“Tôi vẫn chọn nghề làm thầy”

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất có truyền thống hiếu học tại Can Lộc, Hà Tĩnh, Nguyễn Huy Quý ngay từ nhỏ đã ước mơ trở thành giáo viên, PGS Huy Quý chia sẻ: Từ nhỏ tôi cho rằng nghề giáo là một nghề cao quý nên tôi mơ ước sau này sẽ trở thành thầy giáo. Ngày học phổ thông ông thích các môn khoa học xã hội, rất yêu thích văn học, văn hóa phương Đông, trong đó có văn hóa Trung Quốc. Năm 1955 sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông trong diện được đi học tập ở nước ngoài, và ông đã đăng ký nguyện vọng học chuyên ngành Lịch sử thế giới tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.  

“Tôi gắn bó với công tác giảng dạy bằng sự say mê và trách nhiệm với công việc” – PGS Nguyễn Huy Quý chia sẻ

Nhớ lại thời kỳ đó, PGS Nguyễn Huy Quý cho biết: Vào năm 1962, trước khi tốt nghiệp 6 tháng, Bộ Giáo dục gửi công văn sang thông báo dự kiến phân công cho các sinh viên sắp tốt nghiệp, trong đó có ông. Sinh viên Nguyễn Huy Quý có hai sự lựa chọn: về làm việc tại Viện Sử học Việt Nam, hoặc trường Đại học Tổng hợp. Để thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình ông đã lựa chọn về giảng dạy tại khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp. 

Trong suốt 30 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Khoa Sử (1962-1993) và là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử thế giới, nhiều thế hệ học trò trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông, trong đó có những sinh viên ông đã hướng dẫn tốt nghiệp đại học, rồi luận án Tiến sĩ, như GS.TS Đỗ Tiến Sâm – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, PGS. TS Nguyễn Thị Huệ – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, TS Nguyễn Đình Liêm – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc… Cho đến nay PGS Nguyễn Huy Quý vẫn tham gia công tác đào tạo các thế hệ học trò, và trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề: Nếu có kiếp sau tôi vẫn chọn nghề thầy giáo và nghiên cứu văn hóa Trung Quốc… bởi nghề thầy giáo tạo cho tôi sự tự trọng, sống khuôn phép…

Giang Thị Nhung

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam