Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền quê Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, mẹ mất sớm, khác với những bạn đồng trang lứa, năm 1958, khi đã lên mười tuổi cậu bé Nguyễn Năng Phúc mới vào lớp 1. Học hết lớp 8, cuộc sống gia đình khó khăn, anh cả và em trai đều xung phong vào chiến tuyến, Nguyễn Năng Phúc mạnh dạn làm hồ sơ xin đi học Trường Trung cấp sư phạm ở Thái Bình. Chờ đợi nhưng không được trường hồi âm, tháng 10-1965, thanh niên Nguyễn Năng Phúc gia nhập đoàn công nhân địa chất, thuộc Đoàn địa chất 2N, đóng tại Tràng Bạch, Uông Bí, Quảng Ninh. Tháng 11-1965, nhà trường gửi giấy triệu tập nhập học về địa phương, song không hiểu vì sao gia đình lại không báo tin, thế là nguyện vọng được học sư phạm bị bỏ lỡ.
Cuộc sống xa nhà nhiều vất vả, mỗi lần nghĩ đến xuất thân nghèo khó, Nguyễn Năng Phúc tự động viên và hăng hái làm việc. Gần 2 năm làm công nhân địa chất, ông tham gia nhiều công việc khác nhau từ làm đường để ô tô đi đến làm việc tại các giàn khoan, đến cầm mia (là một phụ kiện trắc địa, có hình như cây thước cứng, có ghi số) để đo trắc địa, đào hào để thăm dò khoáng sản… Công việc đào hào có thời gian lâu hơn cả. Hàng ngày, linh hoạt theo các ca sáng/chiều/đêm, ông cùng đồng đội được phân công đào những chiếc hào có độ sâu khoảng 10-15m ở Dốc Đỏ, Uông Bí để cán bộ địa chất thăm dò tình hình quặng. Có những khi, ông được phân công đi liền 2 ca/ngày. Tại Dốc Đỏ, công nhân được ở nhờ nhà dân Hoa kiều và tự nấu những bữa cơm đạm bạc. Tháng 7-1967, trở về sau ca đêm đào hào vất vả, ông nhận được thông báo của Đoàn địa chất 2N mời đến phòng tổ chức của đơn vị. Không kịp ngơi nghỉ, ông cuốc bộ trên quãng đường gần 10km từ Dốc Đỏ đến Tràng Bạch. Vừa trải bước trên con đường qua nhiều sườn đồi, ông vừa băn khoăn không rõ chuyện gì sẽ đến.
Tại phòng tổ chức của Đoàn địa chất 2N, ông Nguyễn Năng Phúc được cán bộ phòng trao đổi ghi nhận tinh thần tích cực, hăng say lao động và những nỗ lực đóng góp của ông cho đoàn trong thời gian qua, rồi thông báo ông được cử đi học phiên dịch tiếng Trung. Nhưng do tình hình thay đổi, đơn vị động viên ông chuyển sang học nghiệp vụ địa chất. Ông chấp nhận quyết định với suy nghĩ: Nghiệp vụ cũng là tốt. Đã vào đoàn, được đoàn phân công thì nên đi học[1]. Vào học lớp kế hoạch B[2] tại trường Trung cấp nghiệp vụ địa chất ở khu sơ tán thuộc huyện Đại Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), ông được ở nhờ nhà dân và đến lớp một buổi/ngày. Rời xa môi trường đất đá, hầm hào, ông Phúc rất tích cực học tập và luôn đạt kết quả tốt. Đôi khi gặp các bài khó, các bạn gợi ý muốn nghe ông giảng lại. Được thầy, bạn tín nhiệm, ông được bầu làm lớp trưởng. Tháng 9-1969, hoàn thành chương trình lớp kế hoạch B, các học viên đi thực tập, ông được giữ lại trường tham gia giảng dạy. Thời gian đầu, chưa trực tiếp đứng lớp, ông chủ yếu dự thính, làm trợ giảng cho các thầy môn kế hoạch, kế toán, thống kê.
Năm 1970, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, ông xung phong nhập ngũ và được phân vào Sư đoàn đoàn 361. Cha đã mất, ngày lên đường, ông được chú ruột tiễn chân. Khoảnh khắc chia tay vội vàng, ông chỉ kịp bày tỏ với chú: Chuyến này đi, cháu xác định không biết ngày trở về[3]. Tuy thời gian đã lùi xa, lời động viên của chú ông vẫn không quên: Tuổi trẻ, các cháu phải lên đường. Có thể trở về, hay ra sao là do phúc phận của nhà ta[4]. Sau 3 tháng được huấn luyện ở đơn vị tại Nông Cống, Thanh Hóa, trải qua những tháng ngày ròng rã hành quân, Sư đoàn 361 dừng chân trên đất Quảng Trị. Ông nhớ lần bị sốt rét, đồng đội không biết nên cho ông uống thuốc cảm. Nhớ lại thời gian đó, ông tâm sự: Đó là những ngày gian khổ nhưng vì đương sức trẻ, mọi mệt mỏi rồi cũng quên đi[5].
