“Tôi có 3 tiểu đoàn xe đạp chuyển thương!”

Có một điều làm chúng tôi vô cùng thích thú là khi ông kể về sự ngạc nhiên tột độ của hơn 30 đồng nghiệp của ông đến từ các nước Đông Âu trong một cuộc hội thảo khoa học về các hình thức vận chuyển thương binh đã thực hiện trong chiến tranh, tại Học viện Quân y Ki-rốp (Liên Xô trước đây) năm 1978, khi họ nghe ông tuyên bố: “Tôi có 3 tiểu đoàn xe đạp chuyển thương!”.

Những sáng kiến trong thời chiến

Thiếu tướng GS, TS Nguyễn Tụ, sinh ngày 4-11-1928 tại Việt Trì, Phú Thọ. Ông nguyên là Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Quân y. Ông được biết đến là một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y học quân sự, đặc biệt với chuyên ngành tổ chức-chỉ huy quân y. Cùng với nhiều đồng đội trong ngành quân y, ông được cử đi làm nhiệm vụ tại các chiến trường miền Nam vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt nhất, đó là vào những năm 1965-1975. Trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Tụ cùng với các đồng nghiệp đã xây dựng mạng lưới hệ thống tổ chức quân y Tây Nguyên để có thể cứu chữa kịp thời cho thương binh, bệnh binh bảo đảm theo tuyến (từ cấp đại đội lên tiểu đoàn, trung đoàn rồi sư đoàn), theo từng khu vực, đồng thời tự túc được lương thực, thực phẩm.

Thiếu tướng GS, TS Nguyễn Tụ với vai trò Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành tổ chức chỉ huy quân

Trong công tác bảo đảm quân y tại chiến trường Tây Nguyên lúc ấy, việc phòng, chống và xử lý bệnh sốt rét là vấn đề cam go nhất. Ông cho chúng tôi biết: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi vào chiến trường Tây Nguyên là tình trạng sốt rét và thiếu thốn lương thực do tình hình chiến sự và địa hình rừng núi của vùng đất này. Hầu hết chiến sĩ ở các đơn vị chiến đấu trên mặt trận này dính “sốt rét rừng”, nhiều người chuyển thành nặng và đi vào sốt rét ác tính. Và đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm sức chiến đấu của các đơn vị”. Gay go nhất không phải là thiếu thuốc, mà người bị sốt rét cộng với thiếu lương thực, suy dinh dưỡng khiến phần lớn bệnh chuyển nặng, khó cứu chữa. Không ít người  mất ngay tại tăng võng bởi căn bệnh này. Trong cái khó ló cái khôn, bác sĩ Nguyễn Tụ đã cùng các anh chị em cán bộ trong xưởng dược tại B3 đã thành công trong việc chế “cao đạm” giúp thương binh, bệnh binh hồi phục nhanh sức lực.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể: “Nơi đơn vị chúng tôi đóng quân nằm cạnh dòng sông Pô Cô. Mỗi mùa mưa, dọc lưu vực sông, giun đất (địa long) trồi lên nhiều vô kể. Anh chị em xưởng dược chỉ việc mang xẻng ra đào tìm, có người bắt được cả gùi đầy, rồi mang về thủy phân, chế biến thành “cao đạm”. Liều thuốc này anh em đặt luôn tên là Bê-ba-min (B3 min). Khi gửi ra Bắc kiểm nghiệm, anh em trong đơn vị vô cùng vui mừng biết được trong B3-min, có nhiều thành phần các axit-amin hiếm và các vitamin ngang với viên đạm mà các nước bạn đang hỗ trợ cho ta”. Có một sáng kiến nữa của anh em là chế “cao voi”. Nhiều khi phát hiện xác voi chết vì bom đạn, anh em thường đánh dấu vị trí lại. Chế được cao voi phải được thực hiện sau mùa mưa vì mưa Tây Nguyên dữ dội lắm khi đó thịt voi phân hủy hết, anh em mang nồi đến vị trí ấy, nhặt xương voi, rửa sạch và nấu thành cao.

Cũng trong gian khó, người lính quân y B3 đã có rất nhiều sáng kiến độc đáo trong điều trị bệnh cho anh em thương binh, bệnh binh. Từ việc tự nấu thủy tinh để làm ống tiêm đến dùng Lân Tơ Uyn (một loại cây leo rừng) thay thuốc kháng sinh, rồi tự túc được cồn, hay dùng búp lá chuối rừng non đắp lên các vết bỏng bom Napal giúp người chiến sĩ  đỡ đau trong điều trị… Ngay cả bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cho chiến trường-Bệnh viện Quân y 211 cũng gặp không ít khó khăn. Cuối năm 1965, đầu năm 1966, trên đường hành quân từ Bắc vào, gần 150 xe chở đầy đủ trang thiết bị đồng bộ và thuốc men của Bệnh viện Quân y 211 (bấy giờ là Bệnh viện Quân y 84) nhiều lần bị địch oanh kích. Vào gần đến chiến trường, trang bị chuyên môn mất mát, hỏng hóc nhiều và gần như không còn máy móc, thiết bị nào “lành lặn”. May mắn thay, những bác sĩ được lựa chọn vào Bệnh viện Quân y 211 có thể khắc phục được một số thiết bị y tế để phục vụ cấp cứu bệnh nhân.

Trong những năm tháng ác liệt ấy, bác sĩ Nguyễn Tụ cùng với bác sĩ Lê Cao Đài và các đồng nghiệp khác vẫn tổ chức nghiên cứu khoa học. Các ông đã cho ra đời 21 cuốn “Nội san Quân y Tây Nguyên” (3 tháng/1 số dày 100 trang, 1 số xuất bản được 50 cuốn) và các tài liệu phổ biến kinh nghiệm xử trí vết thương; phổ biến quy định về cấp cứu nội khoa ở chiến trường… Ông đồng thời là một người trong Ban biên tập tờ nội san đó. Ông nói, cái khó khăn nhất ở chiến trường là giấy, mực in. Ông cùng các cộng sự bằng mọi cách tìm được giấy, mực in, có một tổ biên soạn để ra được 21 cuốn nội san với những thông tin quý báu phục vụ cho cứu người ở chiến trường. Với hàng trăm cán bộ quân y vào chiến trường, chủ yếu là những y sĩ, bác sĩ có trình độ của Viện Quân y 103, Viện Quân y 108, nên ngay từ cuối năm 1970, với vai trò là Chủ nhiệm quân y chiến trường B3, ông đã đề nghị với Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo cho thành lập Hội đồng Y học quân sự Tây Nguyên. Với sự ra đời của Hội đồng Y học và cuốn Nội san Quân y Tây Nguyên được xuất bản đều đặn mỗi quý, các đồng nghiệp đã có cơ hội giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học ngay tại chiến trường và trao đổi các thông tin hữu ích phục vụ chuyên môn.

GS, TS Nguyễn Tụ kể: “Năm 1978, tại hội thảo khoa học về các hình thức vận chuyển thương binh đã thực hiện trong chiến tranh tại Học viện Quân y Ki-rốp có rất nhiều các sĩ quan quân y các nước xã hội chủ nghĩa, các bạn rất muốn tìm hiểu về việc bảo đảm quân y, đặc biệt là vận chuyển thương binh tại chiến trường Việt Nam như thế nào. Tôi có một báo cáo khoa học về vấn đề này. Khi tôi nói chúng tôi có 3 tiểu đoàn xe đạp để vận chuyển thương binh trên chiến trường thì cả hội nghị ngỡ ngàng vô cùng và nóng lòng muốn biết chi tiết hơn. Họ ngỡ ngàng cũng đúng, vì tại các nước bạn, lực lượng chuyển thương bấy giờ đã có các trung đoàn máy bay, xe cứu thương, xe chuyên dụng ở các tuyến tiền duyên… Tôi phải giải thích rằng, chúng tôi ở trong rừng, đường vận chuyển thương binh rất nhỏ, chúng tôi bổ sung “phụ kiện” cho những xe đạp thồ lương thực, đạn dược vào trận địa để có thể vận chuyển được thương binh trở ra, nên mỗi một xe đạp của chúng tôi có thể tối thiểu chở được 2 thương binh. Có xe thiết kế thêm giá cáng, có thể chở được đến 5 thương binh (2 tầng đặt 4 cáng thương binh nằm, kèm theo 1 thương binh ngồi phía sau. Cả hội nghị hết sức thích thú vì, từ một phương tiện thô sơ mà vận chuyển thương binh hiệu quả hơn cả những phương tiện hiện đại mà họ đang sở hữu”. Trong ký ức của GS, TS Nguyễn Tụ, Tây Nguyên đã từng là một chiến trường ác liệt, nhiều hy sinh nhưng chứa đựng nhiều kỷ niệm về tình người, tình đồng chí.

