Tờ báo của GS.TS Hoàng Đức Kiệt

Năm 1971, khi đang công tác tại Bệnh viện tỉnh Nam Định, BS Hoàng Đức Kiệt được cử đi thực tập tại CHDC Đức. Cùng đi chuyến ấy có các bác sĩ: Nghiêm (học chuyên ngành Phục hồi chức năng), Trần Ngọc Khang (học Ngoại khoa), Nguyễn Văn Lang (học Nội tiêu hóa), Văn Đình Hoa (học Miễn dịch học)…

Thàng 12-1971, đoàn bác sĩ của Bộ Y tế Việt Nam sang sân bay Schonefeld, Berlin. Cả đoàn được học 3 tháng tiếng Đức tại trường Đại học Humboldt, Berlin. Sau đó, BS Kiệt bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế Việt Nam giao là học nâng cao những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực Điện quang chẩn đoán tại khoa Điện quang, trường Đại học Rostock. Ông coi đây là nhiệm vụ của Đảng giao cho mình phải hoàn thành.

BS Hoàng Đức Kiệt luôn có cảm giác “như ở nhà”. Đặc biệt, ông thấy rõ tình hữu nghị của các bác sĩ, sinh viên và nhân viên của khoa Điện quang đối với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. BS Kiệt đã chứng kiến nhiều hoạt động đoàn kết hữu nghị của người dân Đức, như quyên góp tiền, hiến máu để gửi sang Việt nam.

Năm 1970, trường Đại học Rostock và trường Đại học Y Hà Nội đã ký một văn bản hợp tác nhân dịp kỷ niệm 550 năm thành lập trường Đại học Rostock. Theo đó, tháng 11-1969, một đoàn đại biểu phía Việt Nam do GS Hồ Đắc Di dẫn đầu đã đến thăm trường Rostock. Năm 1971, GS Nguyễn Trinh Cơ cũng đến trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư trường Đại học Rostock về phẫu thuật mạch máu. Tiếp theo, BS Nguyễn Hữu Hồng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Rostock chỉ vài tuần trước khi BS Kiệt đến đây học. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ, nhân viên khoa Điện quang Tim mạch thuộc Đại học Rostock, cùng với tinh thần và sự nỗ lực hết mình của BS Kiệt, chỉ sau một thời gian ông đã có thể thực hiện những kỹ thuật hiện đại về chụp cản quang mạch máu, như chụp động mạch thận, chụp mạch lách-cửa, chụp động mạch chủ, chụp hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống và thông dò tim. Ông đã nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên trong khoa. Họ coi ông như một bác sĩ của khoa thực thụ, một người đồng nghiệp chứ không phải là người đến học nâng cao chuyên môn.

Bên cạnh học tập chuyên khoa, ông cũng được nâng cao nhanh chóng về tiếng Đức và trở thành một thành viên hòa nhập trong cộng đồng điện quang của trường Đại học Rostock. GS F. Held – Giám đốc Viện, PGS.TS Unterspann và các thành viên của Viện đều làm quen với BS Kiệt, ông còn được mời đến ăn cơm tại nhà riêng của nhiều đồng nghiệp. Ông tặng quà cho đồng nghiệp là những đồ lưu niệm nhỏ làm bằng tre hoặc sừng trâu mang từ Việt Nam sang. Qua tiếp xúc, mọi người không chỉ đánh giá cao về năng lực, sự cần mẫn, tính độc lập, sự khéo léo trong nghề nghiệp, mà còn ấn tượng bởi sự khiêm tốn, tình thương ông dành cho gia đình và người thân ở Việt Nam.

BS Hoàng Đức Kiệt còn làm khách  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nhiều hoạt động của học sinh, sinh viên cũng như của nhiều tập thể khác ở vùng Rostock, thu hút những hoạt động nhân đạo góp phần giúp đỡ quê hương Việt Nam.

Năm 1973, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết. Những tin tức tốt đó đã trở thành động lực thôi thúc ông đẩy nhanh việc học tập của mình. Thời gian này ông còn bắt đầu học thêm tiếng Anh. Ông đến Viện đào tạo sau đại học tại Erfurt học thêm nhiều tuần lễ tham quan, học tập những phương pháp điện quang của họ .

Hoạt động hữu nghị ngày một tăng cường. Qua báo chí, ông được biết chỉ riêng năm 1973 cán bộ nhân viên của trường Đại học Rostock đã chuyển giao 174.000 Mark vào quỹ tín dụng Hữu nghị với Việt nam.

Nhờ chuyên môn tốt, lại tích cực tham gia hoạt động của học sinh, sinh viên vùng Rostock, BS Hoàng Đức Kiệt được nhiều đồng nghiệp biết và quý mến. Họ giới thiệu ông cho nhà báo Wolfgang Hartig và nhà báo này rất hứng thú tìm hiểu về ông. Sau một cuộc phỏng vấn dài, nhà báo Wolfgang Hartig đã viết bài với tựa đề "Unser Kiet" (dịch: Kiệt của chúng ta) đăng trên nhiều tờ báo ở CHDC Đức: báo Nước Đức mới, báo Nhân đạo, báo Chữ thập đỏ Đức, báo Tribüne… Các bài báo này có cùng tên gọi và nội dung chính:

Mở đầu bằng việc giới thiệu BS Kiệt và một nhóm bác sĩ người Việt đến Đức học tập. Sau đó bài báo có những nội dung như sau: Giới thiệu tóm tắt về hoàn cảnh bản thân và gia đình BS Kiệt, từ khi ông sinh ra đến khi ông sang Đức thực tập; Điểm qua tình hữu nghị giữa trường Đại học Rostock và trường Đại học Y Hà Nội; Nhấn mạnh việc BS Kiệt được tập thể bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên của khoa Điện quang Tim mạch thuộc Đại học Rostock coi là đồng nghiệp; Cuối cùng là câu chuyện về những trải nghiệm trong hoạt động tập thể góp phần nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là việc ông đã góp phần vào hoạt động dẫn đến kết quả chuyển giao 174.000 Mark vào quỹ tín dụng Hữu nghị với Việt nam.

Mỗi khi bài được đăng, nhà báo Wolfgang Hartig lại gửi tặng BS Hoàng Đức Kiệt một tờ báo có bài đó. BS Kiệt hết sức vui sướng, có khi ông cắt riêng bài báo để lưu giữ, nhưng riêng tờ báo Deutsches rotes kreuz (Chữ thập đỏ Đức) số 6-1974 (là một quyển, bài “Unser Kiet” in ở trang 8 và 9) thì ông giữ nguyên.

Khi về nước, BS Hoàng Đức Kiệt mang về toàn bộ các bài báo đó để giới thiệu với bạn bè, người thân. Các bài báo này cũng là kỷ niệm của ông về thời gian học tập tại CHDC Đức. Như ông chia sẻ: Thời gian ở Đức vẫn là đẹp nhất, đẹp ở quan hệ giữa người với người.