Tờ quyết định và cơ duyên đến với văn học Italia

Chiều ngày 16-11-2009, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam long trọng giới thiệu bản dịch tiếng Việt cuốn Thần khúc của Dante, một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của nhân loại. Dịch giả là PGS Nguyễn Văn Hoàn, người đã “liều” dịch bằng tất cả tình yêu cùng sự đam mê ngôn ngữ và văn hóa Italia mà ông có được kể từ năm 1978, lần đầu tiên ông đặt chân đến đất nước xa xôi này ở Nam Âu. Italia là một trong những cái nôi của nền văn minh phương Tây, nơi khởi nguồn trào lưu văn hóa Phục hưng hồi thế kỷ XV-XVI, cũng là cái nôi đào tạo nhiều sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh người Việt Nam, trong đó có PGS Nguyễn Văn Hoàn.

Cơ duyên đưa ông Nguyễn Văn Hoàn đến với đất nước Italia hết sức tình cờ. Đầu năm1977, theo thông báo của Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam có một chỉ tiêu đi học về ngôn ngữ và văn học Italia trong thời gian 12 tháng. Việc lựa chọn ứng viên căn cứ vào các tiêu chí về chính trị, ngoại ngữ và học vấn. Viện Văn học tiến cử một cán bộ nghiên cứu từng học ở Cuba, giỏi tiếng Tây Ban Nha, như vậy sẽ thuận lợi khi học tiếng Italia. Tuy nhiên, ít lâu sau, Vụ Tổ chức cán bộ của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam cho biết ứng viên đó không đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ gợi ý một người khác cũng ở Viện Văn học nhận suất học bổng này, đó là ông Nguyễn Văn Hoàn.

Công tác tại Viện Văn học từ năm 1962, ông Nguyễn Văn Hoàn quan tâm nghiên cứu về văn học Việt Nam cổ trung đại. Do vậy, sau khi được Vụ Tổ chức cán bộ “bật đèn xanh” như trên, ông hỏi ý kiến bố vợ là GS Đặng Thai Mai, nguyên Viện trưởng Viện Văn học. GS Mai khuyên: Nghiên cứu văn học dân tộc mình cũng rất cần hiểu biết về văn hóa thế giới. Được đến nơi khởi đầu của phong trào Phục hưng để học thì tốt quá, còn suy nghĩ gì nữa![1]. Vậy nên ông làm hồ sơ. Nhưng rồi do trục trặc về lý lịch cán bộ, phải mất hơn 6 tháng hồ sơ của ông mới được thông qua.

Ngày 13-12-1977, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn ký quyết định số 428 XH/QĐ về việc cử ông Nguyễn Văn Hoàn đi thực tập khoa học tại Italia trong thời gian 12 tháng. Tờ quyết định được Văn phòng Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam sao ra nhiều bản và gửi cho ông Nguyễn Văn Hoàn một bản. Văn bản này có kích thước 19,5cm x 29,5cm, viết tay bằng bút bi mực xanh trên mẫu in roneo, có đóng dấu tròn đỏ của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Dù đã chuyển nhà nhiều lần, PGS Hoàn vẫn lưu giữ được tài liệu này trong tập hồ sơ về chuyến đi thực tập ở Italia, cùng với những ghi chép, báo cáo liên quan chuyến đi. Năm 2015, ông qua đời đột ngột. Đến năm 2017, gia đình tặng phần lớn tài liệu của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có tờ quyết định này. Sau hơn 40 năm, tờ quyết định đã trở nên cũ kĩ, giấy ố vàng, quăn các góc.

 

Tờ quyết định của PGS Nguyễn Văn Hoàn

Ông Nguyễn Văn Hoàn tới Italia ngày 15-2-1978 theo đường bay Hà Nội – Moskva – Roma. Từ đó cho đến tháng 9 năm ấy, ông học tiếng Ý tại Perugia[2]. Trường đại học ở Perugia dạy tiếng Ý cho người nước ngoài, nhất là sinh viên các ngành khoa học xã hội. Ông Hoàn rất nhớ, trong lễ khai giảng khóa học, Bộ trưởng Giáo dục là Thượng nghị sĩ Mario Pedini đọc diễn văn “Trường Đại học Italia và trách nhiệm đối với các nước”, trong đó có câu: Các bạn sinh viên nước ngoài thân mến, tôi mong rằng trong một tương lai không xa, sau khi trở về nước, các bạn sẽ là những đại sứ của văn hóa Italia tại đất nước các bạn[3].

Sinh viên ngoại quốc được phân lớp theo ngôn ngữ mà họ sử dụng, có các khối tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha… Ông Hoàn được bố trí vào lớp học tiếng Ý thông qua tiếng Pháp, bao gồm những học viên đến từ Pháp và các thuộc địa cũ của Pháp. Lớp này được học ngữ pháp cơ bản, sau đó học khái quát về lịch sử Italia và lịch sử văn học Italia. Ông Hoàn tâm sự: Thú thực lúc đầu tôi nhận lời sang Italia học không phải vì ham thích văn học Italia, mà chỉ nhằm một mục đích riêng là mong có dịp đến đọc sách và sưu tầm tài liệu về văn học và lịch sử Việt Nam tại thư viện Vatican… Nhưng rồi ở trường Perugia tôi đã bị các giáo sư Ý chinh phục và truyền cho tôi niềm yêu thích ngôn ngữ của Dante[4].

Kết thúc khóa học tiếng, ông Hoàn dự thi và được cấp chứng chỉ tiếng Ý. Tuy trường đề nghị ông học thêm một năm chương trình lớp cao cấp tiếng Ý, nhưng vì thời hạn chuyến thực tập đã định là 12 tháng, nên ông quyết định chuyển sang thực tập về chuyên môn tại trường Đại học Tổng hợp Roma. Hôm nhà trường tổ chức bế giảng lớp tiếng Ý kể trên, có đại diện Hội đồng thành phố Perugia tới dự, và ông được tặng một số băng ghi âm bài giảng của trường để tiếp tục tự học tiếng Ý.

Tháng 10-1978, thực tập sinh Nguyễn Văn Hoàn đến Đại học Tổng hợp Roma, nhưng đúng vào kỳ nghỉ hè của trường. Phải sang đầu tháng 11 ông mới bắt đầu công việc của mình tại đây. Ông chú trọng tìm hiểu văn học hiện đại Italia, đồng thời cũng tìm hiểu về tổ chức và nề nếp hoạt động khoa học của các Viện Văn học ở Italia, trong đó có hai viện lớn là Viện Văn học Italia tại Roma và Viện Đại học Phương Đông tại Napoli. Năm 1977, Viện Đại học Phương Đông đã bắt đầu có quan hệ trao đổi và hợp tác với giới khoa học Việt Nam, nhưng mới chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Viện trưởng Viện Văn học Italia, ông Alberto Asor Rosa là thầy hướng dẫn của thực tập sinh Nguyễn Văn Hoàn. Ông Hoàn nghe giảng một số giờ về chuyên đề văn học hiện đại Italia, dự các buổi họp chuyên môn và làm báo cáo thu hoạch. Ông không chỉ đọc sách ở thư viện Vatican, mà còn đến Viện Lưu trữ văn thư của Hội truyền giáo dòng Tên tìm đọc tài liệu về chữ quốc ngữ của Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình. Cứ cách tuần ông lại gặp riêng thầy một lần để nghe thầy giải đáp những vấn đề do ông nêu ra. Ông cho biết: Italia không có truyền thống nghiên cứu lâu đời về Viễn Đông như Pháp. Việc nghiên cứu về Việt Nam của Italia chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu của Nhà xuất bản Ngoại văn ở Hà Nội và dịch của Pháp. Cho đến nay, chưa có một nhà nghiên cứu người Italia nào có thể sử dụng trực tiếp các tài liệu bằng tiếng Việt[5]. Các nhà nghiên cứu Italia tỏ ra rất quan tâm đến thành tựu nghiên cứu của Việt Nam về ngôn ngữ, văn học, lịch sử và khảo cổ. Theo yêu cầu của thầy hướng dẫn, ông Hoàn làm một bản thuyết trình bằng tiếng Pháp để giới thiệu đại cương về văn học Việt Nam, sau đó ông thuyết trình tại khoa Phương Đông của Đại học Tổng hợp Roma và khoa Châu Á của Viện Đại học Phương Đông Napoli, mỗi nơi một buổi.                    

