2.Tổ Cổ Cận Dân được thầy Khánh kiến thiết nên “từ hai bàn tay trắng”:
Theo những gì được miêu thuật lại trong lịch sử của khoa Ngữ văn, thì vào lúc thành lập trường Đại học Tổng hợp nói chung, khoa Ngữ văn nói riêng, bộ môn Cổ Cận Dân không có chút vốn liếng nào đáng kể từ các bậc tiền bối để lại. Trong số các giáo sư nổi tiếng “từ thời Tây” được điều về xây dựng nên khoa, không có ai là chuyên gia thực thụ về văn học trung đại hay văn học, văn hóa dân gian, Bản thân thầy Đinh Gia Khánh lúc bấy giờ cũng mới được “gọi về Đại học” từ một trường cấp ba, mà vốn liếng được đào tạo quan trọng nhất chỉ là hai ngoại ngữ Anh + Pháp sử dụng thoải mái, (về sau tôi mới biết thêm rằng ông cũng đã kịp học tiếng Đức đến mức đọc được tài liệu). Bộ môn cũng không có ai là thành viên của Ban Văn Sử Địa từng làm nên diện mạo sơ kỳ của nền khoa học xã hội Việt Nam non trẻ. Ngoại trừ thầy Hoàng Hữu Yên là người đồng trang lứa với thầy Khánh, là cán bộ kháng chiến chống Pháp trở về , còn hầu như tất cả các thành viên của tổ thuộc “thế hệ đầu tiên” đều được thầy Khánh “tuyển lựa” hay “dụ dỗ” mà thành: thầy Bùi Duy Tân, thầy Chu Xuân Diên sinh viên khóa 1, thầy Nguyễn Lộc cán bộ đi học sinh viên khóa 3, thầy Võ Quang Nhơn là cán bộ đi học thuộc khóa 4 . Trong tổ lúc bấy giờ còn một vài thành viên trẻ khác, nhưng về sau lại chuyển đi, như thầy Nguyễn Ngọc Sơn, cũng là cựu sinh viên khóa 1. Thầy Trần Đình Hượu tuy chỉ kém thầy Khánh 2 tuổi, nhưng vì đi nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô phải về giữa chứng, mãi đến năm 1964 mới chính thức trở thành cán bộ giảng dạy của khoa Văn học, “đầu quân” vào tổ của thầy Khánh. Đến khóa 7, tổ mới bổ sung thêm 3 người: thầy Mai Cao Chương, cán bộ đi học, bổ sung cho phần văn học cổ (thầy Chương được “tăng cường” cho Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng), thầy Trần Vĩnh (Prékimalamax, người Châu Ro, sau giải phóng về Nam) và thầy Lê Chí Quế cho phần văn học dân gian. Vài năm sau thì thầy Lê Chí Dũng (khóa 7) cũng từ Đại học Kinh tế Kế hoạch xin trở về khoa, về tổ.
“Đứt đoạn” 7-8 năm sau bộ môn mới lại được bổ sung thêm 5 người nữa: thầy Trần Nho Thìn (khóa 15), thầy Nguyễn Đình Bưu (khóa 6 quay lại hoàn thiện luận văn hệ 4 năm rồi được giữ lại trường thuộc khóa 16), thầy Hoàng Hữu Bát (khóa 1 quay về), Trần Ngọc Vương khóa 17 và thầy Nguyễn Hùng Vĩ khóa 18. “Bức tranh hoàn chỉnh” và cả “biến cách” của tổ Cổ – Cận – Dân cho tới trước ngày thầy Khánh rời trường, là như thế.
Dễ dàng nhận thấy rằng, từng bước một, thầy Khánh đã thiết kế nên một bộ môn có số lượng đông đảo, “phủ sóng” lên khắp các lĩnh vực khoa học do bộ môn đảm trách.
Vào thời điểm tôi được giữ lại, bộ môn “đăng đối” lắm: đủ thành phần chuyên môn, đủ lứa tuổi, đủ cả “cơ cấu chính trị”! Chỉ có điều, đó là một bộ môn “dương thịnh âm suy”, tuyệt không có một cô giáo nào! Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu, chưa giải thích được tại sao suốt gần ba thập kỷ như vậy, bộ môn không giữ lại dù chỉ là một nữ cán bộ.Ngẫu nhiên chăng, hay từ trong suy nghĩ của các bậc trưởng thượng, có chỗ nào đó phải “hồi tỵ”?
