Tọa đàm: GS.TSKH Tống Duy Thanh và các thế hệ học trò ngành Địa chất

Đây là dịp để thầy trò cùng ôn lại những kỷ niệm trong quá trình dạy, học và nghiên cứu Khoa học Địa chất suốt gần 50 năm qua.

Tham gia tọa đàm có GS.TSKH Tống Duy Thanh và các thế hệ học trò của ông như: GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Trần Nghi; PGS.TS Tạ Hòa Phương, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, PGS.TS Nguyễn Văn Vượng, TS Trần Tuấn Anh, TS Hoàng Minh Thảo, TS Nguyễn Thùy Dương, NCS Nguyễn Thu Cúc … cùng các nghiên cứu viên của Trung tâm.

Dù ở cương vị công tác nào thì những bài học, kỷ niệm, ấn tượng, ảnh hưởng về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý cũng như nhân cách sống của GS Thanh không phai mờ trong tâm trí các thế hệ học trò, tạo niềm tin, động lực và còn là hành trang giúp họ bước đi trên con đường khoa học địa chất. Với họ, GS Thanh không chỉ truyền lửa đam mê, mà còn chỉ dẫn cho họ phương pháp tư duy khoa học, kỹ năng làm khoa học, văn hóa ứng xử, văn phong chuẩn mực. Giáo sư Thanh còn là tấm gương tự học, “đốt cháy” thân mình vào các công trình nghiên cứu…Đó là cảm nghĩ chung của nhiều học trò về ông. Và họ luôn cố gắng làm theo tấm gương người thầy đáng kính.

Còn đối với riêng GS Tống Duy Thanh, ông vẫn suy nghĩ các hướng giúp những “bạn vong niên” của mình sớm trưởng thành hơn nữa. Ông cũng mong muốn thế hệ sau giỏi hơn, để ngành Địa chất ngày càng phát triển. Bởi vậy, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia nhiều công việc của ngành Địa chất, vẫn tận tụy với sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học địa chất…Hiện Giáo sư đang Chủ nhiệm đề tài về Thông tin tích hợp tư liệu địa chất và tài nguyên địa chất theo dạng bách khoa thư xuất phát từ ý tưởng của GS.TS Mai Trọng Nhuận.

Thành công của cuộc Tọa đàm đầu tiên mà Trung tâm phối hợp cùng một cơ quan khoa học, giáo dục là Khoa Địa chất của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở ra cho Trung tâm những hướng nghiên cứu mới về các nhà khoa học địa chất. Đây cũng là một hoạt động nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học rất hiệu quả.

Lần đầu tiên Trung tâm phối hợp với một cơ quan khoa học

để thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu các nhà khoa học

“Trong ba điểm nổi bật ở thầy Thanh, thì trước hết là sự kết hợp tuyệt vời giữa

quốc tế và Việt Nam trong tiếp cận và nghiên cứu khoa học, vận dụng những tinh hoa của

nhân loại để phát triển khoa học ở Việt Nam”- GS.TS Mai Trọng Nhuận (thứ hai từ trái sang) chia sẻ

“Thầy Chiển là người thầy đầu tiên của ngành Địa chất Việt Nam. Thầy Thanh là người

giúp thầy Chiển xây dựng Khoa Địa chất từ những ngày đầu. Hai thầy đều để lại trong tôi nhiều dấu ấn,

bài học quý báu. Ảnh hưởng lớn nhất của thầy Thanh tới tôi là nghị lực, định hướng, tập trung cao độ, 

 

văn phong chuẩn mực” – GS.TS Trần Nghi nói về thầy mình – GS.TSKH Tống Duy Thanh 

 

PGS.TS Tạ Hòa Phương: “Từ công trình địa chất của thầy Thanh bằng tiếng Pháp,

theo tấm gương tự học của thầy, tôi đã kiên trì tự đọc và dịch cuốn sách này.

Ngoài ra, thầy luôn khuyến khích chúng tôi tìm tòi, sáng tạo cái mới”



“Thầy như người cha, lối sống của thầy rất giản dị. Thầy dạy chúng tôi phải tự đi bằng

đôi chân của mình, sống bằng cái đầu của mình”- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi hồi tưởng.

“Có thể học ở thầy tính kiên định, kiên quyết nhưng để mềm dẻo được như thầy

thì hơi khó” – PGS.TS Nguyễn Văn Vượng, Chủ nhiệm Khoa Địa chất bộc bạch

 

 

TS Trần Tuấn Anh (Viện trưởng Viện Địa chất-Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

chia sẻ cảm giác “sung sướng” khi nhận được điểm 10 thi vấn đáp

môn Địa chất cơ sở từ thầy Thanh và thầy Khôi

“Thầy Thanh có phương pháp giảng tuyệt vời. Thầy là tấm gương về

cập nhật kiến thức khoa học hiện đại”- TS Hoàng Minh Thảo bày tỏ

 

TS Nguyễn Thùy Dương: “Nhờ phương pháp giảng dạy và định hướng của Thầy

đã góp phần quyết định hướng đi theo ngành địa chất của tôi”

 

Hoàng Thị Liêm