“Tình yêu nghề đã giúp tôi thành công”

Đó là chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 vừa qua.

Sinh năm 1944, tại Thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), vào đại học ở tuổi 20, được xếp học ngành Cây lương thực, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm nghĩ đây là một ngành phù hợp với mình nên cố gắng học hành với mong ước góp phần làm cho nông dân có bữa cơm no.

Ra trường, được làm việc tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nên chị có cơ hội thực hiện khát vọng tìm kiếm những giống lúa tốt. Tập sự xong, chị tiến hành nghiên cứu tại bộ môn “Chọn tạo giống lúa” dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Định Của, nhà Di truyền – chọn giống nổi tiếng từ Nhật Bản trở về. Thầy đã truyền đạt cho chị kiến thức khoa học cơ bản, phương pháp thực hành giúp biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm phục vụ xã hội. Tấm gương nghiên cứu khoa học mẫu mực đầy sáng tạo của thầy Lương Định Của và các nhà khoa học nông nghiệp thế hệ trước luôn thôi thúc chị làm việc tận tụy hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm với công việc nghiên cứu các giống lúa. (Ảnh: Bích Lan)

Năm 1980, đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô, chị chọn đề tài nghiên cứu giống lúa để có cơ hội học lý thuyết cơ bản làm cơ sở cho chuyên môn sau này. Tốt nghiệp xong, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm trở lại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội làm giảng viên khi tuổi đã 40.

Sau mỗi giờ giảng, chị luôn suy nghĩ tìm ra những nội dung hay nhất, mới nhất của môn học để truyền đạt, phân tích mở rộng giúp cho người học cũng say sưa suy nghĩ liên hệ theo.

Ngoài giờ giảng trên lớp, PGS. TS Nguyễn Thị Trâm dành nhiều thời gian đi xe đạp xuống nông thôn, tìm hiểu hoạt động của đội giống ở các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, giúp họ chọn lọc trên các ruộng lúa giống, hướng dẫn rút dòng thuần vận động cấp 1 hóa giống lúa, đưa hạt giống siêu nguyên chủng cho họ nhân và cung cấp cho nông dân tại địa phương. Những việc làm ấy tuy vất vả nhưng giúp chị yêu nghề nghiệp hơn.

Những năm 1990, nhu cầu về hạt giống lúa lai có năng suất cao gia tăng ở mọi miền đất nước, hạt giống lai từ nước ngoài tràn vào thị trường ồ ạt tạo sức ép cho ngành giống Việt Nam. Năm 1993, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm được Bộ Nông nghiệp cho tham dự lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai tại Trung Quốc 3 tháng.

Sau đợt học, chị thu được nhiều kiến thức, tài liệu, phương pháp để bước vào một hướng nghiên cứu mới: Tìm kiếm, xác định, chọn tạo cải tiến các vật liệu di truyền để tạo dòng bố mẹ và tạo giống lúa lai cho đất nước. Lúc này, niềm đam mê chọn tạo giống cuốn hút mọi thời gian và suy nghĩ của chị.

Chị luôn tự hỏi: Không có lẽ người Việt Nam lại không thể tạo được giống lúa lai cho chính mình ? Mặc dù chưa biết lấy phương tiện và kinh phí nghiên cứu từ đâu, nhưng chị nghĩ phải bắt đầu ngay.

“Tôi gieo trồng, tổ chức sinh viên làm thí nghiệm lai tạo, đánh giá, chọn lọc… Một số công việc tỉ mỉ mất thời gian như: tuốt dòng, phơi cá thể, sắp xếp, đo đếm bông hạt… tôi phải nhờ chính mẹ mình làm. Biết được khó khăn, thiếu thốn và quyết tâm của tôi, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn đã mời Hiệu trưởng Nhà trường và tôi lên gặp để cấp cho 9.000 đô la (quĩ dành riêng cho Bộ trưởng) để chúng tôi mua sắm một số trang bị tối thiểu cho nghiên cứu. Sự quan tâm của Bộ trưởng thúc đẩy tôi làm việc miệt mài hơn” – PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm chia sẻ.

Tuy nhiên, để tạo giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng tốt lại vừa chống chịu sâu bệnh và thích ứng cho nhiều vùng, nhiều vụ thì cần thời gian dài. mà PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lại đã đến tuổi nghỉ hưu, qũy thời gian làm việc đã hết.

Để thực hiện những ước mơ của mình, năm 2004, PGS. TS Nguyễn Thị Trâm đã trình bày tâm nguyện với Ban lãnh đạo Đại học Nông nghiệp ở lại trường tiếp tục công việc nghiên cứu tạo giống lúa mới cho năng suất cao. Đề nghị được chấp nhận và chị ở lại làm việc vô tư hết mình như thời còn trẻ, không kể thời gian, mưa nắng, khó khăn.

Chị dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để cải tiến những nhược điểm của từng vật liệu, chọn lọc, đánh giá và cuối cùng sự cố gắng không mệt mỏi đã đem lại thành công là tạo ra các dòng bất dục đực, các dòng cho phấn mới, các giống lúa lai, lúa thuần có giá trị sử dụng cao. Giống lúa lai hai dòng TH3-3 cùng với qui trình nhân hạt giống bố mẹ và qui trình sản xuất hạt lai F1 được công nhận năm 2005, được trình diễn trên 26 tỉnh, thành và được nông dân chấp nhận.

Sau giống lúa lai TH3-3 là TH3-4, TH3-5, TH5-1, TH7-2 và lúa thuần thơm Hương cốm. Các giống này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng nên nhu cầu về hạt giống lai tăng lên hàng năm.

“Chúng tôi không thể sản xuất và cung ứng kịp nên đã quyết định chuyển nhượng bản quyền cho các công ty vì họ có điều kiện tốt về tài chính, có kinh nghiệm kinh doanh, có thể mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu của nông dân. Việc chuyển nhượng bản quyền đã tạo ra bước đột phá mới trong nghiên cứu khoa học. Chuyển nhượng xong, diện tích sử dụng giống mở rộng nhanh rõ rệt. Các công ty đã mở ra những vùng sản xuất hạt giống lai rộng lớn, tạo công việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp có tay nghề cao, thu nhập cao hơn trồng lúa thường…” – PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm cho biết.

Chị tâm sự: “Tình yêu nghề giúp tôi thành công trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nghề nông ở nước ta hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và gây thiệt hại vô cùng lớn… Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiêp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, khoa học nông nghiệp là khoa học ứng dụng, đòi hỏi người nghiên cứu phải đầu tư nhiều thời gian thâm nhập thực tế, kiên trì thử nghiệm trên đồng ruộng ở nhiều vùng, nhiều vụ khác nhau nên khi thành đạt thì đa số tuổi của họ đã quá cao. Những thách thức đó thật vô cùng khắc nghiệt. Để thu hút các nhà khoa học đóng góp cho việc nghiên cứu, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn để giúp họ có điều kiện thử nghiệm, hiện thực hóa các ý tưởng mới của mình”.


BL

Nguồn: http://daihoi12.dangcongsan.vn