Như ông Nguyễn Văn Hoàn bộc bạch, mục đích ban đầu của chuyến thực tập chỉ là đến Vatican đọc sách ở thư viện. Nhưng rồi ông đã thu hoạch được nhiều hơn thế. Ông đã say mê thứ ngôn ngữ kỳ diệu của người Italia, của Dante. Chuyến đi này vừa giúp ông có thêm những tư liệu về văn học Italia, vừa là cơ hội cho ông tạo lập được nhiều mối quan hệ với bạn bè quốc tế, đặc biệt là những người bạn Italia, như: GS Agnoletti giảng dạy lịch sử Việt Nam tại Đại học Florence, nữ Giáo sư lịch sử hiện đại Trung Quốc Eurica Collotti Pischel tại Đại học Bologna, GS Paolo Santagelo dạy lịch sử hiện đại Đông Nam Á tại Viện Đại học Phương Đông ở Napoli…

Cũng trong chuyến đầu tiên sang Italia, ông Nguyễn Văn Hoàn được tới thăm nhà cũ của Dante – một ngôi nhà quý tộc tại trung tâm thành phố Florence đẹp nhất nước Ý, và chính điều đó đã thôi thúc ông tìm đến với Thần khúc của Dante[6]. Ông bị mê hoặc bởi Dante: Dante là một cái đầu vĩ đại. Kiến thức của ông từ lịch sử, tôn giáo, triết học cho đến cả những tội ác và bao nhiêu chuyện thấp hèn trong cuộc sống đều khiến tôi kinh ngạc. Tôi cho rằng đây là một cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử và xã hội mà người sáng tạo ra nó có một cái đầu uyên bác vượt ra ngoài thời đại của ông[7]. Đắm say Thần khúc, ông Hoàn dành đến 30 năm để dịch tác phẩm ra tiếng Việt. Ông cho biết: Tôi luôn luôn có trước mặt ba bản Thần khúc bằng tiếng Ý với lời chú giải rất tỉ mỉ. Tôi cũng luôn có ở trước mặt ba bản dịch Thần khúc sang tiếng Pháp. Tôi đọc đối chiếu từng câu giữa các bản, cố gắng nắm bắt cho được nguyên ý của Dante, sau đó tìm cách diễn đạt sang ngôn ngữ dân tộc của chúng tôi[8]. TS Phạm Trọng Chánh ở Đại học Paris V đã nhận xét về việc dịch tác phẩm này: Ưu điểm của PGS Nguyễn Văn Hoàn là dịch Thần khúc của Dante, sau hai năm học tiếng Ý, một công việc vừa học vừa làm rất có hiệu quả, không gì hay hơn, chọn dịch một tác phẩm một đề tài mình say mê, qua đó mình kiên trì học hỏi và hoàn thành được tác phẩm. Khi dịch Dante đã thăm quê hương của Dante, thăm ngôi nhà nơi Dante sinh ra tại Firenze (Florence theo tiếng Pháp), sự tiếp cận này rất quan trọng, vì không đi thăm, không hít thở cái không gian nhà thơ đã sống, không thể dịch chính xác những điều nhà thơ đã viết ra. Tôi đã từng đi thăm Florence, thăm vùng Toscane quê hương của Dante, đọc bản dịch của PGS Nguyễn Văn Hoàn, tôi càng thấm thía, càng say mê hơn thi ca của Dante[9].

