Các nhà y học lớn đó khác nhau về tính cách cá nhân, bối cảnh học tập và làm việc, nhưng họ có điểm chung là mỗi sáng tạo đều xuất phát từ sự cần cù, ham học hỏi, niềm đam mê nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm cao, tình thương yêu bệnh nhân và con nguời.
GS Tôn Thất Tùng (1912 – 1982), nguyên Thứ trưởng Y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, sáng tạo phương pháp cắt gan khô – được thế giới đánh giá là một bước ngoặt trong y học đương thời. Ông góp phần đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng cho Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên nghiên cứu tác hại đến con người Việt Nam của chất diệt cỏ dioxin do Mỹ sử dụng trên chiến trường.
GS. TS. Đại tá Nguyễn Thúc Tùng (1916 – 2013), nguyên Phó Viện trưởng Viện Quân y 108, đã lãnh đạo xây dựng ngành quân y khu V trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến, ông có sáng kiến tổ chức các đội phẫu thuật lưu động đi theo các chiến dịch và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện quân đội. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài đọc sách và học ngoại ngữ.
GS. TSKH, Đại tá Nguyễn Văn Nhân (1924 – 2013), nguyên Phó Viện trưởng Viện Quân y 108, là chuyên gia hàng đầu về chấn thương chỉnh hình quân đội, là người lập “Ngân hàng xương” đầu tiên ở Việt Nam và có nhiều sáng kiến trong việc áp dụng các kỹ thuật mới trong phẫu thuật xương. Ông là “hiện tượng” hiếm thấy khi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở tuổi 67.
Những câu chuyện cụ thể, những hiện vật, tư liệu gắn bó với ba nhà khoa học được trưng bày đã nói lên câu chuyện học hỏi và sáng tạo của họ, giúp người xem hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của họ và cả bối cảnh khó khăn của nền y học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thách thức, các nhà y học đã nêu tấm gương về sự cần mẫn chắt lọc kiến thức, kinh nghiệm từ bản thân và từ thực tiễn, quyết tâm đưa những sáng tạo của mình vào cuộc sống. Khát vọng học hỏi và sáng tạo đã đưa họ đến thành công trong khoa học, giúp họ đóng góp nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Ba nhà y học lớn cũng là những tấm gương đạo đức cách mạng Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Thật xúc động khi nhìn chiếc ống nghe chiến lợi phẩm từ năm 1949 vẫn được GS Nguyễn Thúc Tùng sử dụng cho đến năm 1985, những trang ghi chép kín chữ và hình vẽ trên cuốn sổ tay tự đóng, giấy vàng ố của GS Tôn Thất Tùng, bộ dụng cụ kết xương sơ giản của GS Nguyễn Văn Nhân dùng từ những năm 1960 – 1961. Nhân cách và y đức của họ sáng ngời cho hậu thế. Những thế hệ thày thuốc hôm nay có thể tìm thấy từ đó những bài học thiết thực cho mình.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy – người có vai trò chính trong việc thiết kế trưng bày này – cho biết: “Đây là trưng bày đầu tiên của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trưng bày này còn mang tính thử nghiệm, tuy quy mô khiêm tốn nhưng nó nêu ước vọng về một bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai. Hoạt động này là một bước góp phần chuẩn bị nội dung và hình thức cho Bảo tàng về các nhà khoa học đang được triển khai xây dựng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”.
Ngữ Thiên
Nguồn: http://nhandan.com.vn