Tôn vinh các nhà khoa học nữ

Cháy mãi những đam mê

Hướng tới Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, sáng 16.10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội phối hợp với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Cháy mãi những đam mê”.

Triển lãm muốn gửi đi thông điệp: Khoa học chính là cuộc sống, với 3 nội dung chính: Khởi nguồn đam mê, Hành trình sáng tạo, Cháy mãi ước mơ. Thông qua những chia sẻ, tâm sự, bức ảnh tư liệu, đoạn phim… triển lãm mang tiếng nói của các nhân vật đến gần với công chúng, để khách tham quan hiểu hơn về cuộc sống của các nhà khoa học nữ, đằng sau những vinh quang, thành công, họ còn là người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình với những yêu thương, lo lắng hàng ngày. Đồng thời, qua đó tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học nữ Việt Nam, bằng sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình không chỉ phục vụ cuộc sống người dân, còn góp phần đưa khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

 Chân dung 15 nhà khoa học được giới thiệu tại triển lãm
Chân dung 15 nhà khoa học được giới thiệu tại triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Sự đa dạng trong các lĩnh vực nghiên cứu, tuổi tác, thành công được gọi tên qua giá trị kết nối khoa học với cuộc sống là định hướng để chúng tôi lựa chọn và thực hiện nội dung triển lãm. Càng tiếp xúc nhiều với các nhà khoa học, chúng tôi càng hiểu rằng với họ, nghiên cứu, làm việc là đam mê và lẽ sống. Có những chị từ thời còn là sinh viên đến nay, dù đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu… Tuy vậy, mỗi lời tâm sự của các nhà khoa học nữ được giới thiệu trong triển lãm cũng đọng lại trong người xem những suy ngẫm về khó khăn, định kiến giới mà phụ nữ gặp phải trong hành trình làm khoa học của mình”.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Trong số muôn vàn phụ nữ làm khoa học, việc Ban tổ chức trưng bày giới thiệu 15 nhà khoa học đã là việc làm vô cùng khó khăn. Đây là 15 người đại diện cho các hoàn cảnh, vị trí, nghề nghiệp khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê, say sưa sáng tạo khoa học và muốn phục vụ cuộc sống, đất nước. Ngoài ra, còn rất nhiều phụ nữ khác mà chúng ta sẽ có dịp trưng bày sau này.

Con đường chưa biết điểm dừng

Tại triển lãm, khách tham quan có dịp bắt gặp những cái tên chưa được nhiều người biết đến, nhưng sản phẩm của các chị thì gắn liền với cuộc sống của nhiều người. Với đất nước nông nghiệp như Việt Nam, những giống lúa như MO4900, MO5900… có năng suất 7 – 9 tấn/ha góp phần tạo nên giá trị xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam. Đó là công trình nghiên cứu ứng dụng trong hơn 10 năm của “bà mẹ lúa” GS. TS. Nguyễn Thị Lang. Điều đó bắt nguồn từ ước mơ thuở nhỏ: “Tuổi thơ tôi gắn với đồng ruộng, 10 tuổi tôi đã biết giúp ba má việc đồng áng. Thấy ba má và những nông dân ai cũng nai lưng ra làm mà vẫn cực khổ do năng suất lúa thấp, tôi ước mơ làm sao có giống lúa tốt, năng suất cao, nắng ngày để tăng hiệu quả kinh tế giúp ba má tôi và người nông dân đỡ khổ. Ước mơ đó cứ lớn dần để tôi có động lực theo đuổi nghiên cứu về cây lúa”.

Nhiều bạn trẻ thích thú tìm hiểu về ghi chép từ năm 1975 của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt 
Nhiều bạn trẻ thích thú tìm hiểu về ghi chép từ năm 1975 của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt

Hay người phụ nữ “biến trấu thành sơn”. “Khi đến với đồng bằng sông Cửu Long, thấy nông dân đốt trấu trên đồng ruộng, đổ ra kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, tôi nuôi khát vọng làm sao để sử dụng nguồn nguyên liệu vô tận này, làm sao tách được silicat từ vỏ trấu để điều chế sơn nano thay thế cho nguyên liệu nhập ngoại tốn kém. Tôi nghiên cứu trong suốt nhiều năm, trải qua hàng trăm thí nghiệm, cuối cùng đã điều chế thành công sơn Nano từ vỏ trấu, từ đó tôi ứng dụng sản xuất nhiều dòng sơn có tính năng độc đáo như sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và thậm chí sơn chống đạn” – PGS. TS. Nguyễn Thị Hòe chia sẻ. Hay một nhà khoa học đã vượt qua định kiến giới không chỉ của chuyên gia trong nước mà còn cả chuyên gia của nước Nga ở thập kỷ 1990 để chế tạo thành công máy biến áp 500 kilôvôn, dựa vào ứng dụng hiệu quả trong ngành điện Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt… Đó là một vài cái tên trong hàng trăm hàng nghìn tên tuổi các nhà khoa học nữ Việt Nam, bình dị hòa vào cuộc sống, nhưng giá trị mà họ tạo nên, chắc hẳn sẽ được sự ghi nhận của mọi người.

 Một góc triển lãm
Một góc triển lãm

Dù đã thu được những thành công nhất định, song với họ, nghiên cứu khoa học vẫn là hành trình đam mê và chưa bao giờ cho phép mình dừng lại. Đúng như PGS. TS. Nguyễn Tuyết Minh, người thực hiện Đại từ điển Việt – Nga chia sẻ: “Tôi đang bước trên con đường khoa học mà chưa biết điểm dừng. Trước kia đi nhanh nhưng nay già thì đi chậm hơn, mò mẫm hơn. Trước kia đi giữa đường thì bây giờ đi bên lề đường. Nhưng tôi không thể không đi”.


Bài và ảnh: Ngọc Phương

Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn/