11 sinh viên Y khoa thuộc khóa học cách đây hơn 50 năm giờ là những Giáo sư, Phó Giáo sư, những người từng làm công tác giảng dạy ở nhiều Bộ môn khác nhau tại trường Đại học Y Hà Nội đã tham gia buổi Tọa đàm: GS.TS Trần Ngọc Ân, nguyên Giám đốc Bệnh viện E, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội, trường Đại học Y Hà Nội; GS Đặng Hanh Đệ, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại trường Đại học Y Hà Nội; Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Việt-Đức; GS.TSKH, Anh hùng Lao động Lê Đăng Hà, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới; PGS.TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Sản, truờng Đại học Y Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em; GS Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Sinh lý bệnh, truờng Đại học Y Hà Nội; GS.TS Ngô Ngọc Liễn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tai-Mũi-Họng, trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Đào Văn Phan, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý, trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Đào Ngọc Phong, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh lao động, trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Dương Đình Thiện, nguyên Trưởng Bộ môn Dịch tễ học, trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Trần Đức Thọ, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội, trường Đại học Y Hà Nội; Viện trưởng Viện Lão khoa; GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, nguyên Trưởng Bộ môn Nội, trường Đại học Y Hà Nội.
Về phía Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có bà Võ Ngọc Lan, Ủy viên Hội đồng quản trị Medlatec, Giám đốc điều hành Trung tâm; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm cùng toàn thể các nghiên cứu viên đang làm việc tại Trung tâm.
Giới thiệu về hoạt động của Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu rõ về chủ đề, mục tiêu nghiên cứu mà Trung tâm đang tiến hành đối với lớp sinh viên khóa 1954-1960 trường Đại học Y Hà Nội là đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử cuộc đời của họ. Ông nói: “Làm thế nào để chúng ta hiểu trường Đại học Y cập nhật, thay đổi, thích ứng ra sao với sự thay đổi của xã hội, với nền y học thế giới? Điều đó chỉ nói được một cách sinh động nhất thông qua hoạt động của những con người cụ thể, những Giáo sư, những cán bộ của trường Đại học Y Hà Nội, từng nỗ lực của cá nhân, từ các bài nghiên cứu, các bài giảng, các cuốn sổ tay… để kể lại câu chuyện qua từng các giai đoạn khác nhau”. Từ lời dẫn mở này, các câu chuyện về trường học, thi cử, vừa học vừa đi làm gia sư, đi lao động thâm nhập thực tế ở nông thôn, ở các tỉnh, phân công chuyên ngành học, những đóng góp của khoá cho trường Đại học Y Hà Nội nói riêng, cho ngành Y nói chung và cả niềm tự hào khi đều có nhiều người thành đạt cả trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học như được sống lại qua lời kể của từng nhà khoa học.
Qua nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các cựu sinh viên Y khoa khóa 1954-1960, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mong muốn góp phần làm sáng tỏ việc nghiên cứu lịch sử một giai đoạn đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Y Hà Nội.
Tham quan hàng chục ngàn tài liệu hiện đang lưu giữ tại Trung tâm, trong đó có các tài liệu của những người thầy của họ như GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung….và hơn 4000 đầu tài liệu gần đây nhất Trung tâm vừa tiếp nhận của gia đình GS Chu Văn Tường, các ông không khỏi ngạc nhiên, khâm phục vì Trung tâm do một đơn vị tư nhân – Bệnh viện Medlatec là chủ đầu tư lại làm một việc có “tâm” như vậy. Nhưng họ cũng có phần tiếc nuối vì một số tư liệu của mình đã bị mất mát, thất lạc qua thời gian. Muộn còn hơn không, sự hợp tác tiếp theo của họ với Trung tâm vẫn là vô cùng cần thiết nhằm lưu giữ di sản khoa học của đất nước.
Hy vọng cùng với sự nỗ lực của Trung tâm và sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà khoa học, chủ đề nghiên cứu về khóa 1954-1960 trường Đại học Y Hà Nội sẽ được triển khai hiệu quả, với nhiều sản phẩm cụ thể có giá trị về mặt khoa học, lịch sử.
GS.TS Ngô Ngọc Liễn – Trưởng ban Liên lạc giới thiệu các bạn học tham dự buổi Tọa đàm
và bày tỏ cựu sinh viên Y khoa niên khoá 1954-1960 mong muốn tổng kết, nhìn lại chặng đường mình đã đi.
Thật bất ngờ khi được xem cuốn Sổ ghi chép của người thầy – GS Tôn Thất Tùng
đang lưu giữ tại Kho hiện vật giấy của Trung tâm
(Từ trái qua phải: GS.TS Dương Đình Thiện, GS.TSKH Lê Đăng Hà, GS Đặng Hanh Đệ)
Ths Phạm Kim Ngân giới thiệu hệ thống lưu trữ ảnh tư liệu tại Trung tâm
Từ trái qua phải: GS Đặng Hanh Đệ, GS.TS Đào Ngọc Phong,
GS.TS Dương Đình Thiện, GS.TS Trần Ngọc Ân, GS.TS Trần Đức Thọ
“…Hồi đó thi khó ghê gớm, phải chọn lọc, không phải ngẫu nhiên”
(GS.TSKH, Anh hùng Lao động Lê Đăng Hà)
“… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có, Viện trưởng, Viện Phó, Giáo sư,
Nhà giáo Nhân dân trong Khóa học của chúng tôi rất nhiều” (GS.TS Trần Đức Thọ)
Cảm nhận của GS Đặng Hanh Đệ qua các buổi tiếp xúc làm việc với nghiên cứu viên của Trung tâm:
"Giản dị nhưng làm việc rất khoa học và có nghiệp vụ; phỏng vấn, ghi âm, ghi hình tôi từ những câu chuyện rất nhỏ…"
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm (đứng)
bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà khoa học
“Xin cám ơn Trung tâm, các anh đã có những suy nghĩ, ý tưởng rất sâu xa, sáng suốt,
để lại không những cho thế hệ hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ mãi mãi mai sau…
Tôi hứa hợp tác hết sức mình với Trung tâm” (GS.TS Nguyễn Khánh Trạch ghi cảm tưởng)
Thay mặt lớp, GS.TS Ngô Ngọc Liễn chúc mừng những thành công bước đầu của Trung tâm
Từ trái qua phải: PGS.TS Nguyễn Văn Huy, GS.TS Ngô Ngọc Liễn, Bà Võ Ngọc Lan
Tham quan Bệnh viện Medlatec tại 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội – Đơn vị đầu tư cho hoạt động của Trung tâm. PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật (áo trắng) – Giám đốc chuyên môn giới thiệu các trang thiết bị xét nghiệm hiện đại tại Bệnh viện
Hoàng Thị Liêm