Sản phẩm của khoa học, xét cho cùng chủ yếu là kết quả của tư duy và năng lực cá nhân. Tuy nhiên, để có thể suy tư cá nhân có hiệu quả, lại rất cần tạo lập cho các cá nhân đó những môi trường thích hợp, thuận lợi, mới có thể biến những tiềm năng cá nhân thành sản phẩm thực tế. Nói theo lối sáo ngữ, thì hơn nửa thế kỷ nay, trường Đại học Tổng hợp, ngày nay là Đại học Quốc gia, là một cỗ máy cái, có bổn phận ở tầm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực khoa học và giáo dục Cao đẳng. Nhưng ở thời điểm thầy Đinh Gia Khánh bước chân vào môi trường Đại học đích thực, thì hàng loạt biến cố xã hội và nhất là những “cơn bão trong đời sống tinh thần” lần lượt và liên tiếp nổ ra. Chịu đựng và vượt qua những cơn bão như vậy mới có những nhà khoa học mà ngày nay phần lớn những người xứng đáng nhất đã được vinh danh bằng những giải thưởng cao quý về Khoa học và Công nghệ.
Trong lời mở đầu cho Tuyển tập Trần Đình Hượu, tôi đã có dịp ít nhiều tái hiện lại một trong những chặng “khổ nạn tinh thần” mà nhiều thầy cô của khoa Ngữ văn và của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phải trải qua. Ngay người mà Hội trường hôm nay mang tên – chỗ chúng ta đang ngồi đây – chính là một trong những nạn nhân hàng đầu của đợt quy chụp tư tưởng ấy.Giáo sư Lê Văn Thiêm lúc bấy giờ là Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy, một trong những nhà toán học hàng đầu của cả nước , sau rất nhiều những sự truy bức, đã phải ngậm đắng nuốt cay rời trường sang Viện Toán.. Ở bộ môn Cổ – Cận – Dân lúc bấy giờ có hai thầy bị “truy sát” là thầy Hoàng Hữu Yên và thầy Trần Đình Hượu. Cả hai thầy đều thuộc diện đã kinh qua kháng chiến chống Pháp, là “Đảng viên gộc”, thầy Yên tham gia Ban Chủ nhiệm khoa còn thầy Hượu mới từ Liên Xô về. Điều khác biệt là ở chỗ, do thầy Yên thuộc “nhóm lãnh đạo” nên “ngoài tầm che đỡ” của ông Tổ trưởng vốn không phải là Đảng viên, rốt cuộc là thầy Yên phải chuyển công tác sang cơ quan khác, cùng thời điểm với một số “yếu nhân” khác. PGS.TS. Lê Chí Dũng có mấy đọan hồi ức ngay trong Hội thảo này về cái đận “không vui” ấy.Hẳn rằng, thái độ của thầy Đinh Gia Khánh “trong bão giông” lúc bấy giờ đã trấn an được tinh thần của mọi thành viên khác trong tổ, giữ cho tổ có được một sự đoàn kết, nhất trí khá hiếm hoi không chỉ trong việc bảo vệ các thành viên của mình, mà rộng hơn, bảo tồn sự lành mạnh tinh thần cho khoa, cho nhà trường.
Sau tất cả những biến cố ấy, thì lớp “cán bộ trẻ” từ anh Thìn trở lại, mới lần lượt trỏ thành sinh viên, rồi cán bộ. Chúng tôi biết được những đợt “bão trong nhà” ấy chủ yếu qua lời kể của nhiều người, các anh chị, thầy cô lớp trước. Điều lạ là chính thầy Khánh không nói gì. Dăm năm làm tổ viên dưới quyền của thầy, ít nhất tôi là người chứng kiến sự thản nhiên ấy. Dường như đó là một biểu hiện của sự lão thực:việc cần làm trong quá khứ thì đã làm rồi, nên cứ bình thản mà sống tiếp.