Là một bác sĩ nhưng trước hết chúng ta là những chiến sĩ

GS, TS Nguyễn Tụ về công tác tại Học viện Quân y từ năm 1979. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho công tác đào tạo kiến thức về y học quân sự trong ngành quân y. “Tôi luôn muốn gửi đến những thế hệ sau chúng ta phải thực hiện tốt việc đào tạo giữa thực tế và sách vở, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”. Giáo sư nhớ lại, có lần, một thủ trưởng cấp trên đến kiểm tra khu huấn luyện dã ngoại của Học viện Quân y. Thủ trưởng cương quyết kiểm tra cách mắc võng của học viên, đặc biệt trong điều kiện có mưa. Mới thấy được rằng, những kiến thức dù rất đơn giản, nhưng thực sự cần thiết trong bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là với người chiến sĩ. Giáo sư tâm sự: “Ngày nay, các bạn được đào tạo bài bản, có công nghệ hỗ trợ tích cực là sự thuận lợi rất lớn. Trước đây, thế hệ chúng tôi ra chiến trường chỉ có những tài liệu bằng tiếng Pháp tự chép tay. Thậm chí có lúc phải vừa mổ cho thương binh, vừa cầm sách đọc để mổ đúng. Các bác sĩ quân y có thể không xuất sắc về nhi khoa, sản khoa nhưng phải giỏi về truyền nhiễm, nội khoa, ngoại khoa. Chúng ta là các bác sĩ nhưng chúng ta cũng là những người chiến sĩ. Nếu một chiến sĩ không hiểu biết về nghệ thuật quân sự, làm sao có thể xây dựng những cơ sở y tế phù hợp tại chiến trường để bảo đảm cấp cứu cho thương binh. Tôi rất tán thành việc mở rộng các chuyên khoa sâu để có thêm kỹ năng, kinh nghiệm về “con” bệnh. Dù là thời bình hay thời chiến, người chiến sĩ cũng phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Bởi vậy, người chiến sĩ quân y lại càng phải hiểu rõ hơn những kiến thức về vũ khí quân sự hiện đại để tìm cách khắc phục và có hướng điều trị cho thương binh”.

GS, TS Nguyễn Tụ tâm sự, ông rất tin tưởng vào sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ngoài việc từng bước đầu tư nâng cấp, trang bị các phương tiện hiện đại, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị toàn ngành quân y nên hoàn thiện thêm về tổ chức ngành quân y. Việc đầu tư trang thiết bị và phát triển kỹ thuật không chỉ ở các cơ sở quân y tuyến sau, mà còn được phát triển từng bước ở các đơn vị quân y tuyến trước. Các đơn vị đủ quân, các vùng hải quân… được trang bị khá đồng bộ và thống nhất từ tuyến quân y đại đội, đồn biên phòng đến quân y tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Điều đó thể hiện sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong toàn ngành. Tuy nhiên, vấn đề kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại là một nhu cầu thực tiễn của Quân y Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, với phương châm “phổ cập ở tuyến trước, chuyên sâu ở tuyến sau”, từng bước hiện đại hóa trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất thuốc.

Ở tuổi 88, song khi trao đổi với chúng tôi, GS, TS Nguyễn Tụ vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề, với công tác đào tạo các thế hệ và xây dựng ngành quân y. Ông kể trong cuộc đời binh nghiệp, ông may mắn hai lần được cử đi học tập, nâng cao trình độ về y học quân sự tại Liên Xô (trước đây), trưởng thành qua nhiều cương vị công tác, từ người Chủ nhiệm quân y trung đoàn, đến giáo sư, tiến sĩ y khoa, Bí thư Đảng ủy Học viện Quân y, Chuyên viên đầu ngành tổ chức chỉ huy quân y, cho đến khi nghỉ hưu năm 1995. Tuy nhiên, như ông tự nói về mình “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, Giáo sư Nguyễn Tụ vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ và những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong chiến đấu, tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh, giảng dạy, đóng góp cho nền y học quân sự nước nhà.

Bài và ảnh: La Minh Hoài – Thu Hương
Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn