Tôi không hối hận khi lựa chọn ngành Dược liệu…

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ cũ kỹ nơi góc phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, mặc dù đã bước sang tuổi 92, nhưng GS.NGND Vũ Ngọc Lộ vẫn minh mẫn và hiếu khách.

Sinh năm 1922 trong một gia đình giàu có, tuổi thơ Vũ Ngọc Lộ gắn liền với con phố Bắc Ninh (sau này đổi tên là phố Nguyễn Hữu Huân), Hà Nội. Bố mẹ Vũ Ngọc Lộ mong muốn con trai khi trưởng thành sẽ trở thành một nhân viên hành chính làm việc ở kho Bạc và sớm ổn định cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, với bản tính thích độc lập từ nhỏ, Vũ Ngọc Lộ tự tìm cho mình một hướng đi riêng , tiếp tục học tập, tiếp tục vươn lên.

GS.NGND Vũ Ngọc Lộ

Năm 1946, khi Vũ Ngọc Lộ tốt nghiệp trường Bưởi, Hà Nội, ông được người chú họ là Trịnh Văn Tuất[1] gợi ý: "Cháu nên theo Y Dược, vì đó là một ngành nhân đạo, vừa kiếm được tiền, vừa đóng góp cho xã hội". Khi ấy, Vũ Ngọc Lộ hình dung khi cầm tấm bằng Dược sĩ trong tay, ông có thể mở một cửa hiệu bán thuốc ở phố Hàng Đào hoặc Hàng Gai…, kinh tế đầy đủ, vợ đẹp, con khôn và được xã hội trọng vọng. Với mơ ước về một tương lai tươi sáng như vậy, Vũ Ngọc Lộ quyết định đăng ký thi vào trường Đại học Dược Hà Nội.

Vừa nhập học được vài tháng, thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thầy trò trường Đại học Dược Hà Nội nhận lệnh tản cư lên Việt Bắc. Những tháng ngày học tập, công tác gian khổ trong Quân Dược ở chiến khu đã xóa bỏ hoàn toàn mơ tưởng thủa ban đầu của chàng sinh viên trẻ. Tuy nhiên trong khó khăn dường như Vũ Ngọc Lộ không nhụt chí mà ngày một trưởng thành, vững niềm tin với cách mạng và hết lòng cống hiến sức mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với những đóng góp trong đào tạo ngành Dược liệu, năm 2008, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng khi nhớ lại những kỷ niệm thời học tập, công tác, với nụ cười mãn nguyện ông tâm sự: "Nhiều khi không hiểu sao ngày đó tôi lại chọn ngành Dược liệu, khước từ nguyện vọng bố mẹ, khước từ cuộc sống "chăn ấm đệm êm" để dấn thân vào cuộc sống gian khổ. Nhưng quả thực tôi không hối hận vì đã lựa chọn ngành Dược liệu…"

 

Phạm Ngọc Hải 

 


[1] GS Trịnh Văn Tuất, nguyên Khoa trưởng Nha khoa, trường Đại học Y khoa Sài Gòn.