Tọa đàm “Tạo đột phá trong công tác nghiên cứu sưu tầm về các nhà khoa học Việt Nam”





Buổi tọa đàm do TS Lưu Hùng (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học) chủ trì với sự tham gia của các cộng tác viên kinh nghiệm cùng toàn thể các báo cáo viên là nghiên cứu viên, cán bộ đang công tác tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Với 16 bài tham luận, các báo cáo viên đã nêu ra được những thuận lợi cũng như điểm lại những khó khăn, vướng mắc, nhìn nhận lại những vấn đề tồn đọng và đặc biệt là đề xuất một số giải pháp để có những bứt phá trong công tác nghiên cứu, sưu tầm; ngày càng hoàn thiện nghiệp vụ, kỹ năng trong lưu trữ, đánh giá, bảo quản tài liệu tại Trung tâm.

Theo TS Lưu Hùng việc đưa ra những điều chỉnh, thay đổi phù hợp sẽ giúp Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tạo ra bước đột phá trong hoạt động nghiên cứu sưu tầm

Tại buổi tọa đàm, tiểu ban 1 với 5 báo cáo xoay quanh chủ đề “Những vấn đề chung về nghiên cứu lịch sử cuộc đời của nhà khoa học”. Vấn đề “diện” và “điểm”, một trong những yếu tố mấu chốt trong nghiên cứu các nhà khoa học, từ đó đưa ra định hướng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm tại Trung tâm đã được ThS Trần Bích Hạnh – Giám đốc điều hành Trung tâm trình bày mở đầu. Từ phân tích một số kết quả đạt được, ThS Trần Bích Hạnh đưa ra đề xuất xây dựng “cây phả hệ lịch sử phát triển mỗi ngành khoa học” để xác định đúng diện và điểm trong nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, cách thức khai thác đánh giá, xử lý tư liệu… là những vấn đề trọng tâm được các báo cáo viên trình bày, chia sẻ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sưu tầm đạt hiệu quả hơn.

Báo cáo viên Nguyễn Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm và

phương pháp nghiên cứu lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học

Tiểu ban 2 với 4 báo cáo đề cập đến chủ đề “Huy động nhà khoa học chung tay lưu giữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học”. Đây là một trong những vấn đề Trung tâm đã triển khai trong thời gian gần đây và đã có nhiều nhà khoa học ủng hộ nhưng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác triệt để. Bên cạnh đó, hoạt động đầy ý nghĩa xã hội nhân văn của Trung tâm cũng cần được quảng bá rộng rãi thông qua các ấn phẩm, các buổi hội thảo, các sự kiện; việc kết nối trao đổi thông tin với các đối tác, các hiệp hội cũng cần được chú trọng.

Báo cáo viên Nguyễn Thị Hiên với báo cáo

"Nhìn nhận lại công tác nghiên cứu các nhà khoa học tại

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam"

Tiểu ban 3 với chủ đề “Những vấn đề trong công tác sưu tầm tài liệu hiện vật và tài liệu hóa” bao gồm 7 báo cáo. Các báo cáo tập trung vào những vấn đề như: Cách thức tổ chức làm việc với nhà khoa học và gia đình nhà khoa học; Nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu sưu tầm qua hồ sơ khoa học, báo cáo điền dã, báo cáo sơ kết, tin-bài cũng như chất lượng khai thác thông tin của nhà khoa học. Qua thực tế và dưới góc nhìn của những người làm công tác kiểm kê bảo quản, việc chọn lọc tài liệu hiện vật của nhà khoa học là khâu then chốt trong quá trình sưu tầm tài liệu và cũng là khâu quyết định công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu nhằm xây dựng và lập phông lưu trữ cho cá nhân nhà khoa học tại Trung tâm.

Có thể nói, với 16 báo cáo tham luận và 31 lượt ý kiến trao đổi, dưới sự chủ trì của TS Lưu Hùng, buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp, các báo cáo viên đã chia sẻ nhìn nhận về các công việc đang diễn ra tại Trung tâm một cách cởi mở. Các đề xuất, giải pháp trong công tác nghiên cứu sưu tầm, phương pháp tiếp cận nhà khoa học, xử lý thông tin, bảo quản tài liệu, số hóa tài liệu… được các báo cáo viên đưa ra thảo luận sôi nổi. Từ những đóng góp trong buổi tọa đàm, việc điều chỉnh và đưa ra những giải pháp, định hướng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Trung tâm trong thời gian tới sẽ là một bước đột phá mới trong công tác nghiên cứu, sưu tầm về các nhà khoa học Việt Nam.

Lê Thị Phương Chi