Tờ báo Y học thời Chiến khu Nam Bộ

Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần ở Sài Gòn, năm 1940 Trương Công Trung ra Hà Nội và thi đậu trường Đại học Y khoa đúng như ước muốn trở thành thầy thuốc cứu người. Năm 1945, khi đang là sinh viên năm thứ 5 trường Y thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, Trương Công Trung tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội. Hưởng ứng lời kêu gọi “Xếp bút nghiên lên đường đấu tranh”, ông đã cùng một số anh em, bạn bè đạp xe Nam tiến, về Sài Gòn và nhận nhiệm vụ mới. Cuối năm 1945, ông được cử làm Viện trưởng Quân y Viện Khu IX.

Trong 7 năm, từ năm 1947 đến 1954, dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ, Viện trưởng Trương Công Trung, Quân y Viện Khu IX đã tổ chức đào tạo nhiều khóa cán bộ y tế về các chuyên khoa như Ngoại, Nội, Sản, Dược… Số cán bộ được đào tạo qua các khóa, sau này tập kết ra Bắc, có điều kiện tiếp tục học tập, đa số đã tốt nghiệp bác sĩ. Nhiều người trở về miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ và trở thành những cán bộ cốt cán của ngành Y tế ở miền Nam.

Hội nghị Quân Dân y ở Nam Bộ (Khu 7, 8, 9)

do Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ triệu tập, Bạc Liêu, tháng 11-1949. 

Hàng ngồi (từ trái qua phải): Bác sĩ Dương Văn Ân, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Phạm Văn Bạch,…

Hàng đứng: Bác sĩ Trương Công Trung (thứ 3), bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (thứ 4), bác sĩ Phan Bá Cư (thứ 5),

bác sĩ Nguyễn Thiện Thành (thứ 6),…

Đồng thời với việc Quân y Viện tổ chức các lớp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ y tế, Bác sĩ Trương Công Trung nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và người dân trong thời kỳ chiến tranh. Nhận thấy ông Tư Nhơn (em trai Bác sĩ Trung), một cán bộ có khả năng về công tác quần chúng, luôn nhạy bén trong các hoạt động văn hóa, đoàn thể, nên Bác sĩ Trương Công Trung đã chỉ đạo ông Tư Nhơn tìm hiểu, học tập tờ báo “Vui sống” của Bác sĩ Từ Giấy ở Chiến khu Việt Bắc và ông cùng cộng sự đã cho ra đời Tờ báo Y học đầu tiên của Quân y Viện Khu IX, lấy tên là Hiếu học. Mục đích của Tờ báo rất rõ ràng: “Tập san của Quân Khu IX ra đời, ngoài việc giúp nâng cao trình độ hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quân y, còn là nơi mọi người có thể bàn luận trao đổi kinh nghiệm với nhau, về các phương pháp điều trị, chẩn đoán bệnh, về cấp cứu… Tờ báo đã tập trung những bài viết mang tính thời sự, giáo dục, truyền bá kiến thức y tế. Với chủ đề nội dung phong phú, các bài viết đều nhằm vào thực tế sống động liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của thầy thuốc, nhằm giáo dục ý thức vệ sinh trong quần chúng nhân dân”[1].

Ban đầu, Tờ báo chỉ có một thư ký đánh máy với chiếc máy đánh chữ và máy in thủ công (xu xoa). Sử dụng giấy pơ-luya để nhân được nhiều bản đủ phân phối cho các nơi. Về nội dung của Tờ báo Y học này, thực chất là phổ biến những vấn đề khoa học về y tế, về sức khỏe, chủ yếu là những bài viết về các bệnh tật phổ biến, kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị. Nhưng tập trung nhiều nhất là bài viết về truyền bá vệ sinh với các chủ đề chống bệnh sốt rét, chống muỗi đốt, chống lây lan thương hàn…Người dân nơi đây có tập quán thải nước giặt giũ, rửa chén bát xuống các sông, rạch, kênh mương. Nước thải đó đều đổ xuống rừng U Minh, nơi ở của cán bộ Quân Y viện, nên hàng năm bệnh thương hàn luôn thường trực. Thông qua Tờ báo Hiếu học này, các bác sĩ muốn tuyên truyền nếp sinh hoạt ăn sạch, uống sạch, xây dựng nếp sống văn minh, hướng dẫn nhân dân trong vùng tận dụng uống nước “khóm ép” (một loại trái thơm có tên gọi là dứa ở rừng U Minh, Rạch Giá), một nguồn vitamin C vô tận, rất cần cho bệnh nhân bị thương hàn. Nhiều bài viết hướng dẫn nhân dân và bộ đội tận dụng các loại rau rừng sẵn có: đọt choạy, đọt nhãn lòng, đọt xoài để chống tê phù do thiếu vitamin B. Vào thời kỳ đó, nội dung các bài báo của Tờ báo Hiếu học phù hợp với chủ trương của Sở Y tế Quân dân Y Nam Bộ.

