Tôi vẫn tiếp tục bước đi, dù chỉ bên lề

Bà là PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Nga, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Thật thú vị khi được nghe bà chia sẻ một cách rất hình ảnh: “Tôi vẫn đang bước trên con đường khoa học mà chưa biết điểm dừng. Trước kia đi nhanh nhưng nay già thì đi chậm hơn, mò mẫm hơn. Trước kia đi giữa đường thì bây giờ đi bên lề đường. Nhưng, tôi không thể không đi!”. Và con đường mà bà muốn nói đến chính là con đường nghiên cứu ngôn ngữ Nga để phục vụ giảng dạy.

Đầu năm 1945, cô bé sáu tuổi Tuyết Minh được bà ngoại dẫn vào thăm mẹ bị giặc Pháp bắt giam trong một nhà tù ở Quảng Ngãi. Xót thương đứa con rách rưới, gầy còm và nhất quyết không chịu rời mẹ, bà Phạm Thị Trinh tìm cách đưa con vào tù để mẹ con được bên nhau. Rồi khi mẹ được thả trong khí thế sục sôi những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Tuyết Minh lại về với ông bà, để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Trong những năm chống Pháp gian khó, việc học của Tuyết Minh bị ngắt quãng khiến khát khao học luôn thường trực trong cô.

May mắn thay, đầu năm 1953 theo chủ trương của trung ương gửi con em cán bộ đi học, Tuyết Minh được sang học tại trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm (Trung Quốc), rồi lọt vào danh sách đoàn học sinh Việt Nam đầu tiên đi học ở Liên Xô. Cùng với Vũ Khoan, Đặng Nhật Minh,… Tuyết Minh lòng tràn đầy háo hức, rộn rã xen lẫn hồi hộp được đến đất nước mơ ước của biết bao người bạn cùng thời. Tại đây, cô có hơn một năm rưỡi học tiếng Nga, rồi được phân công vào trường Đại học Sư phạm Lênin cùng ba bạn nữ. Học tập tại Liên Xô là cơ hội mở ra chân trời tri thức mới cho Tuyết Minh, tận dụng mọi thời gian để học, hàng ngày cô dậy từ 6 rưỡi sáng, từ ký túc xá chuyển qua bốn ga xe điện ngầm để đến trường. Sau bữa trưa ngay tại nhà ăn của trường, cô tiếp tục lên thư viện học đến khoảng 7 giờ tối mới về. Trên đường trở về ký túc, cô tranh thủ ăn bánh mỳ để về là vùi đầu vào bài vở.

Với Tuyết Minh, đọc sách văn học là một hình thức bổ sung kiến thức rất bổ ích, đi đâu cô cũng mang theo sách, có nhiều lần thay vì phải ngồi nghe những bài giảng không mấy hấp dẫn, cô đã đổi "món" bằng cách đọc những cuốn sách mình mang theo. Được các thầy cô giáo Nga gợi ý, thơ – ca – nhạc – kịch là kết tinh ngôn ngữ văn hóa của cả một dân tộc nên Tuyết Minh và các bạn thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để vào rạp hát nghe kịch hay những vở Opera là các tác phẩm văn học Nga được chuyển thể. Bởi các xuất diễn vào giờ nghỉ trưa là thời gian lý tưởng vì giá vé vào cửa rất rẻ, rất hợp túi tiền của những sinh viên xa nhà như Tuyết Minh. Cứ như thế, tiếng Nga và văn hóa Nga thấm vào cô như ngấm dần vào trang giấy trắng và in dấu khó có thể phai nhòa.

 Nguyễn Tuyết Minh (ngoài cùng bên trái) và các bạn trong ngày tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Lênin, năm 1961

Sau bảy năm học tập ở Liên Xô, tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của Tuyết Minh, đến nỗi lúc mới về nước (năm 1961), cô trở nên lúng túng khi sử dụng tiếng Việt. Ngay sau đó, Tuyết Minh tự học để hòa nhập trong vai trò giảng viên của Tổ Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1962, giảng viên trẻ Tuyết Minh được điều chuyển sang Ban tiếng Nga, Khoa Ngoại ngữ và gắn bó với nghiệp dạy học cho đến khi nghỉ hưu.

Nghề dạy học trở thành niềm đam mê của cả cuộc đời Nguyễn Tuyết Minh, bởi nó giúp bà luôn phải tự hoàn thiện nhân cách và phải tiếp cận tri thức mới để truyền dạy cho học trò. Không chỉ dừng lại ở việc dạy học, PGS Tuyết Minh còn tham gia xây dựng những tài liệu công cụ để giúp cho đồng nghiệp và những người muốn tìm hiểu sâu về ngôn ngữ Nga. Từ cuối những năm 80, bà đã tham gia biên soạn hai công trình hợp tác lớn giữa Việt Nam và Liên Xô: Sách giáo khoa dạy tiếng Nga cho các trường chuyên ngữ và Đại từ điển Việt – Nga. Gần ba chục năm trời niềm đam mê ngôn ngữ Nga của bà dành trọn cho cuốn Đại từ điển Việt – Nga, đó cũng là cơ hội để bà tìm hiểu sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Nga, lý thuyết sách giáo khoa và chuyên ngành từ điển học.

Khi mới tham gia biên soạn Đại từ điển, bà phải mày mò học lý thuyết về từ điển. Sau ba năm tìm hiểu, bà và nhóm tác giả nghiên cứu tư liệu của các chuyên gia ngôn ngữ và đề xuất được quan điểm từ điển học cho việc biên soạn. Gần một phần ba đời người, bà sống và làm việc tại Nga, hàng ngày miệt mài lăn lộn cùng các cộng sự của Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Cũng chừng đó thời gian, bà chứng kiến biết bao những biến động khi Liên Xô tan rã, sự ra đi của nhiều thành viên trong tập thể tác giả… những khó khăn khi nước Nga diễn ra biến động chính trị dữ dội những năm 90 khiến hợp đồng biên soạn từ điển trước đó gần như bị lãng quên, sinh hoạt phí tối thiểu cũng bị hạn chế, chỗ ăn ở, làm việc của nhóm biên soạn luôn là nỗi ám ảnh với bà. Ở những thời điểm khó khăn thử thách ấy, Nguyễn Tuyết Minh phải nỗ lực ở mức độ cao nhất để vươn lên. Bà luôn ghi nhớ trong trái tim mình mối ân tình sâu nặng với quê hương và nước Nga để tự tạo động lực cố gắng.

 PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh và bà Valentia Anđrêêva, hai biên tập viên chính của Đại từ điển Việt – Nga

Giữa năm 2013, công trình Đại từ điển, do bên Nga xuất bản, được ra mắt trong niềm hân hoan của PGS Tuyết Minh và đồng nghiệp. Nhà Nga ngữ học Bùi Hiền, nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, khẳng định: “Đây không đơn thuần là cuốn Đại từ điển mà là Từ điển "vĩ đại", cuốn Đại từ điển Việt – Nga có 4 cái nhất: nhiều đơn vị từ vựng nhất, nhiều thông tin nhất, dùng được đại trà nhất và được cập nhật từ mới nhiều nhất”. Hiện nay, PGS Tuyết Minh và tập thể tác giả Việt Nam đang cùng nhau đọc lại bản thảo, phát hiện lỗi và trình bày cho phù hợp với bạn đọc người Việt, dự kiến, cuối năm 2014, Đại từ điển sẽ được phát hành tại Việt Nam. Chưa kết thúc với công trình xuyên thế kỷ đó, PGS Nguyễn Tuyết Minh còn đang ấp ủ dự định biên soạn cuốn Từ điển thành ngữ Nga-Việt, dự kiến 10 vạn thành ngữ để giúp ích cho các sinh viên và bạn đọc quan tâm.

Với PGS Nguyễn Tuyết Minh, dù đã là một “chuyên gia” nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ Nga – Việt, nhưng hàng ngày bà vẫn tự bổ sung vốn từ cho mình thông qua việc đọc sách và thường xuyên nghe thời sự bằng ngôn ngữ Nga, Việt. Bởi trong ngành nghiên cứu ngôn ngữ học, ngôn ngữ phản ánh thực tế khách quan không ngừng biến động, nên theo đó ngôn ngữ cũng phải luôn sống động và phát triển. Với bà, bể tri thức ngôn ngữ là mênh mông, cần được vun đắp, bà đã dành cả đời học hỏi và nghiên cứu không ngừng nghỉ.

Lật giở từng bức ảnh in đậm dấu ấn những ngày gian khó khi làm Đại từ điển ở Nga, rồi cả niềm xúc động trong ngày ra mắt công trình, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cười hiền hậu và bật mí: “Chính tình yêu và lòng biết ơn nước Nga là động lực để tôi tự tin bước trên con đường nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ Việt – Nga”. Đồng hành với tình yêu nước Nga, còn là sự kiên trì, ý chí quật cường được thừa hưởng từ ba mẹ và sự ủng hộ của gia đình chính là bệ đỡ tiếp thêm sức mạnh cho bà. Để rồi, Nguyễn Tuyết Minh luôn vững bước và tâm niệm: “Cứ đi rồi sẽ đến, cứ tìm rồi sẽ thấy”.

Trần Bích Hạnh