớ quê hương vợ con thấm thía…”. Và trong cuộc “chiến đấu” nơi đất khách quê người ấy, hai ông đã gắn bó, cùng giúp đỡ nhau vượt qua những thử thách không ít phần gian khó.
Sát cánh trong công tác
Cuối năm 1955, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn về nước bằng tàu hỏa. Sau một tuần nghỉ ngơi, Phạm Như Vưu được phân công viết tài liệu quản lí xí nghiệp, còn Hoàng Văn Lãn phụ trách hướng dẫn sửa chữa ở các xưởng quân giới các loại súng sau chiến tranh.
Năm 1960, ông Phạm Như Vưu được cử làm Phó Cục trưởng Cục Quân giới. Còn ông Lãn được phân công làm Phó Giám đốc kĩ thuật nhà máy Z1 (Yên Bái). Trước cương vị công tác của bạn, Phạm Như Vưu nhường cho Hoàng Văn Lãn bộ sách Bách khoa về công nghệ sản xuất máy 15 quyển – bộ cẩm nang về chế tạo máy mà hai ông nhờ ông Lê Văn Chiểu mua lại của một sinh viên ở trường Đại học Bauman (trong khi các hiệu sách ở Liên Xô không có).
Rồi như có “duyên tiền định”, hai người lại cùng đảm nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quân giới, hỗ trợ cho nhau trong công việc. Phạm Như Vưu phụ trách công tác quản lí, còn Hoàng Văn Lãn phụ trách kĩ thuật. Trong kí ức của người lính già, ông nhớ lại người bạn luôn cùng đồng cam cộng khổ của mình: “Ông Lãn phụ trách khâu kĩ thuật nhà máy, quán xuyến các phòng thiết kế, phòng công nghệ, kiểm tra chất lượng, phòng thí nghiệm vật lí, hóa học, cơ học, phòng đo lường, cung cấp năng lượng… Đó là một hệ thống phức tạp mà ông Lãn bao giờ cũng chú trọng đến công tác phục vụ sản xuất”. Ông Vưu cũng đồng tình quan điểm này và hai ông thường đi đến thống nhất trong công việc và ít khi bất đồng ý kiến…
Khoảng năm 1982-1983, ông Hoàng Văn Lãn bị ung thư gan và mất. Thiếu tướng Phạm Như Vưu đến thăm bạn trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhưng ông Lãn không còn nói được nữa. Tình bạn của hai ông bị số phận chia cắt từ đây.
Hai con người: một từ miền quê Thái Bình, một từ vùng chiêm trũng Hà Nam, gặp nhau ở Hải Phòng rồi hữu duyên gắn bó với nhau từ kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc và học tập nước ngoài. Tình bạn ấy càng được bền chặt khi cả hai ông đều công tác trong ngành bảo đảm Quân giới hàng chục năm. Tình bạn của hai ông khiến chúng ta chợt nhớ đến bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ…”
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.