Những năm 50 của thế kỷ XX, trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, thương bệnh binh ngày càng nhiều, đa số trong đó là những thương tổn ở các chi, dập xương do bom mìn, vết thương bị nhiễm trùng… Khi ấy còn có nhiều quan điểm chưa đúng đắn trong xử lý thương tích, ví dụ như bị gãy xương là phải cắt cụt chi. Điều đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của thương bệnh binh và bộ đội khi chiến đấu. Thấy được tầm quan trọng của vấn đề, Bác sĩ Trương Công Trung đã viết bài “Nỗi lòng của cưa cắt” để chia sẻ với thương bệnh binh, cán bộ chiến sĩ hiểu lý do vì sao buộc phải cắt chi do những hư tổn nặng ở xương, ở mạch máu và dây thần kinh. Đồng thời, ông giới thiệu khả năng điều trị, phương pháp mới, hạn chế tối đa để thương binh không bị tàn phế hoặc không bị tàn tật nặng nề mà vẫn còn khă năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Bài viết của ông được đăng tải trên Tờ báo Hiếu học đã mở ra nhận thức mới cũng như để lại trong lòng thương bệnh binh và cán bộ quân y ấn tượng sâu sắc. Bên cạnh đó, báo Hiếu học còn đăng tải những bài viết mang tính trào phúng nhằm mang lại tiếng cười cho các thương bệnh binh, cán bộ y tế, giúp họ quên đi những khó khăn về vật chất, cái đói, cái rét trong chiến trường đầy ác liệt. Ví dụ như bài viết “Vinh nhục của cái răng vàng” của Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành …

Cuối năm 1954, Hiệp định Genevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Theo chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, hầu hết cán bộ y tế của Quân y Khu IX tập kết ra Bắc bằng tàu Stavoropon và tàu Arkanghens của Hải quân Liên Xô giúp đỡ để tiếp tục học tập. Bác sĩ Trương Công Trung nằm trong Ban tổ chức chuyển quân của Phân liên khu miền Tây, ông đi trên chuyến tàu cuối cùng Kilinski của Hải quân Ba Lan với Tiểu đoàn 307 để bảo vệ bến chuyển quân, kết hợp tập trung toàn bộ quân số còn lại ở các nơi và chở thêm một số lương thực, thực phẩm.

Tạm dừng việc học tham gia kháng chiến, ông đã quay trở lại trường Đại học Y khoa Hà Nội tiếp tục học và bảo vệ Luận văn tốt nghiệp bác sĩ. Luận văn tốt nghiệp của ông không những trình bày về những vấn đề chuyên môn được đúc rút qua những trải nghiệm trong 9 năm phục vụ kháng chiến, mà còn thể hiện tâm huyết của một người bác sĩ, do vậy bản Luận văn được Hội đồng đánh giá là “Một công trình trí tuệ đồ sộ”[2]. Năm 1955, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Sau khi trở về nước, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Từ năm 1964-1974, với cương vị Phó phòng Quân y, kiêm Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ miền Nam (B2), Tiến sĩ Trương Công Trung đã tham gia Chương trình đào tạo các Bác sĩ chuẩn bị cho chiến trường miền Nam (B2) sau này. Nhìn lại hoạt động của thời kỳ này, ông viết: “Chuyển sang giai đoạn kháng chiến tranh chống Mỹ, phải chăng là “duyên nợ”, tôi và anh Ba Thành lại gặp nhau ở trường Quân y miền Nam với nhiệm vụ đào tạo bác sĩ quân y, đáp ứng cho yêu cầu của chiến trường đánh Mỹ, xây dựng và phát triển quân chủ lực miền Nam trong đó có đội ngũ Bác sĩ ở tuyến quân y Trung đoàn và Sư đoàn”[3]. Tại thời điểm này, công tác làm Báo Y học chuyển sang một cơ chế mới: Biên soạn và in ấn tài liệu huấn luyện bác sĩ Quân y do các Bộ môn Y học cơ sở (Giải phẫu, Phẫu thuật thực hành, sinh lý, dược lý) và các Bộ môn lâm sàng (Nội khoa, Ngoại khoa, các chuyên khoa mắt), tổ chức chiến thuật quân y thực hiện… Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, công việc trở nên khó khăn hơn khi thiếu thốn về điều kiện vật chất, tài liệu tham khảo, phương tiện. Về cơ sở vật chất “Không có máy in Roneo, phải tự tạo một máy in cải tiến với một khung gỗ, căng vải nilông, gắn giấy sáp lên khung vải, rồi dùng một cái quay đã gắn cán dùng để kéo trên khung in, phải kéo đều tay để in từng tờ tài liệu”[4]. Về tổ chức, có Nhà in Nguyễn Văn Trỗi đảm bảo cho việc in ấn, thêm một bộ phận của trường Quân y sĩ miền Nam được biên chế để phục vụ công tác in ấn nhằm đảm bảo tài liệu giảng dạy cho sinh viên trong trường. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ lòng quyết tâm của tập thể, biết phát huy sức mạnh tổng hợp, Tiến sĩ Trương Công Trung cùng với các đồng chí của mình như: bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, bác sĩ Vũ Trung Kính, bác sĩ Hồ Văn Huê[5]…, phối hợp với cán bộ chuyên trách của Phòng Quân y và các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện Thực hành Đ72, K71, lần lượt các bài giảng được in ra, kịp thời cung cấp tài liệu giảng dạy. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cũng là lúc Trường Quân y sĩ miền Nam dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Trương Công Trung đã xây dựng được các tài liệu phục vụ giảng dạy cho học viên trong trường cũng như phổ biến cho các cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh.

Sau này, khi nhìn nhận lại vai trò của Báo chí Y học trong thời chiến, GS.TS Trương Công Trung đã viết: “Ngay từ khi mới thành lập, Báo chí Y học là tiếng nói của khoa học về sức khỏe và phát triển xã hội! Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, Báo Y học cũng như tài liệu y khoa đã phản ánh thực tế đấu tranh cách mạng, đồng thời bảo vệ sức khỏe, xây dựng và phát triển sức khỏe đạt được mục tiêu mà cách mạng đã đề ra cho Quân và Dân y”[6].
 

GS.TS Trương Công Trung sinh năm 1919 tại Bình Long, Vĩnh Long.

Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách:

– Từ 1947 – 1954: Viện trưởng Viện Quân y Quân Khu IX; Viện trưởng Quân y viện Phân Liên khu miền Tây;

– 1961 – 1964: Tổng Chủ nhiệm khoa, kiêm Chủ nhiệm Khoa Sọ não và Tiết niệu; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự Viện 103; kiêm Chủ nhiệm liên Khoa Ngoại, phụ trách Bộ môn Ngoại Trường Đại học Quân y;

 – 1964 – 1974: Phó phòng Quân y, kiêm Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ miền Nam (B2);

– 1976 – 1995: Viện trưởng Viện Quân y 175; Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh;

– 1995: Nghỉ hưu;

– 10 – 2006: Mất tại Sài Gòn.

                                                                                                                                                       

Bích Phương – Nguyễn Thanh Hóa  

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

1] Trích “Ký ức thời gian”. Trương Thị Hoàng Minh. NXB Trẻ, 2005, tr. 66. 

[2] Trích “Ký ức thời gian”. Trương Thị Hoàng Minh. NXB Trẻ, 2005, tr.133 

[3] Trích bản viết tay “Kinh nghiệm làm báo y học trong chiến khu” của GS Trương Công Trung, 1995.

[4] Trích bản viết tay “Kinh nghiệm làm báo y học trong chiến khu” của GS Trương Công Trung, 1995.

[5] Hồ Văn Huê (1917-1976), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Miền, Trưởng phòng Quân y miền.

 

6] Trích bản viết tay “Kinh nghiệm làm báo y học trong chiến khu” của GS Trương Công Trung, 1995.