PGS Nguyễn Văn Hoàn trở về nước mang theo khá nhiều sách báo về Dante và văn học Italia. Sau chuyến đầu tiên ấy sang Italia năm 1978, ông còn đến Roma nhiều lần nữa, để tiếp tục học hỏi, khám phá, tìm hiểu về văn hóa Italia, và yêu thích, gắn bó với nó suốt đời, bằng một tấm lòng chân thành. Sự yêu thích đó đã được cụ thể hóa bằng một số thành tựu của ông về văn học Italia. Ngoài dịch cuốn Thần khúc, ông tham gia giảng dạy văn học Italia tại khoa Ngôn ngữ và văn hóa Italia của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), đồng thời ông làm Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Italia. Ông tích cực giới thiệu văn học Italia ở Việt Nam qua nhiều bài viết, và đặc biệt là qua việc dịch những tác phẩm văn học Ý, như: Cô chủ quán – tuyển tập 4 vở kịch của nhà hài kịch Carlo Goldoni (Nxb. Văn học, 1982); Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Cristoforo Colombo của Paolo Emilio Taviani (Nxb. Văn hóa thông tin, 1996)… Ông Hoàn còn cộng tác với ông Pino Tagliazucchi dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Ý, in trong I ca dao del Vietnam (xuất bản lần đầu tại Milan năm 2000); cùng với đồng nghiệp Carlo Ardani biên soạn Từ điển Việt – Ý (Nxb. Thế giới, 1999 và 2002). Với những đóng góp trong việc phổ biến tiếng Ý và văn học Italia tại Việt Nam, PGS Nguyễn Văn Hoàn vinh dự được Tổng thống Cộng hòa Italia – ông Carlo Azeglio Clampi tặng Huân chương Hiệp sĩ năm 2002.  

PGS Nguyễn Văn Hoàn coi tờ quyết định cuối năm 1977 của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam như tấm giấy thông hành đưa ông tới một bước ngoặt trong cuộc đời: nghiên cứu văn học Việt Nam cổ trung đại song hành cùng nghiên cứu văn học Italia. Ông đã đi theo con đường này từ những năm 80 của thế kỷ trước với tất cả đam mê, nhiệt huyết và sự bền bỉ cho đến những năm tháng cuối đời. Ông trở thành sứ giả của văn hóa Italia, giới thiệu nhiều nét tinh hoa văn hóa, văn học Italia tới Việt Nam. Trên hành trình đi tìm cái đẹp của văn chương và văn hóa Italia, PGS Nguyễn Văn Hoàn xứng đáng được coi là người mở đường ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Hiên

_______________________

PGS Nguyễn Văn Hoàn (1932-2015), chuyên ngành Văn học, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học (1980-1989), Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[1] PGS Nguyễn Văn Hoàn, bản thảo bài viết “Hành hương đến Roma”, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Perugia là một thành phố cổ và đẹp ở phía bắc Roma, đặc biệt Perugia có nhiều di tích của nền văn minh Etrusco.

[3] PGS Nguyễn Văn Hoàn, bản thảo bài viết “Kỷ niệm đi học tiếng Ý ở Italia”, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] PGS Nguyễn Văn Hoàn, bản thảo bài viết “Kỷ niệm đi học tiếng Ý ở Italia”, đã dẫn.

[5] Nguyễn Văn Hoàn, “Bản báo cáo và tự kiểm điểm công tác”, 7-1-1979, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Dante Alighieri (1265-1321), đại thi hào Italia, người có vai trò kiến tạo nền văn học Italia.

[7] Nguyễn Hữu Sơn, “Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Hoàn đã đi xa”, 2015, http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/31-nguoi-xu-nghe/10775-nha-nghien-cuu-van-hoc-nguyen-van-hoan-da-di-xa

[8] Nguyễn Văn Hoàn, Thần khúc, Nxb. Khoa học xã hội, 2009, tr. 17-18.

[9] TS Phạm Trọng Chánh, “Đọc Thần khúc của Dante Aligieri, GS Nguyễn Văn Hoàn dịch và chú giải”. Paris, 16-11-2013. http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/phamtrongchanh_DocThanKhucDante.htm