Khi khóa 1 của ngành Hán Nôm được mở ra, tổ Cổ Cận Dân có ít nhất 3 thầy tham gia đào tạo “bên đó”: thầy Đinh Gia Khánh làm tổ trưởng kiêm nhiệm, thầy Trần Đình Hượu và thầy Bùi Duy Tân tham gia giảng dạy, hướng dẫ khóa luận, luận văn. Trong tổ cũng còn thầy Mai Cao Chương rành Hán Nôm, thầy Nguyễn Lộc vốn là phiên dịch Trung văn đối ngoại, nhưng tôi không thấy tham gia. Hình như là lúc bấy giờ thầy Chương mới ở lại phải tự chuẩn bị chuyên môn khá gấp gáp (vì thầy ở lại trường khi đã khá lớn tuổi) , rồi rục rịch chuẩn bị “hồi hương”, còn thầy Lộc thì đang dồn sức đọc tư liệu để viết Giáo trình. Suốt thập niên sáu mươi, các thầy trong bộ môn chỉ mới xuất bản được vài tập giáo trình mỏng, cũng rất ít bài báo. Sang thập kỷ bảy mươi, cả mấy khu vực chuyên môn đều “đồng loạt ra quân”: thầy Nguyễn Lộc cho in Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX (1974) rồi Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX (1976 ?), thầy Trần Đình Hượu với sự cộng tác của thầy Lê Chí Dũng cũng hoàn thành phần Giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (1900 – 1930) vào năm học 1976 – 1977(dù rằng phải đợi hơn 10 năm sau, với rất nhiều công đoạn biên tập và cắt xén, tập Giáo trình này mới “nhìn thấy ánh sáng mặt trời” vào năm 1988!), thầy Võ Quang Nhơn viết xong và công bố Giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Về phần mình, thầy Khánh đã hiển thị và “giang cánh đại bàng” của mình một cách ngọan mục bằng việc chủ biên và là tác giả chính cả hai bộ giáo trình, một thuộc văn học viết, Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII,đồng sự là thầy Tân, thầy Chương, đồng thời với giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, với đồng sự là thầy Chu Xuân Diên. Cuối thập niên bảy mươi này thì hai cán bộ trẻ của tổ “không còn trẻ nữa”, đã vào tầm ngắm để được cử đi Nghiên cứu sinh. Chắc chắn rằng nếu tổ trưởng không phải là thầy Đinh Gia Khánh, với những khó khăn trong việc cử đi đào tạo ở nước ngoài lúc bấy giờ, việc cả thầy Quế, thầy Dũng cùng lúc được cử đi như thế, là điều hiếm , khó.
Không phải đợi cho tới tận ngày nay, mới nhìn thấy quả là từ tổ chuyên môn này đã xuất hiện những nhà khoa học thuộc hàng hàng đầu của cả nước. Đầu thập kỷ 80, những cán bộ trẻ trong tổ -, anh Trần Nho Thìn, anh Nguyễn Hùng Vĩ và tôi – đều thực sự cảm thấy tự hào và yên tâm khi được sống là làm việc trong một tập thể “hào hùng, hoành tráng” đến như vậy.
3.Vài kỷ niệm riêng:
Chẳng dấu diếm gì rằng tôi được thầy Khánh “yêu chiều” từ đầu, từ lúc là sinh viên.
Người hướng dẫn cả hai khóa luận (nay là niên luận) rồi luận văn tốt nghiệp cho tôi là thầy Trần Đình Hượu. Với luận văn tốt nghiệp Đại học mang tiêu đề “Sự thống nhất giữa các mâu thuẫn trong tư tưởng và trong sáng tác của Tản Đà”, tôi được thầy Nguyễn Lộc viết tới 7 – 8 trang phản biện, mà nhận xét đối với tôi quan trọng nhất là “Đây là một công trình khoa học thực thụ, có thể công bố được mặc dù tác giả của nó còn rất trẻ” . Ấp ủ cái nhận xét ấy, hai mươi năm sau (1997) tôi đã cho in nguyên văn cái luận văn tốt nghiệp Đại học ấy mà không thêm thắt gì trong cuốn “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”. Từ bấy đến nay bản luận văn tốt nghiệp Đại học này đã được tái bản 4 lần nữa, cả trong cuốn sách nói trên, cả trong vựng tập Tản Đà về tác gia và tác phẩm. Phần thưởng đầu tiên mà thầy Khánh cùng các thầy (không có cô!) trong tổ giành cho tôi là điểm mười tốt nghiệp. (Tôi còn nhớ lời chúc mừng của thầy Nguyễn Kim Đính: Trạng nguyên khai khoa về phải mổ lợn ăn mừng đấy nhé! Mặc dù sau đó về quê, đến “cây củ quả” cũng còn không có để lấp đầy cái dạ dày suốt bốn năm rưỡi đời sinh viên lúc nào cũng xẹp lép của tôi!). Sau cái điểm 10 ấy trở đi thì cái định thức khoa văn không thể có điểm 10 tốt nghiệp vì như thế là “bằng thầy à?” mới được xóa bỏ.
Thầy Khánh tự hào, và tự hào rất hồn nhiên, rất vô tư về cái “tổ” của mình. Nhiều lần chúng tôi họp tổ đã quen dần với điệp khúc “tổ mình … hết ý” từ chính miệng ông tổ trưởng nói ra. Cứ mỗi lần như thế, các thầy khác – cả già lẫn trẻ – đưa mắt nhìn nhau, vừa biểu đồng tình, vừa ái ngại với cái sự “nhất quả đất” ấy. Có lần, thấy sắc thái ái ngại rõ ra ở một số thầy, thầy Khánh chuyển sang “chứng minh ngắn gọn”: “ Chứ không phải à? Này nhé, ở đâu trên cái đất Việt Nam này có một cái tổ chuyên môn mà lại có những Trần Đình Hượu, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc, Võ Quang Nhơn, Buì Duy Tân…hề hề, toàn đầu bảng cả!” Thầy Chu Xuân Diên đế vui : “Trước hết là ông Đinh Gia Khánh đã chứ!”. “Đương nhiên rồi!”- thầy Khánh trả lời theo tinh thần “Trách nhiệm của bọ” thời chống Mỹ.
Thầy Khánh ít khi khen ai ở ngoài phạm vi sinh hoạt bộ môn. Mấy cán bộ trẻ nhất tổ được thầy biểu dương nhiều, lắm lúc cũng ngượng, thậm chí ít nhiều còn hơi lo lo nữa. Bây giờ ngẫm lại, thấy những lời khen của thầy vừa có tính động viên, vừa có tính tiên đoán, không xa với sự thật mấy.
Riêng tôi, vào đầu những năm tám mươi, trước khi chuyển hẳn “ra ngoài”, tôi nhận thấy mỗi lần gặp, thầy có vẻ ưu tư hơn ít nhiều. Rồi có một lần, khi tôi mang lương ra, thầy bảo “ngồi lại nói chuyện”. Tóm tắt ý thầy là: sắp tới, thầy phải chuyển công việc, nên có ý bố trí lại “nhân sự” của bộ môn . Phần “Cận”, theo thầy, hiện giờ có “ông” Hượu, “ông” Dũng, lại “ông” nữa (tức thầy chỉ tôi) hơi đông, mà phần Lý – Trần – Lê (gọi tắt cả thời kỳ thế kỷ X – XVIII) thì còn lại “mỏng quá”. Thầy gợi ý (chỉ là gợi ý thôi) tôi suy nghĩ xem có chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy phần đó không. Tôi thưa với thầy là tôi cũng quen với phần việc đã phân công,, vả lại gắn bó sâu với thầy Hượu rồi, không muốn chuyển nữa. Thầy trầm ngâm, hút mấy hơi thuốc lào liền, đột nhiên thầy nói, giọng lắp bắp hơn bình thường vì xúc động: “Cậu có một ông thầy, về chuyên môn thì còn có người nói này nói nọ, chứ về nhân cách thì phi thường, phi thường, phi thường..” . Tôi xúc động theo , còn ngạc nhiên với lời lẽ của thầy Khánh, sự trọng thị mà thầy dành cho thầy Hượu. Chính trong khoảng khắc ấy, tôi nhận ra mình thật hạnh phúc vì có những người thầy đều mang tầm vóc kỳ vĩ.
Tôi hứa với thầy là sẽ “vươn dài ra” để cùng làm phần văn học ấy, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các học thuyết – tôn giáo, hệ tư tưởng. Thầy còn bày tỏ mối quan ngại của thầy về các phần việc khác, các biến động nhân sự e sẽ làm “tổ mình kém đi”. Tôi hiểu, đó gần như là tâm trạng của một người làm mùa khi thấy sắp có một mùa bội thu mà mình lại phải rời bỏ. Tâm trạng của thầy Khánh lúc bấy giờ còn khắc khoải hơn thế!
Nhớ lại sự ưu tư của thầy, về sau khi làm chủ nhiệm bộ môn, tôi đã rất tích cực tìm kiếm :nhân sự” xứng đáng để bổ sung vào mảng chuyên môn ấy. Sau mấy lần trầy trật, hiện thời tình hình đã có vẻ ổn.
Vài chục năm tiếp theo, mỗi dịp gặp thầy, tôi đều tiếp nhận ở thầy một tầm tình nồng hậu, dường như thầy trò chưa bao giờ quá xa cách. Phảng phất trong tình cảm của thầy đối với tôi là tình cảm của một người cha. Tôi chỉ biết lặng lẽ tiếp nhận và tri ân thầy về sắc thái ấy.
Tưởng nhớ thầy sau 10 năm chuyến đại hành
Trần Ngọc Vương
Nguồn:vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/to-co-can-dan-cua-thay-dinh-gia-khanh