Tình thương yêu thầy sẻ chia cho tất cả

Giáo sư, TS Trần Đức Hân sinh năm 1935, là cựu sinh viên khoá I, nguyên Chủ nhiệm Khoa Điện tử – Viễn thông của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ thủa thiếu thời, Trần Đức Hân đã thích nghề giáo nhưng việc vào nghề lại đến với ông một cách tình cờ. Ông tốt nghiệp cấp 3 ở Thanh Hóa năm 1953, lúc đó trường Y sĩ chỉ học bằng tiếng Pháp. Ông không đủ vốn tiếng Pháp nên không thể theo học. Cùng thời điểm này có trường Cao đẳng Giao thông công chính (ở Việt Bắc) tuyển học sinh Trung cấp về Bưu điện và Vô tuyến điện. Nghe đến “Vô tuyến điện”- một ngành mới lạ nên ông thích và đăng ký ngay. Kỳ thi năm đó ông đỗ thứ nhì và lên học tại trường.

Năm 1954 hòa bình lập lại, Trần Đức Hân học xong và về Thủ đô làm việc tại Tổng cục Bưu điện nhưng vẫn thèm được học vô cùng. Đang công tác, được hưởng mức lương 54 đồng, nhưng ông bỏ làm để xin vào học chuyên ngành Điện- Vô tuyến điện của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mặc dù chưa biết sẽ học ra sao và chỉ được học bổng 24 đồng/tháng. Học đến năm thứ ba, ông được chọn đi học tiếp ở trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (Liên Xô), tốt nghiệp về nước năm 1963, ông được phân công giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giáo sư Trần Đức Hân tâm sự: ông vào nghề một cách tình cờ nhưng ông rất thích và tận tụy với nghề. Quan niệm việc dạy học không thể tách rời nghiên cứu khoa học và trường đại học phải luôn đi trước về khoa học kỹ thuật, nên ông luôn tìm tòi các vấn đề mới để đưa vào giảng dạy. Mỗi khi nghiên cứu một lĩnh vực mới, ông phải đọc rất nhiều mà ông nói vui là “đọc nhiều đến nỗi bạc trắng cả tóc”. GS Trần Đức Hân là người đầu tiên đưa Kỹ thuật siêu cao tần vào giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1965; nghiên cứu phục hồi Đèn phát MH-829. Ông cũng là người đầu tiên chế tạo Laser CO2, và đưa môn Thông tin cáp sợi quang vào chương trình giảng dạy. Hiện nay, ông đang hướng dẫn nghiên cứu sinh đi theo hướng mới nghiên cứu về Vi mạch bằng quang.

Gặp GS.TS Trần Đức Hân trong căn nhà nhỏ ở phố Đặng Tiến Đông, ông chia sẻ với chúng tôi nhiều kỉ niệm trong cuộc đời hoạt động dạy học của mình. Đặc biệt gây ấn tượng sâu đậm với chúng tôi là hai bài thơ do sinh viên Lê Hồng Hà (học K43 trường Đại học Bách khoa Hà Nội) sáng tác và tặng ông nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11- 2003.

Bài thơ của sinh viên Lê Hồng Hà tặng GS Trần Đức Hân

Hai bài thơ, một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Anh được viết bằng bút bi mực đen và xanh, trên giấy kẻ ngang khổ 14x21cm và được GS.TS Trần Đức Hân cẩn thận bọc trong lớp nilon trắng. Bài thơ tiếng Anh mang tựa đề: “Why God made teacher?” (Tại sao Chúa lại sinh ra thầy giáo-TG), trong đó có một câu khá ấn tượng, mang tính triết lý: “Why God created teacher. In his wisdom and his grace. Was to help us learn to make our world” (Tại sao Chúa lại sáng tạo nên người thầy giáo? Với sự tinh thông của thầy đã giúp cho chúng ta học cách xây dựng thế giới này-TG).

Bài thơ bằng tiếng Việt không theo hình thức thơ mà như một bức thư với những lời văn được gieo vần điệu, thể hiện tình cảm biết ơn của Lê Hồng Hà với thầy. GS.TS Trần Đức Hân đọc bài thơ này và rất xúc động, mắt ông ngấn lệ khi đọc đến câu: “Rồi thời gian trôi tính bằng năm học, hết lớp này, thầy lại đón lớp khác: đứa giỏi, đứa lười, đứa hiền, đứa phá, tình thương yêu thầy sẻ chia cho tất cả…”.

Ông nhớ lại: trong cuộc đời làm thầy giáo, ông luôn quan tâm, thật sự thương yêu học trò, có những lần đến tận phòng trọ để giảng phụ đạo cho học viên. Sinh viên có người giỏi, người chăm chỉ, người lười nhác… nhưng tình cảm của ông đối với học trò không có sự phân biệt đối xử, tất cả đều được thầy ân cần dạy bảo. Đối với những sinh viên giỏi, thầy đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện để họ có cơ hội tiếp tục học sau đại học. Ông đã từng trực tiếp xin học bổng cho 13 học trò của mình đi học nước ngoài. Nhiều nhất là sinh viên sang học tại trường Đại học Thông tin – Truyền thông Hàn Quốc (ICU). Nhà trường ICU thường khai thác đề tài từ hợp đồng của các hãng điện tử Viễn thông trên thế giới giao cho sinh viên nghiên cứu và làm việc trong phòng thí nghiệm. Sinh viên Việt Nam vừa có điều kiện tiếp xúc và học hỏi trình độ quốc tế, vừa nghiên cứu lao động ngày đêm để có kết quả, sử dụng trong Luận án của mình.

Trong số sinh viên giỏi của ông có Lê Hồng Hà. Anh quê ở Nghệ An, nhà nghèo nhưng học giỏi, được ông hướng dẫn từ khi làm Khóa luận tốt nghiệp đến khi bảo vệ Luận văn Thạc sĩ. Thấy hoàn cảnh của Hà khó khăn, lại học giỏi nên GS.TS Trần Đức Hân xin học bổng cho anh sang trường ICU học. Sau khi hoàn thành các thủ tục, phía bạn đồng ý nhận nhưng Lê Hồng Hà bất ngờ không đi vì bố mẹ mất, anh phải ở nhà đi làm nuôi em ăn học. GS.TS Trần Đức Hân rất tiếc cho cậu sinh viên này. Lê Hồng Hà rất kính mến thầy Hân, xem ông như người cha thứ hai của mình và những vần thơ đầy xúc động mà anh sáng tác kính tặng thầy, đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã dạy bảo, truyền thụ tri thức cho mình.

Thời gian trôi đi, GS Trần Đức Hân vẫn trân trọng lưu giữ hai bài thơ này trong suốt chín năm qua và luôn nhớ về cậu học trò cũ Lê Hồng Hà.

Trần Bích Hạnh