Năm 1971, ông được điều vào Binh trạm 31, thuộc Bộ Tư lệnh 559, hoạt động trên địa bản Quảng Trị và 2 tỉnh Savannakhet và Khăm Muộn thuộc vùng Trung – Hạ Lào. Ông nhớ một chiều muộn, khi đang đi tắm thì bất ngờ địch đánh bom vào đơn vị. Ở cạnh một cái giếng, ông phải vội nấp mình dưới rãnh thoát nước. Sau đợt bom lần 1, ông nhảy xuống giếng đang có một vài tấm gỗ che tạm, thoát được đợt bom lần 2. Vừa ra khỏi giếng thì đúng đợt bom lần 3, ông bị thương trên đầu gối chân trái, do một mảnh bom văng vào. Sau trận bom, trời tối mịt, đất bị xới tung như ruộng cày, ông mò mẫm một hồi mới vào được đến doanh trại của đơn vị, dù khoảng cách chỉ vài chục mét. Đồng đội nghĩ ông đã hy sinh. May mắn được sơ cứu, tuy không phải nhập viện, ông thường xuyên phải chịu những cơn đau tức ngực bởi sức ép quá lớn của đợt bom vừa qua. Hay trong một lần khác cùng 2 người đồng đội đi làm nhiệm vụ ở khe suối, lọt vào ổ phục kích của địch, ông đi giữa và bị trúng đạn. Tuy lập tức được đưa vào hang để cấp cứu nhưng chẳng may, sau 1-2 ngày, vết thương bị nhiễm trùng, bác sĩ cho biết ông phải điều trị tối thiểu là 6 tháng mới có thể hồi phục. Được chuyển ra Bệnh viện của Bộ Tư lệnh 559, điều kỳ diệu là ông hồi phục chỉ sau 3 tháng. Đã hơn 40 năm trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn di sẹo trên cơ thể: Dẫu vậy, tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn. Nhiều đồng đội đã ngã xuống, mình vẫn còn có thể ở đây, điều đó được gọi là phúc. Mình nên thấy vui vẻ vì vẫn còn khỏe mạnh, được làm việc, được cống hiến đến bây giờ, thế là sung sướng lắm rồi, PGS Nguyễn Năng Phúc tâm sự.
Sau 2 tuần an dưỡng ở Tiểu đoàn 961, ông được Binh trạm 31 điều về Tiểu đoàn 966 để làm quân lực. Năm 1972, ông được điều về làm quân lực ở Trung đoàn 967. Tại đây, ông mạnh dạn đưa ra một quyết định lớn – vào đại học. Năm 1974, biết sắp có đợt thi vào đại học, ông trình bày nguyện vọng được đi học với thủ trưởng của Trung đoàn và được chấp thuận. Bởi từng học lớp kế hoạch nên ông nộp hồ sơ dự thi vào trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân). Để chuẩn bị tốt cho kì thi dự kiến diễn ra vào tháng 7-1974, hàng ngày ông vào rừng làm nhiệm vụ, mỗi tối, bên chiếc đèn dầu, thay vì nghỉ ngơi, ông tập trung ôn bài. Tháng 7-1974, ông đỗ đại học, người lính chiến trường đã trở thành sinh viên một trường đại học có tiếng ở Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Năng Phúc, tháng 9-2021
Thời gian đầu vào học khoa Thống kê, trường Đại học Kinh tế kế hoạch, ông thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe. Bởi từng bị sốt rét, lại mang nhiều vết thương do chiến tranh nên những ngày nắng nóng hay thời tiết thất thường ông dễ bị mệt. Lại được xếp vào khoa Thống kê thay vì lớp Kế hoạch như nguyện vọng, ông có phần băn khoăn. Được thầy cô thuyết phục, ông yên tâm vào học khoa Thống kê. Vượt qua những khó khăn cả về thể chất và tư tưởng, với thành tích học tập cao, ông được cử làm lớp phó, rồi sau là lớp trưởng. Tháng 10-1978, tốt nghiệp khoa Thống kê, ông được giữ lại trường giảng dạy. Trong thời gian này, tuy nhận được nhiều lời mời về công tác ở một số cơ quan, đơn vị khác nhưng ông chọn ở lại trường giảng dạy. Nghĩ lại những cơ hội đến với nghề sư phạm từng bỏ lỡ, lại thêm gia đình có cụ nội từng làm thầy giáo, ông chia sẻ: Tôi chọn sự yên phận với nghề giáo. Có lẽ, tôi có duyên với nghề[6].
Đến nay, hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, PGS Nguyễn Năng Phúc tâm sự: Trong thời gian giảng dạy, dẫu nhiều cơ hội để chuyển công tác nhưng tôi vẫn quyết định ở lại trường, một phần vì yêu nghề, một phần vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chứng kiến các thế hệ học trò của mình dần trưởng thành[7].
Nguyễn Thị Thanh
[1] Ghi âm hỏi thông tin PGS Nguyễn Năng Phúc, 18-8-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Khi đó trường gồm hai lớp đào tạo nghiệp vụ về kế hoạch là A và B.
[3] Ghi âm hỏi thông tin PGS Nguyễn Năng Phúc, 18-8-2021, tài liệu đã dẫn.
[4] Ghi âm hỏi thông tin PGS Nguyễn Năng Phúc, 18-8-2021, tài liệu đã dẫn.
[5] Ghi âm hỏi thông tin PGS Nguyễn Năng Phúc, 18-8-2021, tài liệu đã dẫn.
[6] Ghi âm hỏi thông tin PGS Nguyễn Năng Phúc, 18-8-2021, tài liệu đã dẫn.
[7] Khổng Thị Duyên (2019), “Hạnh phúc là được đứng trên bục giảng”, (http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/44248/seo/Hanh-phuc-la-duoc-dung-tren-buc-giang/Default.aspx).