Buổi tọa đàm do ThS Đỗ Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và ThS Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và công nghệ văn thư – lưu trữ chủ trì và có sự tham gia của đại diện Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, trường Đại học Nội vụ Hà Nội và các Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe tham luận về tình hình quản lý tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ; Tiêu chuẩn lựa chọn tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ đăng ký, ký gửi, hiến tặng vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III; Thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và chính sách thu thập tài liệu lưu trữ từ khu vực tư.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đáng chú ý, trong tham luận về tình hình quản lý tài liệu của các cá nhân, gia đình, dòng họ, báo cáo viên Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) đánh giá cao vị trí của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Báo cáo có đoạn: “Hiện nay Lưu trữ nhà nước dường như đang bỏ sót mảng tư liệu của các nhà khoa học và những nhà nghiên cứu “bình dân”. Tuy nhiên thật may trong những năm qua Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã phần nào lấp được khoảng trống đang bị lãng quên này một cách khá hiệu quả. Có thể coi đây là một Trung tâm lưu trữ tư nhân đầu tiên thực hiện chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu lịch sử về cuộc đời các nhà khoa học tại Việt Nam”.
Trong phần trao đổi, thảo luận, đáp ứng sự quan tâm của các đại biểu về hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ThS Trần Bích Hạnh – Giám đốc điều hành Trung tâm – đã giới thiệu sơ lược tôn chỉ, mục đích và kết quả hoạt động của Trung tâm trong hơn 7 năm kể từ khi thành lập, cũng như những thách thức mà Trung tâm đang phải đối diện về nguy cơ mai một của các tư liệu và số lượng nhà khoa học ngày càng tăng. Trước tình hình đó, sự trao đổi, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan liên quan với Trung tâm là hết sức cần thiết.
“Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hoạt động đa chức năng, trong đó có việc lưu trữ các di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam” – ThS Trần Bích Hạnh phát biểu
Kết thúc tọa đàm, ThS Đỗ Văn Thuận nhận định: Từ tọa đàm này, vấn đề đặt ra là cần phải tổng kết thực tiễn công tác, kinh nghiệm quản lý tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ. Trên cơ sở các văn bản luật đã ban hành, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cần rà soát lại để tham mưu cho cơ quan có thẩm quyển về cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục để quản lý tài liệu cá nhân. Đồng thời, cần tuyên truyền chính sách, chế độ, trình tự quy định pháp luật liên quan đến việc ký gửi, hiến tặng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ thực hiện công tác sưu tầm, bảo quản tài liệu cá nhân, gia đình và dòng họ.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam